23:19, 18/04/2023

Vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào quá trình giáo dục, đào tạo tại Học viện Lục quân

Học viện Lục quân là một trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn, uy tín của Quân đội. Chức năng, nhiệm vụ của Học viện Lục quân là đào tạo trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chủ nhiệm các binh chủng, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; đào tạo sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ), giảng viên chiến thuật cấp trung sư đoàn; đào tạo các đối tượng học viên quốc tế (Lào, Campuchia); nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Với bề dày gần 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện Lục quân đã đào tạo hàng vạn cán bộ trung, cao cấp cho Quân đội ta và Quân đội Lào, Campuchia, nhiều cán bộ trưởng thành vượt bậc, trở thành tướng lĩnh, giữ nhiều trọng trách lớn trong Quân đội và trong hệ thống chính trị. Điển hình như Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

1. Đặc điểm tình hình, diễn biến, kết quả chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn

Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945 - 1954) trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy, trực tiếp là Tỉnh ủy Khánh Hòa đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân và lực lượng vũ trang lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong đó, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là điển hình nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân địa phương lúc bấy giờ.

Vườn Gòn - Đá Bàn thuộc xã Hòa Trí, huyện Bắc Khánh (nay là xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa), tỉnh Khánh Hòa. Chiến khu Đá Bàn, nơi địa hình phức tạp, có giá trị về mặt chiến thuật; là căn cứ địa cách mạng, nơi bố trí các cơ quan lãnh đạo của huyện Bắc Khánh và của tỉnh Khánh Hòa, lực lượng vũ trang gồm Tiểu đoàn 59 chủ lực của Liên Khu 5, Đại đội 700 của Lực lượng vũ trang địa phương và du kích xã Hòa Trí phối hợp chiến đấu.

Tiểu đoàn 59 là bộ đội chủ lực của Liên khu 5, được thành lập ngày 10/6/1950 tại xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tiểu đoàn được biên chế 3 đại đội (4, 6, 8). Truyền thống của Tiểu đoàn rất oanh liệt và vẻ vang, đã tham gia nhiều chiến dịch và trải qua nhiều trận chiến đấu quan trọng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm, vũ khí trang bị. Tiêu biểu, có trận Đồn Nhất, Lệ Sơn, Tú Thủy, Kom Lía, Đường 19, Thượng An; đặc biệt là trận chống càn Vườn Gòn - Đá Bàn (20/4/1953).

Diễn biến trận chống càn Vườn Gòn - Đá Bàn: Để đối phó với cách đánh sở trường tiêu diệt tháp canh của Tiểu đoàn 59, với mục đích phá huỷ căn cứ cách mạng Đá Bàn, tiêu diệt bộ đội chủ lực, bắt sống cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy tại căn cứ. Địch đã huy động một trung đoàn lính hỗn hợp gồm Âu, Phi, Ngụy với 4000 quân do Thiếu tướng LeBlanc chỉ huy, có hỏa lực yểm trợ càn vào chiến khu Đá Bàn. Ngày 19/4/1953, pháo binh địch bắn cấp tập dọn đường và chi viện cho quân địch tiến vào căn cứ Đá Bàn trên ba hướng. Đội hình càn quét của địch như sau:

Hướng Bắc, địch sử dụng khoảng 700 quân, từ Xuân Sơn tiến vào Gò Trơ, dọc theo sông Đá Bàn tiến lên Dốc Chanh.

Hướng Nam, địch sử dụng khoảng 400 quân, từ Dốc Dài tiến ra chặn mặt Nam khu căn cứ Đá Bàn.

Hướng chính diện (hướng chủ yếu), địch sử dụng khoảng 2500 quân, từ Quốc lộ 1 tiến lên Bến Ghe, Đá Bàn.

Về ta, chỉ huy trận đánh do đồng chí Nguyễn Lựu - Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phạm Đạo - Chính trị viên Tiểu đoàn. Nắm được ý định càn quét của địch nên ta chủ động ngay từ đầu, tại chiến khu Đá Bàn, Tiểu đoàn sử dụng lực lượng phối hợp với Đại đội 700 và du kích ngăn chặn địch từ xa bằng các tuyến chông, mìn, cạm bẫy tiêu hao, sát thương gây cho địch nhiều tổn thất, đến chiều tối ngày 19/4/1953 địch mới vào đến rìa căn cứ Đá Bàn.

Chờ đêm xuống, được sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy, Tiểu đoàn 59 và 01 trung đội thuộc Đại đội 700, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy bí mật cơ động qua Eo Gió, cách Bến Ghe khoảng gần 01 km, vòng ra ngoài phục kích địch rút quân tại khu vực Vườn Gòn của “Sở Thằng Lô” (đồn điền cũ của Pháp) chọn đoạn đường Cầu Gỗ Suối Sâu đến Dốc Dài làm điểm quyết chiến. Đội hình phục kích được bố trí chặn đầu (do Đại đội 6 đảm nhiệm), khóa đuôi, đón lõng (do Đại đội 8 đảm nhiệm), hai bên sườn (do Đại đội 4 và 1 trung đội của Đại đội 700 đảm nhiệm).

Sáng 20/4/1953, phi cơ địch thả bom, pháo bắn vào khu vực phía Tây căn cứ Đá Bàn, bộ binh tiến vào nhưng bị du kích chặn đánh làm một số thương vong. Đến 11 giờ ngày 20/4, địch bắt đầu rút quân, 13 giờ toàn bộ đội hình của địch lọt vào trận địa mai phục, Tiểu đoàn 59 và trung đội địa phương bất ngờ nổ súng, tập trung toàn bộ hỏa lực vào đội hình rút quân của địch, làm cho chúng không kịp trở tay, những tên sống sót lao xuống Suối Sâu, gầm cầu thì bị mìn, lựu đạn của ta tiêu diệt, trận đánh kéo dài đến 16 giờ ngày 20/4 mới kết thúc.

Kết quả trận đánh, ta giành thắng lợi lớn, tiêu diệt hơn 400 tên địch, thu 01 khẩu đại liên, hàng trăm súng các loại. Về ta, sau trận đánh rút về căn cứ Đá Bàn an toàn, toàn bộ trận chống càn ta hy sinh 25 đồng chí.

2. Vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vào quá trình giáo dục, đào tạo tại Học viện Lục quân

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là trận chiến anh hùng của Tiểu đoàn 59 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Trong thế đối đầu với viên tướng Pháp dày dạn kinh nghiệm trận mạc được điều từ Marốc sang chỉ huy đội quân Âu, Phi thiện chiến với trang bị vũ khí hiện đại. Song, với truyền thống anh hùng của Tiểu đoàn 59, trận đánh do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy cùng với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, quyết chiến, quyết đánh đã lập nên chiến công vang dội, trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp.

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự, là cơ sở thực tiễn có giá trị để cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Khánh Hòa lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, nhân dân, Lực lượng vũ trang tỉnh xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn cũng là bài học kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nhất quyết sẽ được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân - Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giảng viên của Học viện nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng vào quá trình giáo dục, đào tạo cho các đối tượng học viên trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện lên một tầm cao mới.

Một là, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là bài học quý về nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn” của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Bài học “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn” được quân và dân ta kế thừa rất có hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Hai là, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn để lại bài học quý giá về vận dụng sáng tạo nghệ thuật cách đánh phục kích, nghệ thuật kết hợp cách đánh du kích với cách đánh của bộ đội chủ lực, nghệ thuật chọn khu vực, địa bàn phục kích hiểm hóc, tạo thế, tạo lực cho ta, gây bất ngờ lớn cho địch.

Ba là, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, mưu trí, sâu sát, sáng tạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, trực tiếp là Huyện ủy Ninh Hòa lúc bấy giờ. Đồng thời, chọn đúng người chỉ huy trận đánh có nhiều kinh nghiệm, đã kinh qua chỉ huy nhiều trận đánh giành thắng lợi to lớn trước đó.

Bốn là, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn để lại bài học quý về nắm chắc địch (ý định, âm mưu, thủ đoạn của địch), về nghi binh, lừa dụ địch vào khu vực dự kiến diệt địch mà ta đã bố trí sẵn lực lượng phục kích; bài học về nắm thời cơ, giữ bí mật, đánh du kích, đánh bằng chông, mìn, cạm bẫy.

Năm là, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là bản hùng ca, thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng bộ đội chủ lực làm nòng cốt để đánh địch và thắng địch. Là chiến thắng góp phần tô thắm trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Khánh Hòa nói riêng.

Vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn của quân và dân tỉnh Khánh Hòa vào quá trình giáo dục, đào tạo tại Học viện Lục quân là tất yếu khách quan, vấn đề khoa học cấp thiết, giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Thực chất, đây là nghiên cứu tổng kết thực tiễn các trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đúc kết, rút ra các bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự, nhằm bổ sung, phát triển lý luận quân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai.

Nghệ thuật quân sự trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn sẽ được vận dụng vào quá trình giáo dục, đào tạo cho các đối tượng học viên sau đại học (nghiên cứu sinh, cao học). Học viên đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ quân sự tại Học viện Lục quân trong quá trình nghiên cứu thực hiện luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ với đề tài chuyên ngành chiến thuật phục kích, tập kích địch cơ động thì chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là một trong những trận đánh quan trọng để học viên khảo cứu thực tiễn, nghiên cứu rút ra những vấn đề khoa học về nghệ thuật quân sự, làm cơ sở đề xuất những các nội dung khoa học của đề tài luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ quân sự.

Nghệ thuật quân sự trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn sẽ được vận dụng vào quá trình giáo dục, đào tạo cho các đối tượng học viên đào tạo theo chức vụ (trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, chủ nhiệm binh chủng, ngành…). Đội ngũ giảng viên của Học viện, nhất là giảng viên Khoa Chiến thuật, Khoa Quân sự địa phương tập trung nghiên cứu trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn, rút ra bài học về nghệ thuật vận dụng cách đánh phục kích, nghệ thuật chọn khu vực diệt địch, nghệ thuật kết hợp cách đánh du kích với cách đánh của bộ đội chủ lực, nghệ thuật lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực, nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trận đánh, nghệ thuật giữ bí mật, bất ngờ, tập trung lực lượng… Trên cơ sở đó, quá trình giảng bài kết hợp truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, trang bị cho học viên đào tạo theo chức vụ có kiến thức toàn diện cả lý luận và thực tiễn, góp phần quan trọng, thiết thực, đào tạo ra đội ngũ cán bộ Quân đội vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, tác chiến phòng thủ, chiến đấu…). Đồng thời, góp phần thực hiện tốt phương châm đào tạo “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Để vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn của quân và dân tỉnh Khánh Hòa vào quá trình giáo dục, đào tạo tại Học viện Lục quân đạt chất lượng, hiệu quả, trước hết Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giảng viên của Học viện, nhất là Khoa Chiến thuật, Khoa Quân sự địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ nghiên cứu các trận đánh nói chung, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn nói riêng, tổng kết thực tiễn thành lý luận khoa học về nghệ thuật quân sự, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào quá trình giáo dục, đào tạo cho các đối tượng học viên của Học viện trong thời gian tới.

Học viện Lục quân, mà trực tiếp các khoa Chiến thuật, Quân sự địa phương cần quan tâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Khánh Hòa trong việc nghiên cứu, tổng kết trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn thành tài liệu phục vụ cho quá trình giáo dục, đào tạo của Học viện.

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn của quân và dân tỉnh Khánh Hòa khẳng định giá trị truyền thống quý báu qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, góp phần vẻ vang vào trang sử hào hùng của dân tộc ta. Chỉ ra nét độc đáo nghệ thuật chỉ đạo, điều hành trận đánh, đặc biệt là phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, tự lực, tự cường, quyết tâm đánh thắng và chiến thắng giặc Pháp xâm lược, làm nền tảng vững chắc để quân và dân ta chiến thắng hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Học viện Lục quân luôn coi trọng giá trị quý báu của chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, vận dụng có hiệu quả vào quá trình giáo dục, đào tạo cho các đối tượng học viên của Học viện trong thời gian tới, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng Học viện, Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Đại tá, TS. Trần Văn Thanh -
Phó Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương, Học viện Lục quân