13:48, 05/05/2024

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đánh chiếm các cứ điểm cuối cùng ở phía Đông, giành ưu thế tuyệt đối và toàn thắng

Sau hơn một tháng từ ngày 13-3 đến cuối tháng 4-1954, trải qua hai đợt tiến công mãnh liệt của quân ta, tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ diễn biến ngày càng khẩn trương, quyết liệt.

Quân Pháp đã nỗ lực tới mức cao nhất, tìm mọi cách  phản kích quyết liệt hòng xoay chuyển tình thế trên chiến trường, nhưng không cải thiện được sự nguy khốn ở Điện Biên Phủ. Vòng vây của quân ta ngày càng khép chặt, phạm vi chiếm đóng của quân Pháp mỗi bề chỉ còn lại 1,3km đến 1,7km; 37 đại đội còn lại của quân Pháp phải phân tán ra giữ 32 cứ điểm. Việc thả dù tiếp tế của không quân Pháp cho Điện Biên Phủ trở lên vô cùng khó khăn trước lưới lửa phòng không hữu hiệu của ta; lương thực, thực phẩm, đạn, thuốc chữa bệnh khan hiếm.

Về phía ta, sau khi nắm chắc tình hình địch và công tác chuẩn bị toàn mặt trận, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ hạ quyết tâm mở đợt tiến công thứ ba vào đầu tháng 5-1954. Nhiệm vụ đợt 3 được xác định rõ: “Đánh chiếm các điểm cao địch còn giữ ở phía Đông, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, phát triển trận địa tiến công và bao vây vào sâu hơn nữa, phát huy hiệu quả tất cả các loại hỏa lực đánh phá tung thâm địch, khống chế không phận còn lại của chúng, chuẩn bị điều kiện chuyển sang tổng công kích” (1).

Ngày 1-5-1954, đợt tiến công thứ ba của Quân đội ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngay trưa cùng ngày, pháo binh các cỡ của quân đội ta bắn phá mãnh liệt vào khu vực trận địa quân Pháp. Cụm pháo địch ở Hồng Cúm bị tê liệt hoàn toàn. Một kho đạn pháo của địch với khoảng 3.000 viên nổ tung, một kho lương thực, thực phẩm bốc cháy. Sau loạt pháo kích gần một giờ đồng hồ của lực lượng pháo binh ta, quân ta đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí của địch.

Trên dãy đồi phía Đông, Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm C1, thừa thắng, đơn vị đẩy mạnh vây lấn chuẩn bị tiêu diệt C2, đồng thời củng cố trận địa vừa chiếm được, sẵn sàng đánh quân địch phản kích. Trên bờ phía Đông sông Nậm Rốm, Trung đoàn 209 tiến công các cứ điểm 505 và 505A. Đến 4 giờ ngày 2-5, Trung đoàn 209 làm chủ hoàn toàn hai cứ điểm 505 và 505A. Ở phía Tây cánh đồng Mường Thanh, trong khoảng 30 phút, Trung đoàn 88 tiến công làm chủ cứ điểm 311A. Toàn bộ đại đội Âu - Phi vừa đến thay quân nhằm tăng cường thực lực phòng thủ cứ điểm 311A của quân Pháp bị ta tiêu diệt gọn.

Như vậy, trong đêm đầu tiên của đợt 3, quân Pháp đã bị mất thêm 4 cứ điểm quan trọng là C1, 505, 505A ở phía Đông và cứ điểm 311A ở phía Tây. Hướng Hồng Cúm, Trung đoàn 57 của ta cũng đẩy mạnh vây ép, kiên quyết tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, rạng sáng ngày 2 tháng 5, quân địch buộc phải rút khỏi khu C. Đêm ngày 2-5, Trung đoàn 36 diệt gọn cứ điểm 311B của địch.

Sau những thắng lợi liên tiếp của quân ta, Trung tâm đề kháng Ê-li-an của quân Pháp án ngữ phía Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ còn hai vị trí là A1 và C2. Phía Tây cánh đồng Mường Thanh, quân ta mở các đường hào thẳng hướng đến Sở chỉ huy của Đờ Cát - có nơi cách 300m.

Trước nguy cơ bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn, ngày 2-5, Na-va vội vàng từ Sài Gòn bay ra Hà Nội triệu tập họp khẩn bàn biện pháp cứu vãn tình thế cho Điện Biên Phủ. Do quân Pháp phải phân tán lực lượng đối phó với các đòn tiến công của quân đội ta khắp nơi, nên Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp chỉ còn lại 3 tiểu đoàn dự bị chiến lược. Số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ còn tính từng ngày. Cô-nhi đưa ra ý kiến mở một cuộc hành quân chớp nhoáng đánh vào sau lưng đối phương để cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Nhưng lúc này, các binh đoàn cơ động của quân viễn chinh Pháp đang bị sa lầy ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Lào, miền Trung. Do đó, khả năng điều động lực lượng là hoàn toàn bất khả thi. Cuối cùng, Na-va chấp nhận tăng viện cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn dù; đồng thời, quyết định tiến hành một cuộc hành binh phá vây khác mang bí danh Albatros (Hải Âu lớn) cứu nguy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 4 tháng 5, Cô-nhi điện cho Đờ Cát một số chỉ thị về cuộc rút chạy theo quyết định của Tổng Chỉ huy, trao cho Đờ Cát quyền lựa chọn cách thức và thời gian theo sáng kiến của mình sau khi nhận được lệnh. Trước hết, Cô-nhi nhắc Đờ Cát phải phá hủy xe tăng, đại bác, tài liệu mật, mật mã và dụng cụ vô tuyến. Cho tới khi có lệnh, phải duy trì nhiệm vụ chống cự tại chỗ, không được có tư tưởng rút lui, phải hết sức giữ bí mật về kế hoạch và chuẩn bị thực sự thận trọng tới mức tối đa.

Ngày 7-5-1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đòan cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ Quyết chiến quyết thắng đang phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 7-5-1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đòan cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thực hiện toan tính của Na-va, ngay trong ngày 4 tháng 5, Đờ Cát triệu tập họp các sĩ quan cao cấp tại Mường Thanh để phổ biến Kế hoạch Albatros (Hải Âu lớn). Sau khi bàn thảo cân nhắc thận trọng, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ quyết định phải chia lực lượng làm ba cánh quân khi rút lui. Cánh thứ nhất, gồm toàn bộ quân dù do Lăng-gơ-le và Bi-gia chỉ huy. Cánh thứ hai, gồm quân Bắc Phi và lê dương do Lơ-mơ-ni-ê và Va-đô chỉ huy. Cánh thứ ba, gồm quân ở Hồng Cúm do Fla-lăng chỉ huy. Có ba đường rút lui: Qua bản Keo Lom, theo thung lũng Nậm Nưa và theo hướng Nậm Hợp. Dự kiến, 20 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, kế hoạch rút lui của quân Pháp sẽ được thực hiện.

Trong bối cảnh quân Pháp đang gấp rút thực hiện Kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ, ngày 6-5, quân ta ráo riết đẩy mạnh tiến công địch trên toàn mặt trận. Đại đoàn 316 đánh chiếm các cứ điểm C2 và cứ điểm A1. Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm 506 và 507, quét sạch quân Pháp ở tả ngạn sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308 tiến đánh cứ điểm 310 (Nà Noong), nhanh chóng mở một mũi tiến công hướng vào Sở chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đại đoàn 304 dùng một đơn vị chốt chặn ở Nà Tu, bịt đường sang Lào để phòng địch rút chạy. Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của đợt tiến công, sẵn sàng chuyển sang tổng công kích. Lấy tiếng nổ của khối bộc phá gần 1 tấn ở đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công. Thời gian tổng công kích, Bộ Chỉ huy chiến dịch dự kiến tối ngày 7-5-1954.

Đúng 20 giờ ngày 6-5, quân đội ta tập trung hỏa lực súng cối bắn dữ dội vào vào các cứ điểm 506, 310 và A1, C2. Ngoài lực lượng pháo 105mm, sơn pháo 75mm, cối 120mm, 81mm, ta còn tăng cường thêm 12 dàn hỏa tiễn H6 (6 nòng) đầy uy lực. Mỗi loạt bắn 72 phát. Sau đợt pháo kích quyết liệt của pháo binh ta kéo dài 45 phút, quân Pháp ở Điện Biên Phủ phản ứng yếu ớt, nhưng chúng đã có sự chuẩn bị trước. Khi pháo binh ta vừa ngừng bắn, tất cả các khẩu pháo địch còn lại ở Mường Thanh lập tức tập trung trút đạn xuống những trận địa chiến hào của quân ta xung quanh A1 và C2.

Tại khu vực đồi A1, 20 giờ 25 phút, các chiến sĩ ta ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về phía đồi A1 đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của khối bộc phá gần một tấn phát nổ. Đúng 20 giờ 30 phút, sau tiếng nổ trầm trên đồi A1, Trung đoàn 174 chia làm nhiều mũi theo các đường hào đánh thốc lên đỉnh đồi. Trên hướng Đông Nam, Tiểu đoàn 249 do Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy chia thành hai cánh tiến lên đồi, hình thành thế bao vây quân Pháp. Phía Tây Nam, Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi chỉ huy Tiểu đoàn 251 tiến theo giao thông hào mới đào ven mặt ruộng đường 41, thọc một mũi dùi chia cắt A1 với Mường Thanh. Quân Pháp chống cự quyết liệt, chờ lực lượng tiếp viện từ Mường Thanh ra. Trung đoàn 174 quyết định tung lực lượng dự bị vào tham chiến. 4 giờ ngày 7-5-1954, trận đánh kết thúc, Trung đoàn 174 làm chủ hoàn toàn đồi A1.

Song song với các cuộc tiến công của Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 tiến công tiêu diệt cứ điểm C2 bắt 600 tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm khác. Trung đoàn 165 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 506 phía Bắc Mường Thanh. Phía Tây, Đại đoàn 308 đã giải quyết xong cứ điểm 310, đưa trận địa tiến công áp sát cách Sở chỉ huy của Đờ Cát khoảng 300m. Đến 9 giờ sáng ngày 7 tháng 5, các đơn vị quân đội ta hoàn thành nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chuyển sang tổng công kích.

10 giờ ngày 7-5, trong khi các đại đoàn quân ta đang gấp rút chuẩn bị cho tổng công kích giành thắng lợi thì cơ quan quân báo mặt trận phát hiện máy bay của Pháp chở vũ khí, đạn được lệnh quay về Hà Nội. Máy bay vận tải chở quân dù lên tiếp viện cho Điện Biên Phủ cũng được lệnh quay về sân bay Gia Lâm. Ở dưới mặt đất, các đài quan sát quân ta phát hiện quân địch quẳng súng, đạn xuống sông Nậm Rốm và trong khu Mường Thanh có nhiều tiếng nổ lớn. Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: địch có dấu hiệu rối loạn, có khả năng đầu hàng, cũng có thể chúng liều lĩnh phá vòng vây mở đường máu rút sang Lào nên ra lệnh cho các đơn vị quân ta giữ chặt vòng vây, sẵn sàng chuyển sang tổng công kích, quyết tâm không cho địch chay thoát.

14 giờ ngày 7-5, Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 mở cuộc tiến công quyết liệt vào cứ điểm 507 ở gần cầu Mường Thanh. Quân Pháp ở cứ điểm 507 kéo cờ trắng ra hàng. Phát huy thắng lợi, Đại đoàn 312 tiến công tiêu diệt tiếp hai cứ điểm 508 và 509 ở tả ngạn sông Nậm Rốm.

Thừa thắng xốc tới, từ hướng Đông, Trung đoàn 209 tiến thẳng vào Mường Thanh, tiếp theo là các Trung đoàn 98, Trung đoàn 174. Phía Tây, Trung đoàn 36 tiến đánh cứ điểm cuối cùng che chở cho Sở Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trung đoàn 88 cũng mở đường qua sân bay Mường Thanh tiến vào sào huyệt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm. Quân ta tiến tới đâu, quân địch đầu hàng tới đó và giao nộp vũ khí, đạn. Đến 17 giờ 15 phút, một cánh quân của Đại đoàn 312 tiến sát Sở Chỉ huy quân Pháp. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng 4 chiến sĩ là: Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam, Đào Văn Hiếu tiến vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đờ Cát bị quân ta bắt sống, nhưng trên hướng Hồng Cúm, quân địch vẫn ngoan cố chống cự. Đêm ngày 7 tháng 5, quân Pháp tổ chức rút chạy về hướng Thượng Lào. Bộ Chỉ huy Chiến dịch lệnh cho Đại đoàn 304 tích cực truy lùng, đồng thời lệnh cho Trung đoàn 102 hành quân gấp sang Tây Trang chặn đường rút của quân địch. Số quân địch rút từ Hồng Cúm thoát ra đã bị Đại đoàn 304 ta bao vây, bắt gọn vào nửa đêm 7 tháng 5 năm 1954.

Tới đây, sau 56 ngày, đêm từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954 chiến đấu kiên cường, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ; tiêu diệt và bắt làm tù binh 16.200 tên địch, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh và cối, 10 đại đội ngụy bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng, không quân… Tổng số sĩ quan, hạ sĩ quan bị quân ta tiêu diệt và bắt sống là 1.766 tên, gồm: 1 Thiếu tướng, 16 Đại tá, Trung tá, 353 sĩ quan từ cấp Thiếu úy đến Thiếu tá, 1.396 hạ sĩ quan (1).

Tổng số máy bay Pháp bị bắn rơi và phá hủy ở ngay tại mặt trận là 57 chiếc, ngoài ra còn có 5 chiếc bị bắn rơi trên tuyến cung cấp cho mặt trận. Ta thu chiến lợi phẩm vũ khí, kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu, 21.000 chiếc dù, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y…

Thắng lợi đợt 3 Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là toàn thắng của trận quyết chiến chiến lược lớn nhất trong chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc oanh liệt Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta, đánh bại Kế hoạch Na-va, làm sụp đổ hy vọng xoay chuyển cục diện chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn của địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn có tầm chiến lược quan trọng, mở ra một cục diện mới, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thắng lợi ở Hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.

Đại tá, TS  NGUYỄN VĂN QUYỀN

1 . Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập VI, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, kháng chiến kết thúc thắng lợi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 307.

1 . Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập V, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr.254.

Theo qdnd.vn