10:33, 25/04/2024

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng vĩ đại của liên minh chiến đấu Việt Nam, Lào, Campuchia

Việt Nam, Lào, Campuchia là ba nước láng giềng, gần giũ, có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có mối quan hệ đặc biệt keo sơn, cùng chung vận mệnh lịch sử.

Từ rất sớm, ba đất nước, ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia luôn kề vai sát cánh bên nhau, đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Tình đoàn kết đó được hình thành, phát triển ngay từ những ngày đầu cũng như trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ - một chiến công, một biểu tượng vĩ đại của liên minh chiến đấu Việt Nam, Lào, Campuchia.

Nhận thức sâu sắc, ý nghĩa tầm quan trọng của liên minh chiến đấu Việt Nam, Lào, Campuchia trong xu thế vận động chung của lịch sử, ngay sau khi giành lại nền độc lập, ba đất nước, ba dân tộc đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng và tăng cường mối quan hệ liên minh chiến đấu.

Cuối tháng 10 năm 1945, tại Na Pê, Ủy ban Lào - Việt thân thiện được thành lập. Ngày 30 tháng 10 năm 1945, Hiệp định liên minh chiến đấu giữa Chính phủ Lào It-xa-la và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ký kết, đánh dấu sự ra đời của Liên minh chiến đấu Lào - Việt một dấu mốc lịch sử quan trọng, từ đây liên minh hai nước, hai dân tộc được chính thức xác lập về mặt nhà nước.

Trong quan hệ với Campuchia, thực hiện chủ trương Việt - Miên tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau chống Pháp, tháng 10 năm 1945, một phái viên của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đã đến Phnôm Pênh thương thuyết với Thủ tướng Campuchia để đi tới một hiệp ước tương trợ về quân sự và chính trị tạo nên một hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của Liên minh chiến đấu Việt Nam, Lào, Campuchia trong suốt chiều dài lịch sử.

 Các chiến sĩ xung kích tấn công địch trên khu đồi C thuộc cụm cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm, trong đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 30/3 - 30/4/1954) (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
 Các chiến sĩ xung kích tấn công địch trên khu đồi C thuộc cụm cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm, trong đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 30/3 - 30/4/1954) (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Để kêu gọi Nhân dân ba đất nước, ba dân tộc cùng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 25/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị kháng chiến kiến quốc, trong đó có chủ trương rất quan trọng đó là: Thống nhất Mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược. Tiếp sau đó, ngày 17 - 18/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định: Toàn quốc Việt Nam kháng chiến, mở đầu toàn Đông Dương kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đường lối chung do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo liên minh chiến đấu Việt Nam, Lào, Campuchia ngày càng phát triển. Đứng trước tình hình cách mạng của bạn, tháng 3 năm 1947, lực lượng vũ trang Việt Nam đã sang giúp Campuchia, phát động chiến tranh du kích ở Nam Prây Veng, Xoài riêng và Căng đan. Cuối năm 1947, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đã giao nhiệm vụ cho các Khu 7, 8, 9 và Ủy ban hành chính các tỉnh biên giới giáp với Campuchia tổ chức ngay việc chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân bạn.

Với cách mạng Lào, để tăng cường sự phối hợp chiến đấu hai đất nước, hai dân tộc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự lần thứ nhất (tháng 01/1947), Bộ Tổng chỉ huy quân đội Việt Nam quyết định mở mặt trận miền Tây nhằm phá tan thế bao vây, khống chế của địch trên một vùng chiến lược rộng lớn dọc biên giới Lào - Việt, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Phương châm hoạt động của bộ đội Việt Nam trên đất Lào được xác định là: Vừa đánh địch, vừa vũ trang tuyên truyền; thực hiện chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa, mở rộng vùng tự do. Sau một thời gian hoạt động, đến năm 1948, các đội xung kích công tác và các đội tuyên truyền vũ trang Lào - Việt đã mở rộng hoạt động tới Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và các tỉnh Trung - Lào.

Đến năm 1950, sau 5 năm tiến hành kháng chiến, cách mạng ba đất nước, ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia gặt hái được nhiều thành công. Từ ngày 17-19/4/1950, Đại hội quốc dân Campuchia đã diễn ra. Đại hội đã bầu ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Trung ương lâm thời do Chủ tịch Sơn Ngọc Minh đứng đầu và Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (gọi tắt là Mặt trận Khơ-me It-xa-rắc). Tại Đại hội này, Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương lâm thời đã long trọng tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập của nước Campuchia tự do.

Sau thành công của Đại hội quốc dân Campuchia, ở Lào, từ ngày 13-15/8/1950, Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến cũng được triệu tập. Đại hội đề ra cương lĩnh chính trị 12 điểm, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào It-xa-la gồm 12 người, do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Chủ tịch, kiêm Thủ tướng Chính phủ. Cương lĩnh 12 điểm có nhiều nội dung quan trọng, cương lĩnh đã khẳng định: “Muốn kháng chiến, giành độc lập, lực lượng kháng chiến của ba dân tộc không thể chia cắt hẳn ra được. Nước Lào không thể độc lập được một khi Việt Nam và Miên chưa độc lập. Việt hay Miên không thể có sự độc lập thực sự được một khi nước Lào còn là bàn đạp của Pháp ở Đông Dương”. Đại hội ở Lào và Campuchia là những sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Lào và Campuchia, làm cho thế và lực cách mạng được tăng cường, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia thêm vững chắc.

Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban dân tộc giải phóng và Mặt trận Khơ-me It-xa-rắc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Campuchia bước sang một giai đoạn mới. Trong năm 1950, các khu giải phóng được mở rộng thêm, chiếm 1/3 lãnh thổ Campuchia với hơn một triệu dân. Cùng với đó, Liên quân Campuchia - Việt Nam tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng. Bộ đội Campuchia, Việt Nam đã đi sâu vào vùng địch hậu, tiến hành vũ trang, tuyên truyền, gây cơ sở ở những vùng quan trọng về chiến lược như: Cam Pốt, Tà Keo, Svây Riêng…

Có thể khẳng định rằng tình đoàn kết chiến đấu trước sau như một đối với Nhân dân Việt Nam, tháng 7 năm 1950, Chính phủ Cao Miên tự do dẫn đầu sang thăm Việt Nam và dự Hội nghị thành lập Mặt trận thống nhất Đông Dương. Trong thư gửi Chính phủ Việt Nam ngày 15/7/1950, Chủ tịch Sơn Ngọc Minh viết: “Ủy ban giải phóng dân tộc Trung ương chúng tôi, toàn thể cán bộ và nhân dân Cao Miên đồng tâm nhất trí thề nguyện: Đã học tập càng học tập hơn nữa. Đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa. Đã chiến đấu càng chiến đấu hơn nữa, để cùng hai dân tộc Việt - Lào hợp thành một lưc lượng hưng đồng và vĩ đại hầu tiêu diệt đế quốc chủ nghĩa ở bán đảo Đông Dương”.

Trong khi cách mạng ba nước Đông Dương đang phát triển sôi động, tháng 2 năm 1951, tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp. Đại hội quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đề cập đến sự đoàn kết và phối hợp đấu tranh giữa ba nước. Nhấn mạnh tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của Nhân dân Việt Nam với Nhân dân Lào và Campuchia. Bước sang năm 1953, thực tế chiến trường đã có nhiều thay đổi, lực lượng kháng chiến của Việt Nam, Lào và Campuchia lớn mạnh vượt bậc. Để chuẩn bị cho kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ Đông Xuân 1953 - 1954.

Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Căn cứ phương án tác chiến đã xác định và phương châm chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong hoạt động Đông - Xuân là bao gồm chiến trường toàn quốc và Việt - Miên - Lào, chứ không chỉ hạn chế trong một chiến trường nào.

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho các đơn vị chủ lực vừa phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đẩy mạnh kháng chiến, đồng thời vừa phối hợp với lực lượng vũ trang Lào, Campuchia mở các đòn tiến công chiến lược trên chiến trường Đông Dương. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với tiến công lên Tây Bắc, cuối tháng 12/1953, ở chiến trường Lào, các lực lượng liên quân Việt - Lào mở một cuộc tiến công vào hướng Trung Lào nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố và mở rộng vùng căn cứ; thu hút, phân tán lực lượng, tạo điều kiện cho các hướng khác tiến công địch. Từ ngày 21-25/12/1953, liên quân Việt - Lào tập kích cứ điểm Khăm He, Kha Ma; trước sự tiến công mạnh mẽ của liên quân, địch rút chạy về hướng Pà Cuội. Tranh thủ thời cơ, lực lượng liên quân tiến công giải phóng thị trấn Nhôm Ma Rạt và thị xã Thà Khẹt (Khăm Muộn). Từ tháng 01 đến tháng 4/1954, các lực lượng liên quân liên tục phục kích địch ở Hìn Xìu, Na Kham, Pha Lan, Đồng Hến, Mường Phìn, rồi phát triển về hướng Xênô - một căn cứ không quân quan trọng của địch ở Savannakhet.

Ở Thượng Lào, nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện cho quân ta đẩy mạnh mọi công tác chuẩn bị ở Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308, Trung đoàn 148, Đoàn 82 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào phối hợp với Đại đội Chămpasắc, đại đội địa phương tỉnh Luông Pha Băng và các đơn vị vũ trang địa phương của Lào tổ chức tiến công vào phòng tuyến địch ở khu vực sông Nậm Hu. Ngày 29/1/1954, địch phát hiện ta chuẩn bị tiến công nên đã tăng thêm lực lượng về Mường Xài và Luông Pha Băng. Đại đoàn 308 lập tức chia thành hai hướng truy kích địch: (1). Hướng Mường Khoa - Mường Xài, từ ngày 31/1 đến ngày 2/2; Trung đoàn 108 phối hợp với Đoàn 82, một đơn vị thuộc Tiểu đoàn 920 bộ đội Lào Ítxalạ truy kích, diệt một tiểu đoàn ngụy và một số đơn vị Âu - Phi, buộc địch phải tăng cường phòng thủ Mường Xài. (2) Hướng Nậm Bặc - Luông Pha Băng, từ ngày 30/1 đến ngày 5/2; Trung đoàn 88 và Trung đoàn 36 phối hợp với bộ phận còn lại của Đoàn 82 và lực lượng của Bạn truy kích địch ở Mường Ngòi, Nậm Bặc, Nậm Ngà, sau đó vượt sông Mê Kông tiến công diệt đồn Bản Na, tạo thế uy hiếp quân dịch ở Luông Pha Băng. Ở biên giới Việt - Lào, Trung đoàn 148 phối hợp với liên quân Việt - Lào tiến công địch, giải phóng Bun Tày, Bun Nưa và tỉnh lỵ Phôngxalỳ, ngày 13/2/1954, kết thúc chiến dịch, ở hướng tiến công chiến lược Thượng Lào, ta và Bạn đã diệt gọn một tiểu đoàn lê dương (2/2REI), ba đại đội ngụy, đánh tan hai tiểu đoàn ngụy, tiêu hao một bộ phận của tiểu đoàn Tabo số 5 (tổng 15 đại đội), Sau chiến thắng ở Trung Lào, Thượng Lào, bộ đội Việt - Lào tiếp tục tiến xuống Hạ Lào giải phóng thị xã Áttapư và toàn bộ cao nguyên Bôlôven, buộc địch phải phân tán, căng mỏng lực lượng khắp nơi để đối phó với ta trên nhiều chiến trường.

Ở Campuchia, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101 (Đại đoàn 325) cùng với một đại đội quân tình nguyện (Liên khu 5) được giao nhiệm vụ phối hợp với một tiểu đoàn bộ đội Lào Ítxalạ cùng với dân quân, du kích khu Hạ Lào và một số đơn vị bộ đội Ítxarắc Campuchia mở đòn tiến công chiến lược hướng Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Ngày 30/1/1954, Tiểu đoàn 436 tiến công cứ điểm Pui, ta và Lào vây ép, buộc địch phải rút khỏi thị xã Áttapư, truy kích địch rút chạy về Pắc xế rồi tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở Keng Xay, Huội Coòng, thị trấn Tha Teng, ép sát thị xã Salavan. Giữa tháng 3/1954, Trung đoàn 101 vượt cao nguyên Bôlôven tiến xuống vùng đông bắc Campuchia phối hợp với bộ đội Ítxarắc phục kích địch ở Bản Khế, tiến công các cứ điểm Vươn Sai, Siêm Pạng. Thừa thắng, ta và Bạn phát triển xuống nam Krachie, tiến công đánh chiếm các vị trí địch trên Đường 13, Đường 19, bao vây, uy hiếp thị xã Stung Treng. Đầu tháng 3/1954, Trung đoàn 101 phối hợp với bộ đội Lào Ítxalạ tiến công tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng Chămpasắc; tháng 4/1954, Trung đoàn tiến xuống vùng Đông Nam Prếtvihia và Đông Bắc Côngpông Thom phối hợp với Bạn đánh địch một thời gian rồi kết thúc hoạt động.

Thắng lợi của các chiến dịch trên chiến trường Lào và Campuchia đã góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của Nava, buộc địch phải phân tán, căng kéo lực lượng để đối phó trên nhiều chiến trường, đẩy tập đoàn cứ điểm của địch vào thế hoàn toàn bị cô lập.

Trên chiến trường chính, từ đầu tháng 12/1953, trước sức tiến công của bộ đội chủ lực Việt Nam, quân Pháp phải bỏ Lai Châu, rút về cố thủ ở Điện Biên Phủ và tăng cường lực lượng, biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh dũng, với sự phối hợp của quân, dân cả nước, sự liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương, ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Thắng lợi vang dội của quân và dân ba đất nước, ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc đối phương phải ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam - Lào - Campuchia. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để Nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước, mỗi dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại bài học quý báu, không chỉ là thắng lợi của khối đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và Nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia mà Việt Nam là trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung, mà còn là tình đoàn kết quốc tế, Sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cả về vật chất và tinh thần, đã tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn. /.

------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, tr.12.

2. Bộ Quốc Phòng - Tỉnh ủy Điện Biên: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.192.

3. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân pháp (1945 -1954). Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.487.

4. Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ba đợt: đợt 1: từ ngày 13 đến ngày 17/3/1954; từ ngày 30/3 đến 30/4; đợt 3: từ ngày 1 đến ngày 7/5/1954. Theo Từ điển Bách Khoa quân sự Việt Nam, Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.168.

Nguyễn Văn Cường, Vương Đức Thương
(Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Theo dangcongsan.vn