Đứng trước âm mưu chiếm đóng và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm, một pháo đài kiên cố mạnh nhất ở Đông Dương của thực dân Pháp, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm giải phóng Tây Bắc, tạo chuyển biến cục diện chiến tranh và giúp bạn giải phóng Thượng Lào.
Tham gia Chiến dịch, lực lượng pháo binh của ta gồm Đại đoàn công pháo 351 (Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm (24 khẩu), Trung đoàn 675 sơn pháo 75mm (20 khẩu) và một số đơn vị công binh, phòng không); các đơn vị pháo binh thuộc các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, 304. Về sau, lực lượng pháo binh được bổ sung 1 tiểu đoàn ĐKZ75mm, 1 tiểu đoàn pháo hỏa tiễn 102mm và 1 đại đội sơn pháo 75mm. Pháo binh có nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công các cứ điểm, cụm cứ điểm, các trung tâm đề kháng; đánh địch phản kích, đánh lấn; chế áp pháo binh địch; khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng.
Ban đầu, với phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", ta đã làm một con đường kéo pháo bằng sức người dài 15km chạy từ cửa rừng Ná Nhám vượt qua đỉnh FaSông cao 1450m xuống Bản Nghiu để Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm vào chiếm lĩnh. Ngày 16-1-1954, ta bắt đầu kéo pháo vào trận địa trên đường quân sự khúc khuỷu, hẹp, trơn, lầy lội, có độ dốc lớn; qua nhiều rừng rậm, núi cao, bên vực sâu hiểm trở, trong điều kiện không quân, pháo binh địch đánh phá ác liệt. Để kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn, ta phải sử dụng từ 80 đến 100 người đứng thành 4 hàng dây phía trước kết hợp với tời quay tay kéo nhích từng đoạn; hai bên pháo có các pháo thủ vác càng, cần, chèn bánh pháo. Để kéo pháo an toàn, đã có những cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh khi lấy thân mình chèn bánh pháo như Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Chức…
Đến ngày 25-1-1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc"; đồng thời, hạ lệnh kéo pháo ra, lập thế trận mới. Sáng 5-2-1954, việc kéo pháo ra lập thế trận mới đã hoàn thành và trở thành kỳ tích trong lịch sử quân sự Việt Nam. Thực hành chiến dịch, hoạt động chiến đấu pháo binh cũng theo 3 đợt như sau:
Đợt 1: Từ ngày 13-3 đến 17-3, nhiệm vụ chi viện tiến công tiêu diệt căn cứ Him Lam mở đầu chiến dịch và toàn bộ phân khu phía Bắc của địch. Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, 6 đại đội lựu pháo 105mm và 3 đại đội cối 120mm từ phía Đông và phía Bắc đã bất ngờ khai hỏa mãnh liệt, làm tê liệt các trận địa pháo binh địch ở trung tâm Mường Thanh và Hồng Cúm và phá hủy 5 máy bay địch.
Đợt 2: Từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, nhiệm vụ đánh chiếm khu vực phòng ngự then chốt phía Đông, thắt chặt vòng vây khu Trung tâm địch. Chiều 30-3, pháo binh ta bắt đầu hỏa lực chuẩn bị, sau đó chi viện bộ binh tiến công các cứ điểm A, C, D, E. Ngay từ đầu, ta sử dụng 3 đại đội lựu pháo tập kích hỏa lực mãnh liệt làm tê liệt 2 trận địa pháo nguy hại nhất của địch ở Điểm cao 203 và 210; sau đó, chi viện cho bộ binh đột phá tiến công đánh chiếm các cứ điểm A, C, D, E giành thắng lợi.
Đợt 3: Từ ngày 1-5 đến 7-5-1954, mục tiêu của chiến dịch là đánh chiếm các điểm cao cuối cùng ở phía Đông; nắm thời cơ, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Thực hiện mục đích chiến dịch, từ trước ngày 1-5, pháo binh đã tổ chức bắn phá hoại một phần công sự, lô cốt, hỏa điểm quan trọng của địch; trong từng trận, bắn chuẩn bị 15 phút sau đó chi viện bộ binh xung phong tiêu diệt các cứ điểm ở phân khu Trung tâm và khu C trong phân khu Nam Hồng Cúm; đánh bại phản kích của địch, tiêu diệt 2 cứ điểm quan trọng cuối cùng của địch là đồi A1 và C2; truy kích địch rút chạy, góp phần quan trọng vào việc buộc địch đầu hàng vô điều kiện.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. |
Qua 56 ngày đêm chiến đấu, pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của bộ đội pháo binh, góp phần cùng toàn quân tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong đó, nghệ thuật sử dụng pháo binh có sự phát triển vượt bậc được thể hiện trên các nội dung sau:
Một là, sử dụng lực lượng pháo binh mạnh mẽ, là hỏa lực mặt đất chủ yếu chi viện cho các nhiệm vụ tác chiến quan trọng của chiến dịch.
Số lượng pháo binh tham gia chiến dịch có sự phát triển vượt bậc tạo nên ưu thế hơn địch; trong đó, pháo lựu 105mm lần đầu xuất trận có tầm bắn xa, uy lực lớn; vì thế, pháo binh đã trở thành hỏa lực chủ yếu của chiến dịch. Trong quá trình chiến dịch, pháo binh đã chi viện hỏa lực đột phá tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, bao vây đánh lấn, đánh quân phản kích, chế áp trận địa pháo binh, sở chỉ huy địch; phá hoại công sự, kho tàng, khống chế sân bay.
Hai là, tập trung ưu thế pháo binh chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch.
Trong chiến dịch ta đã tập trung pháo binh lớn nhất so với các chiến dịch trước đó; ban đầu, ta đã tập trung 229 khẩu, đến sát ngày nổ súng đã tăng lên 258 khẩu; sau đợt 1 đã có 261 khẩu các loại. Mức độ tập trung pháo binh cho chiến dịch gồm: 100% lựu pháo 105mm, hơn 70% sơn pháo 75mm và tới 80% cối 120mm của toàn quân. Trong từng trận đánh ta đã tập trung tạo ưu thế tỷ lệ pháo binh hơn hẳn địch, như: Trận Him Lam là 3/1, trận đồi Độc Lập là 4,5/1... Chiến dịch đã sử dụng tập trung pháo binh đánh chắc thắng từng trận, tiêu diệt từng cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch.
Ba là, cơ động pháo binh tích cực, bí mật, bất ngờ.
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, ta đã tích cực, kiên quyết cơ động pháo thực hiện đúng phương châm tác chiến chiến dịch, tạo nên thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc chi viện mở đầu chiến dịch đánh chắc thắng. Kết thúc đợt 1, để chuẩn bị cho đợt 2 của chiến dịch, pháo binh điều chỉnh đội hình Đại đội Lựu pháo 804 lên Bắc Him Lam, Đại đội Lựu pháo 802 từ phía Đông sang phía Tây Mường Thanh, Đại đội Lựu pháo 803 từ Bắc đồi Độc Lập lên Bắc Bản Kéo...
Bốn là, bố trí đội hình pháo binh hiểm hóc, vững chắc, hình thành thế vây hãm quân địch trong suốt quá trình chiến dịch.
Thành công nổi bật về nghệ thuật sử dụng pháo binh là đã bố trí các trận địa tuy phân tán, nhưng tập trung được hỏa lực vào hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu. Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm được bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây Bắc Bản Kéo, tạo thành một vòng cung hơn 30km, giãn cách các trận địa từ 3 đến 5km, cự ly bắn đến trung tâm Mường Thanh từ 6 đến 8km; đơn vị kiên quyết khắc phục khó khăn, bố trí những khẩu pháo nặng hàng tấn trên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm, có khả năng bắn phần lớn mục tiêu trong tầm bắn hiệu quả; bố trí các đơn vị súng cối tập trung ở hướng Đông và Đông Bắc với cự ly bắn từ 600 đến 800m; đặc biệt, lợi dụng thế hiểm của địa hình bố trí một trận địa sơn pháo thọc sâu trên đồi E, cự ly bắn từ 300 đến 500m rất lợi hại mà địch không thể kiềm chế được.
Thế trận pháo binh của ta từ các dãy núi cao ở xung quanh tập đoàn cứ điểm đã tạo nên sự bất ngờ nhất đối với địch; đồng thời cũng thể hiện nét độc đáo trong nghệ thuật tổ chức, bố trí pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm là, tổ chức chỉ huy hỏa lực linh hoạt, sáng tạo, phát huy sức mạnh của từng loại pháo.
Có ưu thế lực lượng mạnh lại tạo được thế bố trí vững chắc, hiểm hóc là cơ sở để pháo binh tổ chức chỉ huy hỏa lực bất ngờ, liên tục, dồn dập, kéo dài, làm cho địch tổn thất lớn về vật lực và tinh thần. Mở đầu chiến dịch, ta dùng hàng trăm khẩu pháo, cối bắn hỏa lực chuẩn bị bắn kéo dài 1 giờ đã gây cho địch tổn thất nặng nề, tạo điều kiện cho bộ binh tiến công đánh chiếm cụm cứ điểm Him Lam thắng lợi. Hỏa lực pháo binh khiến quân Pháp khiếp sợ, làm cho Charles Piroth là chỉ huy phó tập đoàn, phụ trách pháo binh tự sát sau trận mở màn cùng lời trăng trối “Không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo của Việt Minh”.
Khi chi viện cho bộ binh tiến công địch trong công sự vững chắc, pháo binh ta đều có hỏa lực chuẩn bị và hỏa lực chi viện phát triển tiến công linh hoạt; kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực của pháo binh và hỏa lực của bộ binh. Khống chế sân bay, hỏa lực pháo binh ta đã phối hợp hỏa lực phòng không để triệt nguồn tiếp tế đường không, đẩy địch vào thế khốn cùng. Bên cạnh những trận đánh hiệp đồng, pháo binh độc lập tập kích hỏa lực đánh phá hiệu quả nhiều mục tiêu quan trọng.
Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Những bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ được vận dụng và tiếp tục phát triển trong xây dựng lực lượng, huấn luyện chiến đấu hiện nay, đó là:
Thứ nhất, phải xây dựng lực lượng pháo binh - tên lửa mạnh về số lượng, ngày càng hiện đại.
Sức mạnh chiến đấu pháo binh - tên lửa đến từ các yếu tố cơ bản là nghệ thuật sử dụng, quy mô tổ chức biên chế và chất lượng vũ khí trang bị; vì vậy, xây dựng lực lượng pháo binh - tên lửa mạnh về số lượng, vũ khí trang bị hiện đại rất cấp bách. Trong đó, pháo binh - tên lửa bộ đội chủ lực có biên chế hợp lý, được trang bị vũ khí ngày càng hiện đại, cần sớm nhân rộng mô hình trung đoàn pháo binh trong các sư đoàn; xây dựng lực lượng pháo binh dự bị chiến lược mạnh, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Pháo binh bộ đội địa phương, dân quân tự vệ có biên chế, trang bị phù hợp đặc điểm và nhiệm vụ của từng địa phương. Các cấp chuẩn bị chu đáo nguồn lực lượng dự bị động viên pháo binh đáp ứng yêu cầu biên chế thời chiến. Việc xây dựng quy mô lực lượng pháo binh - tên lửa mặt đất phải được vận dụng phù hợp trong tổng thể xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh.
Để hiện đại hóa vũ khí trang bị pháo binh - tên lửa, chúng ta cần kết hợp chủ động nghiên cứu chế tạo sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị trong nước với mua sắm từ nước ngoài có chuyển giao công nghệ. Mục tiêu của chúng ta là từng bước xây dựng lực lượng pháo binh - tên lửa có khả năng cơ động cao, uy lực mạnh, bắn chính xác dựa trên tự động hóa chỉ huy hỏa lực; đến năm 2030 Binh chủng Pháo binh phát triển thành Binh chủng Pháo binh -Tên lửa.
Thứ hai, chuẩn bị thế trận pháo binh - tên lửa hợp lý từ thời bình, thuận lợi chuyển hóa trong thời chiến.
Từ bài học về nghệ thuật dựa tạo lập thế trận pháo binh liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Binh chủng Pháo binh đã phối hợp với các đơn vị để tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo bố trí thế đứng chân các đơn vị pháo binh, tên lửa mặt đất toàn quân hợp lý từ thời bình, thuận lợi chuyển hóa trong tác chiến. Trong đó, lực lượng pháo binh - tên lửa dự bị chiến lược bố trí cân đối trên địa bàn cả nước, tập trung trên hướng chiến trường trọng điểm; bố trí lực lượng pháo binh các quân khu, quân đoàn, Quân chủng Hải quân trên những địa bàn thuận lợi huấn luyện trong thời bình, nhanh chóng chuyển hóa thành thế trận có lợi trong thời chiến.
Các đơn vị pháo binh, tên lửa các cấp chuẩn bị trước các khu vực dự kiến triển khai đội hình chiến đấu, đường cơ động; tổ chức đo đạc, quản lý hệ thống mạng, mốc khống chế pháo binh; chuẩn bị các căn cứ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật.
Thứ ba, nâng cao trình độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bộ đội pháo binh.
Tăng cường huấn luyện thực hành để bộ đội làm chủ, sử dụng thành thục vũ khí, khí tài, trang bị nhằm nâng cao tốc độ, hiệu quả triển khai chiến đấu; đặc biệt, trong điều kiện hạn chế các phương tiện nhìn đêm, cần tăng cường huấn luyện chiến đấu ban đêm với các giải pháp thay thế sáng tạo. Đẩy mạnh huấn luyện sát thực tế chiến đấu với cường độ cao liên tục ngày đêm, tích cực sử dụng phương tiện tượng trưng tạo giả; chú trọng diễn tập vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn pháo binh, tổ chức diễn tập đối kháng. Tổ chức huấn luyện cơ động đường dài qua các dạng địa hình phức tạp với nhiều tình huống vượt sông, đèo dốc, qua ngầm hoặc phải tìm đường vòng vượt; tích cực di chuyển, dịch chuyển trong thực hành chiến đấu.
Tình hình thế giới gần đây cho thấy, chiến tranh, xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi có mâu thuẫn về lãnh thổ, biển đảo, lợi ích giữa các quốc gia; vì vậy, cùng với toàn quân, lực lượng pháo binh - tên lửa phải luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Kế thừa và phát huy nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, bộ đội pháo binh ngày nay tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo trong điều kiện mới.
Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG PHONG, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin