Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 23-4-1954, bầu trời lại rung lên tiếng động cơ máy bay. Lần này là những chiếc Hellcat nối nhau bổ nhào ném bom xuống cứ điểm 206, nơi chúng nghi bộ đội ta đã chiếm lĩnh. Đây chính là cơ hội cho những khẩu đội trọng liên phòng không của ta.
Về phía địch: 7 giờ 30 phút ngày 23-4, vài tên lính lê dương của Bán lữ đoàn 13 chạy thoát về tới Mường Thanh, báo tin cứ điểm 206 đã thất thủ từ nửa đêm. Sau giây phút sững sờ, De Castries đưa ra ý kiến cần phản kích giành lại vị trí đã mất. Langlais và Bigeard đều không tán thành, cho rằng làm như vậy sẽ hy sinh nốt những lực lượng ứng chiến cuối cùng của tập đoàn cứ điểm, kể cả trong trường hợp phản kích thành công thì cũng không còn lực lượng để duy trì cứ điểm 206 trước những cuộc tiến công mới sẽ còn tiếp tục. De Castries vẫn giữ quyết định của mình. Langlais giao cho Bigeard nhiệm vụ tổ chức cuộc phản kích.
Các chiến sĩ công binh cắt hàng rào dây thép gai để mở đường cho lực lượng xung kích tấn công tiêu diệt cứ điểm 206, thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Bigeard điều các lực lượng dự bị còn lại, gồm: Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn dù tiêm kích số 1, Tiểu đoàn dù 6 và Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn lê dương số 2 lên khu trung tâm đề kháng Eliane, rút toàn bộ Tiểu đoàn lê dương dù số 2 đang đóng ở đây về Mường Thanh. Tiểu đoàn dù này mới được tăng cường từ ngày 10-4, tuy đã bị tổn thất nặng chỉ còn gần 400 người, nhưng vẫn là đơn vị mạnh nhất có thể tiến hành tốt cuộc phản kích. Bigeard yêu cầu không quân dùng 12 máy bay tiêm kích và 4 máy bay ném bom B26 đánh phá hệ thống chiến hào trước cứ điểm 206 và một số mục tiêu sẽ được chỉ định từ 13 giờ 45 phút. Pháo binh của tập đoàn cứ điểm được lệnh sẽ bắn 1.200 phát đại bác và súng cối vào cứ điểm 206 sau khi máy bay oanh tạc.
Về phía ta: Buổi trưa, trời nắng to trên cánh đồng Mường Thanh, không gian hoàn toàn yên tĩnh. Các chiến sĩ Đại đội 213 thuộc Trung đoàn 88 phòng ngự trên sân bay, sau bữa cháo nóng ăn với đường phên ngon lành, trừ những người làm nhiệm vụ cảnh giới, còn lại đều ngả lưng trong hầm ếch cho giãn gân cốt. Chợt có lệnh từ Sở Chỉ huy Mặt trận: "Chuẩn bị đánh địch, tản rộng đội hình, địch sắp oanh tạc".
Đại đội trưởng Mai Viết Thiềng ra lệnh đánh thức bộ đội, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Chỉ 10 phút sau, đã nghe tiếng động cơ. Máy bay địch xuất hiện rất nhanh. Những chiếc máy bay B26 bay thành từng tốp theo đội hình mũi tên. Các chiến sĩ cao xạ lập tức nổ súng. Những đám khói trắng bao bọc lấy máy bay. Chúng chuyển sang đội hình hàng dọc, nối đuôi nhau lượn vòng và bắt đầu thả bom. Tiếng nổ nhức óc. Những tấm ghi lát đường băng tung lên, rồi tai ù đi, chỉ thấy những cột đất và bụi đỏ bùng lên, mặt đất rung chuyển.
Địch thả hàng trăm trái bom nhưng chỉ có một số rơi trúng trận địa và sân bay. Trên mạng lưới điện thoại của các đơn vị vang lên lời kêu gọi của Bộ Chỉ huy Mặt trận: "Các đồng chí bộ binh, pháo binh! địch bắt đầu phản kích! các đồng chí hãy bình tĩnh, anh dũng, quyết tâm hiệp lực bẻ gãy trận phản kích này".
Bầu trời lại rung lên tiếng động cơ máy bay. Lần này là những chiếc Hellcat nối nhau bổ nhào ném bom xuống cứ điểm 206, nơi chúng nghi bộ đội ta đã chiếm lĩnh. Đây chính là cơ hội cho những khẩu đội trọng liên phòng không của ta. Một chiếc Hellcat trúng đạn lao xuống cắm đầu trên cánh đồng, đùn lên một cột khói đen kịt. Đây là trận oanh tạc dữ dội nhất từ ngày đấu chiến dịch. Dứt đợt oanh tạc của không quân, pháo binh địch trút đạn vào cứ điểm 206. Những trận địa cối từ các cứ điểm Huguettet 3 và Huguettet 4, từ trung tâm Mường Thanh cùng với ba xe tăng đồng loạt nổ súng yểm hộ cho cuộc tiến công.
Xe tăng địch yểm trợ cho khu trung tâm bị Quân đội ta tiêu diệt, quân địch trên xe xin hàng. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Tiểu đoàn lê dương dù 2 chia làm hai cánh tiến ra sân bay, cánh chính có xe tăng mở đường tiến về trận địa của Trung đoàn 88, cánh phụ tiến về trận địa của Trung đoàn 141.
Chờ địch vừa triển khai xong đội hình, Tiểu đoàn trưởng Quốc Trị chỉ huy Tiểu đoàn 23 phòng ngự trên sân bay, ra lệnh: "Mục tiêu cột đèn số 3, trước 208, lựu pháo, bắn". Pháo binh ta lúc này mới lên tiếng. Sau những tiếng rít như xé vải, những cột khói đen trùm lên đám đông quân địch. Chúng đã nhận được đòn phủ đầu ngay từ vị trí xuất phát. Nhưng bọn lính dù không chịu lui. Chờ pháo ta ngừng bắn, chúng tiếp tục xông về phía trận địa ta. Một số lợi dụng đường rãnh thoát nước dọc sân bay. Một số lợi dụng những hố bom vừa xuất hiện trên đường băng.
Các chiến sĩ Đại đội 213 nín lặng chờ quân địch tới thật gần, mới đồng loạt nổ súng. Hàng loạt quân địch đổ gục trước chiến hào. Chúng chạy lùi, tụt xuống những hố bom, rồi gọi pháo từ Mường Thanh và cứ điểm 208 ở gần đó, bắn đại bác và súng cối vào trận địa ta.
Bất thần, một toán quân địch xuất hiện bên sườn trái Đại đội 213. Bọn lính dù này khôn ngoan lợi dụng rãnh thoát nước sân bay, tiến lên bắt gặp một hố bom cắt đứt đường hào trận địa của ta, tạo điều kiện cho chúng chọc vào sườn đơn vị. Bỗng chốc thế trận của ta trở nên hỗn loạn. Địch và ta dùng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê giành giật nhau từng đoạn chiến hào.
Tiểu đoàn trưởng Quốc Trị quyết định cho bộ đội rút về tuyến chiến đấu phía sau. Anh ra lệnh cho bộ đội siết lại đội ngũ chuẩn bị xung phong và gọi lựu pháo bắn vào chiến hào tiền duyên, ít phút trước đây còn là của ta. Cán bộ chỉ huy lựu pháo phân vân, vì khoảng cách giữa ta và địch quá gần. Nhưng bộ binh khẩn thiết yêu cầu, với lý do họ đã có công sự vững chắc, không lo trường hợp đạn pháo rơi tản mác. Tại trận địa hỏa lực súng cối, đồng chí Vũ Yên, Tham mưu trưởng Đại đoàn 308 nhận thấy quân địch khi tiến khi lùi, thường lợi dụng những hố bom trên đường băng, ra lệnh cho các khẩu đội chuẩn bị bắn xuống đây khi quân địch rút lui.
Cánh đồng Mường Thanh rung lên dưới hỏa lực của ta. Quân địch bị thương vong nhiều trên trận địa chiến hào chúng vừa chiếm. Cùng lúc này, chúng được lệnh của Bigeard rút lui. Bigeard nhận thấy không thể để tiểu đoàn dù hy sinh một cách vô ích. Chờ pháo ta ngừng bắn, những tên lính dù sống sót bỏ chiến hào tháo chạy về Mường Thanh. Tiểu đoàn trưởng 23 hạ lệnh cho bộ đội chiếm lại chiến hào. Pháo ta bắn đuổi theo quân địch rút chạy. Theo kinh nghiệm cũ, chúng lại lao xuống những hố bom. Những chiến sĩ súng cối chỉ còn chờ lúc này để trút đạn vào. Langlais và Bigeard đều nhận xét: Tiểu đoàn lê dương dù 2 trên đường rút về còn thiệt hại nhiều hơn khi tiến công.
Sau trận phản kích ở sân bay Mường Thanh ngày 23-4, viên chỉ huy Tiểu đoàn dù 2 Liesenfelt bị mất chức. Các Tiểu đoàn lê dương dù số 1 và số 2 lừng danh đã bị xóa sổ. Những binh lính còn lại của hai tiểu đoàn này được sáp nhập với nhau dưới một cái tên mới: Tiểu đoàn bộ binh lê dương dù.
Trong một số sách của ta viết về Điện Biên Phủ, khoảng thời gian từ sau cuộc tiến công khu Đông tới hết tháng 4, thường được coi là bước chuẩn bị cho đợt tiến công cuối cùng. Thực ra, đây là một đợt chiến đấu tiếp nối rất quan trọng, với nhiều sáng tạo, nhằm hoàn tất những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt tiến công thứ hai, có tính chất quyết định đối với vận mệnh của quân địch ở Điện Biên Phủ. Theo một số nhà sử học phương Tây: "Cuộc chiến Huguette" (la bataille des Huguette) đã cướp đi những lực lượng ứng chiến cuối cùng của tập đoàn cứ điểm".
THÀNH VINH (lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin