Điện Biên Phủ năm 1954 là trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Chiến thắng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại là một trong những bài học sâu sắc có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chiến công giữ nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam, bổ sung, làm phong phú và nâng cao các giá trị truyền thống của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy, quy tụ sức mạnh tiềm tàng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chuyển hóa thành sức mạnh trong thực tiễn chiến đấu, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.
Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền còn non trẻ đã phải đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp. Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm kiếm mọi khả năng, giải pháp về chính trị, ngoại giao để tránh, hay ít nhất để trì hoãn chiến tranh. Nhưng khi mọi giải pháp đều không cứu vãn được hòa bình thì nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu để bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Với đường lối kháng chiến đúng đắn: toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, với quyết tâm "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"[1], toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau 8 năm kháng chiến, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch của địch, làm phá sản âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp. Trong khi đó, Pháp ngày càng thiệt hại nặng nề, lâm vào thế phòng ngự bị động. Ngày 7-5-1953, tướng Navarre được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã đề ra kế hoạch quân sự với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Sau nhiều thất bại và không thể xây dựng căn cứ ở đồng bằng, với ý đồ dụ, thu hút tiêu diệt quân chủ lực của ta, được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng căn cứ Điện Biên Phủ và nhanh chóng đưa Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, là “pháo đài bất khả chiến bại”.
Trước ý đồ của thực dân Pháp, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, quân ta cần phải tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”[2].
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều đèo cao, vực sâu, giao thông đi lại rất khó khăn; miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, việc bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch với quy mô lớn và dài ngày như chiến dịch Điện Biên Phủ là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ và sự đoàn kết của toàn dân tộc.
Trước những thử thách to lớn đó, với tinh thần "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến đã được phát huy cao nhất, kịp thời cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu về lương thực, thực phẩm, trang bị, vũ khí trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Các địa phương đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”[3] cho chiến dịch. Đây là một nỗ lực phi thường của quân và dân ta, thể hiện ý chí, quyết tâm chiến thắng cùng lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là kết tinh của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam mà còn là thắng lợi của sự kết hợp sức mạnh Việt Nam và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiến hành trong thế bị bao vây, cô lập trong suốt gần 5 năm. Vì vậy chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về vật chất, vũ khí, súng đạn, về đấu pháp với một đội quân nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại như quân viễn chinh Pháp. Khắc phục những khó khăn trên, bên cạnh huy động sức mạnh toàn dân, dựa vào sức mình là chính, Đảng ta cũng tích cực, chủ động tìm sự ủng hộ về vật chất và tinh thần từ bên ngoài, nhất là từ các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới, tháng 1/1950 Trung Quốc, Liên Xô đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đây tuyến hành lang biên giới Việt Nam - Trung Quốc được mở, cuộc kháng chiến của nhân dân ta nhận được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất ngày càng lớn của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc. Các nước bạn giúp ta trong đào tạo cán bộ, huấn luyện chuyển loại các đơn vị pháo binh, pháo cao xạ..., hỗ trợ về vật chất như quân lương, quân trang, súng đạn... Bên cạnh đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng nhận được sự phối hợp chiến đấu của nhân dân hai nước Lào và Campuchia và sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân Pháp.
Sự đoàn kết của toàn dân tộc, sự ủng hộ, đoàn kết của bạn bè quốc tế đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta đánh bại thực dân Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, là niềm tự hào dân tộc Việt Nam, vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa mang tầm thời đại sâu sắc. Đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”[4]. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”[5].
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của đường lối lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo, là minh chứng cho sức mạnh dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một động lực tinh thần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi khó lường hiện nay đặt mỗi quốc gia trước những cơ hội và những thách thức mới. Vì vậy, bài học xây dựng, củng cố và phát huy đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại luôn có ý nghĩa thời sự và lâu dài đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bất cứ dân tộc nào muốn thành công trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc đều phải dựa vào sức mình là chính, phát huy hết sức mạnh bên trong, đồng thời phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế, tập hợp tối đa sức mạnh của lực lượng tiến bộ thế giới.
Vận dụng và phát huy bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa
Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng, an ninh và kinh tế, là cửa ngõ hướng biển, liên vận quốc tế đường biển - hàng không… Khánh Hòa có 3 vịnh lớn được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới, đó là Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh; có bờ biển dài (hơn 385 km), có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế; khu vực Bắc Vân Phong (thuộc Khu kinh tế Vân Phong) từng là một trong 3 khu vực trong cả nước được đề xuất thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ...
Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thuận lợi cả nắng, gió, khí hậu thuận lợi, nhiều vịnh, bãi biển đẹp… Tiềm năng du lịch phong phú, nhất là du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng; nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử. Khánh Hòa có hệ thống giao thông thuận lợi, nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước; có các cảng biển nước sâu dễ dàng tiếp cận với tuyến giao thương sôi động nhất thế giới trên biển Đông; sân bay quốc tế Cam Ranh là 1 trong 5 cảng hàng không nhộn nhịp nhất cả nước. Người dân Khánh Hòa thông minh, sáng tạo, hiền hòa, yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, dũng cảm. Khánh Hòa có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày được nâng cao, hệ thống các các cơ sở giáo dục và y tế ngày càng phát triển... Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã tạo cho Khánh Hòa tiềm năng rất lớn và khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng “Đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, phát huy bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thời gian tới, Khánh Hoà cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị các cấp và toàn dân về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa nói riêng.
Để làm được điều đó, cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc, nhất quán các quan điểm của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Đoàn kết toàn dân phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của tỉnh đều phải hướng đến lợi ích của nhân dân, lấy người dân là trung tâm của sự phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, đa dạng hóa hình thức vận động, tuyên truyền, giáo dục. Chú trọng phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, các loại hình văn hóa, nghệ thuật; phối hợp đồng bộ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc với tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu phát triển, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam,... để khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nghị quyết số 09-NQ/TW 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu “Đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương”. Đến năm 2045, “Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á”, “là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc”[6].
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn mới. Tỉnh phải có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người dân Khánh Hòa đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà. Đồng thời, có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các thế hệ người Khánh Hòa đang sống và làm việc trên cả nước và ở nước ngoài trở lại đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.
Ba là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, phải thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc và tôn giáo.
Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, sâu sát cơ sở, nêu cao ý thức phục vụ và gắn bó mật thiết với nhân dân, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân, dựa vào nhân dân để giám sát và đánh giá cán bộ. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Để phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh, thì bản thân mỗi tổ chức đảng từ cấp tỉnh đến cơ sở phải là tấm gương về đoàn kết, thống nhất. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân. Chỉ khi làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thì các tầng lớp nhân dân trong tỉnh mới thật sự tin tưởng, đoàn kết chung quanh Đảng và chính quyền, ủng hộ, phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp chung của đất nước và của tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, tất cả hoạt động của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong tỉnh phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, lấy ấm no và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, thước đo hiệu quả công việc; kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là những vấn đề nhân dân quan tâm, dư luận bức xúc; thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.
Bốn là, phát huy dân chủ, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân. Tổ chức tốt việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong tất cả các loại hình tổ chức và đơn vị cơ sở. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của Khánh Hòa.
Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xã hội; tăng cường đồng thuận xã hội gắn với đề cao ý thức trách nhiệm của công dân; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh.
Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thời gian tới, cần tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai sâu rộng, thiết thực và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác.
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị; thắng lợi của cách mạng Việt Nam chỉ có thể giành được khi khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và trong toàn xã hội. Chúng ta tin tưởng khi vận hành tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ được phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Để khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có, bên cạnh việc phát huy nội lực, Khánh Hòa cần tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả. Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) và kế hoạch số 92-KH/TU ngày 13/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa nhằm thu hút ngoại lực phục vụ cho phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm như trung tâm tài chính, chuyển đổi số, đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu; quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế quốc tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế./.
Thạc sĩ Lê Huy Tuấn
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Tài liệu tham khảo
[1]: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 480.
[2]: Hồ Chí Minh - Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, H.1987, tr 194.
[3]: Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 -1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1993, tr.305.
[4]: Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.315. (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.320.
[5]: Điện Biên Phủ: Văn kiện Đảng và Nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.562.
[6]: Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin