Cho dù bây giờ, những người làm công tác quản lý hành chính gọi những nơi này là gì, là phường, hay tổ dân phố…, với tôi đây vẫn là những làng biển của ngày xưa cũ. Này đây vẫn là ngôi đình làng, vẫn là nơi có lễ hội Cầu ngư, vẫn truyền thống thờ Ông Nam Hải, vẫn lưu giữ điệu hò bá trạo, và trên hết vẫn là hồn cốt của làng xưa qua lời ăn tiếng nói, qua cách ứng xử thật thà, chân chất của người trong làng. Nha Trang nguyên ngày xưa là vùng đất của các làng chài. Lịch sử còn ghi năm 1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, khi đó gồm 4 làng cổ là: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh và Phương Sài.
Đình Bích Đầm. |
Cuộc đời dâu bể, làng biển xưa đã nên phố nên phường, nhộn nhịp tàu xe trong hào nhoáng ánh đèn. Nhưng trong lòng Nha Trang hiện đại ngày nay vẫn giữ được nhiều làng chài nơi cửa sông, ven biển. Rời những đường phố lung linh ánh đèn, nhộn nhịp du khách, ta có thể bước vào các làng biển. Ở đây ta ngỡ như lạc vào vùng đất của nhiều thập niên trước. Những con hẻm nhỏ, nhà cửa 2 bên vươn cao tạo lối như mê cung. Bạn tôi chỉ cách tìm đường đi ra trong những xóm biển này là cứ nhìn lên trên đầu mà đi theo dây điện sẽ không sợ lạc đường.
Điều quý nhất ở những xóm nhà lộn xộn này là cho dù có nhà ngói tường xây nhưng làng vẫn giữ nguyên hồn cốt. Những làng biển lâu đời ở Vĩnh Trường, Chụt, Cầu Đá, Xóm Cồn hay ngoài Bích Đầm… cuộc sống dù hiện đại đến đâu thì nếp sống của làng vẫn hiền hòa trôi chậm như những ngày xưa xa lắc. Tôi có mấy người bạn nhà ở Chụt. Thỉnh thoảng cuối tuần chúng tôi vẫn rủ nhau ra chợ gần nhà ăn bánh xèo. Làng biển vẫn giữ thói quen trăm năm nay, đàn ông thì đi biển dăm bữa nửa tháng mới về, phụ nữ ở nhà hàng ngày ngóng tàu về bến, tần tảo buôn bán. Những người phụ nữ đảm đang hầu như ai cũng biết nghề bán đồ ăn sáng, những món ăn dân dã như: Bánh canh, bún cá, bánh xèo, bánh căn… món ăn nào cũng có đầy cá, tôm, mực tươi rói mới câu về hồi sáng, từ cầu tàu chạy thẳng ra quán quen để kịp phục vụ dân làng.
Tôi nhớ lần đầu tiên đến với khu làng biển Vĩnh Trường bởi một cái duyên. Năm 1996, tôi được phân công ra Trường Sa đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội. Thập niên 1990, Trường Sa còn là nơi xa cách ngàn trùng, thông tin liên lạc chỉ có thư tay, chờ vài tháng có tàu ra vô mới nhận được. Những ngày ở Trường Sa, tôi gặp mấy em đang làm nghĩa vụ quân sự, quê ở Vĩnh Trường. Nơi muôn trùng sóng gió, gặp người cùng quê vui và cảm động lạ thường. Tôi chụp một số hình và các em cho tôi địa chỉ, nói khi anh về đến thăm gia đình, kể chuyện tụi em sinh hoạt và gửi hình để ba má mừng tụi em vẫn mạnh khỏe. Khi về tôi tìm đường xuống Vĩnh Trường, luồn lách trong những hẻm nhỏ hun hút, địa chỉ thì có nhưng vẫn phải hỏi thăm. Người dân làng biển hiền hòa và tốt bụng, từ đầu làng chỉ cần nói tên là mọi người chỉ đường vanh vách. Nhà đầu xóm còn hối đứa nhỏ lên xe đi với chú chỉ đường cho mau. Bữa đó gia đình các em giữ tôi lại để nghe thêm chuyện Trường Sa. Bữa trưa là món mực cơm tươi vừa bắt được, rửa qua bằng nước biển rồi hấp, cuốn bánh tráng. Đến bây giờ, tấm lòng chân chất của người dân biển Vĩnh Trường và vị ngọt thơm của bữa ăn đơn sơ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Làng biển Bích Đầm. Ảnh: Châu Tường |
Có một ngày Chủ nhật thong dong, tạm né những quán cà phê đông nghẹt trên phố, sà xuống bên hàng bánh canh, bánh xèo ở chợ Chụt, Xóm Cồn hay bên dốc Cầu Đá… để thấy cuộc sống bình yên đến lạ. Ngồi đó nghe nhịp đời làng biển từ tốn trôi đi chợt cảm nhận và thấm thía bài hát "Mái đình làng biển" của Nguyễn Cường: “Những thăng trầm thời gian đã ghi tạc hình dáng. Nét chạm trổ phượng long uốn lượn tựa mây sóng. Gửi vào đây vào đây vui buồn người Việt. Gửi vào đây vào đây tâm hồn người Việt…”.
Thành phố du lịch nhộn nhịp Nha Trang vẫn có một góc riêng lưu giữ hồn cốt xưa của ông cha những ngày đầu tạo dựng. Tôi cứ nghĩ cuộc sống sẽ nghèo đi rất nhiều nếu một mai Nha Trang không còn những làng biển.
THỦY NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin