15:05, 07/05/2024

Chiến thắng Điện Biên Phủ - nhìn từ văn hóa phong thủy quân sự

Nhìn từ phong thủy quân sự cổ điển thì đóng quân ở địa thế lòng chảo, núi non bao bọc xung quanh là một tối kỵ. Vì ở một vị trí thấp là tự đẩy mình vào thế bị động phòng ngự, nhất là khi bị bao vây. Chính cách chọn địa thế sai lầm này là một trong những căn nguyên khiến thực dân Pháp bị bại trận ở Điện Biên Phủ.

Thuật ngữ “phong thủy” được hiểu khái quát nhất là vận dụng quy luật của hai hiện tượng cơ bản trong tự nhiên là “gió” (phong) và “nước” (thủy) để phục vụ tốt hơn cuộc sống của con người. Ngày nay, lý thuyết phong thủy hiện đại đang được ứng dụng phổ biến ở nước ta và thế giới (đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc...). “Phong thủy quân sự” là vận dụng những yếu tố trên vào mục đích quân sự. Ngày xưa, phép dùng binh của Tôn Tử đã nói đến vấn đề này.

Cha ông ta (thời Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo) đã vận dụng tài tình thế đất, hướng gió, nước thủy triều... nhử thủy quân xâm lược (Nam Hán, giặc Nguyên) vào bãi cọc chôn dưới đáy sông để tiêu diệt. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, tác giả La Quán Trung miêu tả sinh động, hấp dẫn các trận đánh lớn có sự vận dụng nguyên tắc phong thủy. Cái tài “hô phong hoán vũ” (gọi gió đuổi mưa) về bản chất là năng lực hiểu, vận dụng phong thủy.

Một góc di tích đồi A1 trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: TUẤN HUY
Một góc di tích đồi A1 trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: TUẤN HUY

Từ khi còn nhỏ, Bác Hồ đã học chữ Nho, tiếp thu tinh hoa “nho, y, lý, số” phương Đông và vận dụng vào cuộc sống, sinh hoạt một cách rất tự nhiên. Trong “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” viết bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc có nói đến “quẻ Dương cửu”, một quẻ trong "Kinh Dịch" nói về thời thế, thời vận để “tiên tri” về sự “xuống dốc” của Khải Định. Sự thật sau đó đúng như vậy. Nhìn tổng thể, cấu trúc trước tác của Bác Hồ cùng theo thế phong thủy rất vững vàng, thường có điểm tựa là một thực tế, một quy luật: “Gạo đem vào giã bao đau đớn.../ Sống ở trên đời người cũng vậy...”; “Trời có bốn mùa.../ Người có bốn đức...”. Bác là người đưa phong thủy vào phong cách làm việc thường ngày: Hòa mình vào thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm thước đo sinh hoạt.

Thời kỳ ở Việt Bắc, Bác nói với một nhà báo: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”. Trong phòng làm việc của Bác luôn có hoa tươi (một vật phong thủy). Bác không bao giờ chặt cây, bẻ cây mà luôn trồng cây, chăm cây, đặt tên cho các đồng chí cũng theo nguyên tắc phong thủy: Thảo, Nghĩa, Kháng, Trường, Kỳ... 

Còn Bác đặt mình tên Xuân. Thời kỳ làm việc ở Việt Bắc, Bác thường ở nhà sàn theo “thế” nhà tựa vào cây, vào núi, hướng ra sông, ra nơi cánh đồng rộng rãi. Bác đặt ra cho các đồng chí cảnh vệ đi tìm nơi ở, thường là các hang ăn sâu vào núi (khoảng 1, 2 tháng phải thay đổi) tiêu biểu cho thế đất tốt: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/ Tiện đường sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng, ráo, kín mái/ Gần dân, không gần đường”. Địa danh Đá Chông (K9) lịch sử điển hình cho phong thủy cổ điển, tiêu biểu cho vấn đề lợi dụng địa hình, địa vật trong chiến tranh. Bác Hồ tự tay phác thảo bản vẽ sơ bộ về đường đi, hướng nhà, tự mình xem ngày khởi công, cất nóc...

Là người kế thừa, kết tinh văn hóa quân sự của Tôn Tử và cha ông ta thể hiện ở việc kiến tạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 theo thế phong thủy có lợi nhất, cuối tháng 9-1953, tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên) cùng Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Bác Hồ chỉ đạo: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp", "phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”. Người đề ra chiến lược đưa quân Pháp vào thế bị động: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.

Khi nói câu này, bàn tay Người mở ra, mỗi ngón tay chỉ về một hướng. Hành động “mở bàn tay” đã minh họa cụ thể, sinh động cho việc “buộc chúng phải phân tán binh lực”. Chỉ qua một cử chỉ nhỏ nhưng nói được cái thần thái của một tình thế chiến lược. Sau này, một nhà báo Pháp bình luận một bàn tay của Hồ Chí Minh đã “vơ gọn cả cứ điểm Điện Biên Phủ”!

Ngày 20-11-1953, tướng Navarre cho quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Bác Hồ và Bộ Chính trị nhận định: “Quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ là hoàn toàn có lợi cho ta và cũng đã nằm trong dự kiến của ta”. Thế là người Pháp chọn Điện Biên Phủ làm cứ điểm chiến lược đã bị “mắc bẫy”, chẳng khác gì ngày xưa quân xâm lược Nam Hán, quân Nguyên bị cha ông ta “dụ” vào bãi cọc. Kế giỏi nhất là kế điều địch, là như vậy!

Nhìn từ phong thủy quân sự cổ điển thì đóng quân ở địa thế lòng chảo, núi non bao bọc xung quanh là một tối kỵ. Vì ở một vị trí thấp là tự đẩy mình vào thế bị động phòng ngự, nhất là khi bị bao vây. Là bậc thầy phong thủy quân sự, tháng 4-1954, tại Việt Bắc, tiếp nhà báo Burchett (Australia), mô tả vị trí Điện Biên Phủ, Bác Hồ lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: "Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi". Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: "Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được”. 

Một cách diễn tả hóm hỉnh nhưng thể hiện rõ thế chủ động chiến lược của ta và sự bị động của Pháp: Nếu ta cắt đứt các con đường vận chuyển, cả đường bộ, đường thủy, đường không thì “con nhím” dù khổng lồ cũng tự chết đói. Quân ta đổi cách đánh là đánh vào điểm cốt tử này. Cuối thế kỷ 20, nhiều hội thảo khoa học quân sự quốc tế (tại Pháp, Mỹ) về Điện Biên Phủ đều khẳng định Pháp thua từ trước đó (tức chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954), bởi sa vào sai lầm, mà người tạo ra sai lầm ấy là thiên tài quân sự Hồ Chí Minh!

Nhìn về tổng thể cấu trúc phòng thủ, cứ điểm Điện Biên Phủ là một khối gắn kết chặt chẽ, được bảo vệ bởi những loại phương tiện, vũ khí hiện đại nhất. Nhưng thực tế, cứ điểm hoàn toàn độc lập về khả năng tác chiến, khi bị tấn công, chủ yếu vẫn là lực lượng tại chỗ. Quân ta đã phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống pháo 105mm mà tình báo Pháp không phát hiện được. Vì lẽ này, pháo binh Pháp dù hùng mạnh cũng không phát huy được tác dụng, không phát hiện được vị trí nên không thể phản pháo.

Với con mắt của nhà quân sự phương Tây, lên thăm Điện Biên Phủ, tướng Navarre chỉ nhìn thấy những ưu điểm của địa hình “xe tăng cơ động”, “các loại máy bay lên xuống”, “bức thành thiên nhiên ngăn chặn không cho đối phương đặt pháo”...

Ông ta không tính được ý chí quyết tâm của quân, dân ta đã làm những việc tưởng chừng không thể là vận chuyển hậu cần hay đưa pháo vượt núi cao... Ông ta càng không tính được “phong thủy quân sự” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận dụng rất giỏi: Từ đầu tháng Ba âm lịch (đầu tháng 4 dương lịch) gió Lào qua cửa khẩu Tây Trang tràn vào cái túi lòng chảo, khí nóng khô bị chắn lại bởi các vòng cung núi, không chỉ tạo ra thời tiết bức bối khó chịu (nhất là với lính Pháp) mà còn gây nên tình trạng khan hiếm nước, dễ tạo ra cháy nổ khi kim loại bị cọ xát.

Bị vây lấn lâu ngày sẽ càng bị đẩy vào tình trạng kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Chưa nói tới tình huống nguồn nước (sông Nậm Rốm) bị khống chế...  Do vậy, nếu “đánh nhanh” sẽ không tận dụng được tối đa lợi thế “phong thủy” này.

Cha ông ta xưa đuổi giặc bằng “hình sông thế núi” (tức phong thủy). Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kế thừa và phát triển nghệ thuật ấy một cách tinh tế, hiệu quả.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Theo qdnd.vn