17:16, 05/05/2024

Di sản nhiếp ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Có lẽ trong mỗi chúng ta, ai cũng biết đến bức ảnh “Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng” của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại. Bức ảnh như một mốc son chói lọi kết thúc cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của quân và dân ta, như một dấu chấm hết thời kỳ cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương, thể hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc chiến đấu trường kỳ.

Giá trị bền bỉ với thời gian

Có thể khẳng định, bức ảnh này đã được sử dụng nhiều nhất trong suốt 70 năm qua, sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nó trở thành biểu tượng của Điện Biên Phủ huy hoàng. Báo chí trong và ngoài nước hễ nói tới Điện Biên Phủ là họ lại đưa ra cùng những lời bình luận tốt đẹp, cảm phục nhân dân Việt Nam anh hùng, cảm phục Quân đội Việt Nam thiện chiến, cảm phục tài chiến lược chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm phục tài thao lược ứng phó linh hoạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 Bức ảnh Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ của nghệ sĩ Triệu Đại.
 Bức ảnh "Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng", kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ của nghệ sĩ Triệu Đại.

Dưới góc độ chuyên ngành nghệ thuật nhiếp ảnh, tôi chỉ xin nói đến những đóng góp của nhiếp ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Mỗi chuyên ngành nghệ thuật đều có một thế mạnh riêng góp một phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng nhiếp ảnh lại có một giá trị tài liệu vô giá trở thành di sản, tính lịch sử và giá trị truyền thông, trong và sau sự kiện. Đặc biệt tính hiện thực của nhiếp ảnh đã làm cho các tác phẩm càng có giá trị với thời gian.

Với tác phẩm “Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries nổi tiếng này, thoạt nhìn đã thấy niềm kiêu hãnh của những người lính trong các bức ảnh giương cao cờ Quyết chiến Quyết thắng ở trận đánh quyết định. Nếu chúng ta được xem bức ảnh này vào thời điểm 1954 thì giá trị thông tin khủng khiếp, cảm nhận của người xem lúc đó gần như là cả một dân tộc đều vang lên reo hò, niềm vui chiến thắng và những ý tưởng thú vị đã nảy sinh.

Ngọn cờ ấy có sứ mệnh gì, có sức mạnh gì trong “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngọn cờ đã báo hiệu một tin vui tột cùng, niềm tự hào của một dân tộc anh hùng dù còn nghèo nàn, lạc hậu đã chiến thắng một cường quốc, báo hiệu kết thúc sự đô hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam.

Để có những bức ảnh chân thật, sinh động, có sức lay động lòng người như vậy, các nhà nhiếp ảnh mặt trận đã không ngại hy sinh, gian khổ, gan dạ, kiên cường, luôn luôn bám sát chiến trận, tiếp cận nhân vật, chiến sự như các chiến sĩ cầm súng để chụp được từng bước chân của bộ đội, theo dõi từng quả lựu pháo khi ra khỏi nòng, kết quả của các đợt tấn công của quân ta, hay chờ đợi ngọn cờ vinh quang của Tổ quốc mỗi khi nó xuất hiện... Từ bức ảnh đầu tiên phất cờ trên đồi Him Lam, đến bức ảnh cuối cùng phất cờ trên nóc hầm De Casteris.

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ.
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ".

Các nhà nhiếp ảnh tham gia ở Chiến dịch Điện Biên Phủ không nhiều, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng họ đã làm được những điều vĩ đại để lại cho lịch sử một kho tàng tư liệu ảnh vô giá, điển hình như Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Đinh Ngọc Thông; và các nhà quay phim, kiêm chụp ảnh như Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đăng Bẩy… Họ đã để lại cho lịch sử chiến tranh cách mạng một kho tàng lịch sử hình ảnh chân thật, sinh động vô giá.

Hầu hết các tác phẩm của họ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng các Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhờ vậy mà ngày nay, chúng ta vẫn được tận mắt nhìn rõ mồn một thực tế sinh động, ác liệt, bi hùng, trong không gian rộng lớn của trận địa, núi đồi san sát kéo dài, có cả các chiến sĩ phất cờ, các chiến sĩ vận động trong chiến hào, và xác lính Pháp nằm bên sườn lô cốt ẩn hiện dưới nhiều đám khói nghi ngút. Các chiến sĩ xẻ núi mở đường, kéo pháo ra chiến trường, những Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; hay từng đoàn xe thồ của dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong với khí thế lớp lớp nối đuôi nhau tiếp tế lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến…

Nhiếp ảnh chiến tranh – một phần quan trọng của văn hóa quốc gia

Mọi hoạt động của Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm vẫn được hiện hữu, nhờ các nhà nhiếp ảnh căng mình, tìm mọi góc độ, vận dụng chắc kỹ thuật ánh sáng, bố cục, khẩu độ, tốc độ... để thể hiện một cách tốt nhất, chân thật nhất, sinh động nhất. Những tác phẩm nhiếp ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ là một bản trường ca bi tráng về chiến tranh, bất cứ người xem ảnh nào cũng phải trào dâng niềm tự hào dân tộc, hay lặng mình đi, hoặc rung lên bởi sự tàn khốc của chiến tranh ám ảnh.

Gia đình của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã chọn những bức ảnh của ông trưng bày triển lãm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 
Gia đình của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại đã chọn những bức ảnh của ông trưng bày triển lãm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Các nhà nhiếp ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã sử dụng hình ảnh để tạo thông điệp, truyền đạt thông điệp và cảm xúc một cách mạnh mẽ, gợi lên sự chân thực và cảm động trong chiến dịch. Sử dụng hiệu ứng hình ảnh để tăng tính hiệu quả, sử dụng ánh sáng, màu sắc và góc chụp đặc biệt, lợi dụng hiệu ứng đặc biệt để thu hút sự chú ý, hiển thị cuộc sống của Quân đội và dân tộc Việt Nam; gợi lên sự gắn kết và nhân văn trong chiến dịch, nâng cao ý thức về chiến dịch, lan tỏa thông điệp về ý nghĩa và lòng dũng cảm của quân và dân ta, tạo tâm điểm cho việc thảo luận về chiến dịch, kích thích ý thức cộng đồng và ý chí đấu tranh, tạo động lực cho mọi người tham gia và ủng hộ chiến dịch. Truyền đạt thông điệp của chiến dịch qua hình ảnh, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho ta bài học quý báu, với văn nghệ sĩ đó là niềm tin, cảm xúc cao trào, sự quyết tâm, quả cảm, đoàn kết, lòng trung thành, lòng tin tuyệt đối vào Đảng, nhà nước và người đứng đầu. Đặc biệt, những nghệ sĩ trong chiến tranh luôn có lý tưởng cao đẹp, khát khao được cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc, vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, với sự vô tư, trong sáng, vì mục đích cao đẹp, luôn hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.

 Các cựu chiến binh xúc động bên những tác phẩm nhiếp ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 Các cựu chiến binh xúc động bên những tác phẩm nhiếp ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiếp ảnh chiến tranh ở Việt Nam đã tiếp tục phát triển và trở thành một phần quan trọng trong nghệ thuật và văn hóa của quốc gia. Những nhiếp ảnh gia sau này đã tiếp tục ghi lại các sự kiện lịch sử của quá trình giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, xây dựng Tổ quốc, và góp phần làm nên một nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam phát triển hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể rút ra những bài học về sự đấu tranh, tự do và nhân văn, cũng như cảm nhận sự kiên nhẫn và quyết tâm của những người đã tham gia và sống sót qua cuộc chiến này. Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là một trang sử quan trọng, mà còn là một sự kiện mang tính chất biểu tượng về lòng yêu nước, sự gan dạ và lòng dũng cảm của người lính, của những người nghệ sĩ nhiếp ảnh và dân tộc. Vai trò của nhiếp ảnh trong chiến dịch này là không thể thiếu, những hình ảnh đích thực đã đưa chúng ta trở lại những kỷ niệm gian khổ, ngoan cường, anh dũng, đau thương và hy vọng, nhắc nhớ về truyền thống anh hùng của cha ông.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh HỒ SỸ MINH, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

Theo qdnd.vn