Thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, được quân Anh và Nhật yểm trợ, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó đánh ra các tỉnh Nam bộ, Nam Trung bộ. Đầu tháng 10/1945, quân Pháp điều chiến hạm Risơliơ túc trực trên vùng biển Nha Trang. Trong hai ngày 06/10 và 12/10, chúng đổ bộ gần 1.000 quân lên bãi biển trước Hotel Beau Rivage (nay là số 40, đường Trần Phú, thành phố Nha Trang), đồng thời chiếm các vị trí then chốt trong thị xã Nha Trang, tăng cường một số phương tiện chiến tranh. Mục đích thực dân Pháp đánh chiếm sớm Nha Trang - Khánh Hòa nhằm làm bàn đạp, mở rộng tiến công ra các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đồng thời uy hiếp trực tiếp con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ.
Với biết bao khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, quân và dân Khánh Hòa đã ra sức bám trụ vững chắc ngày đêm trên tuyến lửa, tổ chức tấn công, quấy rối quân Pháp, đánh lui tất cả các đợt giải vây của địch, tiêu hao, tiêu diệt, kìm giữ chân quân Pháp, trong đó có những trận đánh phối hợp giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương diệt hàng loạt tháp canh, đánh bại những trận càn lớn của địch để góp phần làm lên thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn do Tiểu đoàn 59 chủ lực của Quân khu 5 và Đại đội 700 của tỉnh đội Khánh Hòa phối hợp đánh phục kích trung đoàn hỗn hợp Âu-Phi-Ngụy tiêu diệt hơn 400 tên địch, bảo vệ vững chắc căn cứ Đá Bàn là một trận đánh đạt hiệu xuất rất cao, mà có lẽ cả trong chiến tranh hiện đại ngày nay không thể lặp lại được. Trận thắng tiêu biểu này, ngoài quyết tâm “ Dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”, tinh thần quả cảm, mưu trí, quyết đoán của cán bộ, chiến sỹ 2 đơn vị phối thuộc. Đó còn là nhờ sự đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa đơn vị chủ lực với bộ đội địa phương. Và trên hết là sự đoàn kết máu thịt quân dân, sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân trong vùng căn cứ. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn cũng là dịp để lực lượng vũ trang Khánh Hòa học tập, nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết hiệp đồng với các đơn vị của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn và gắn kết tình quân dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Khánh Hòa là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí địa chiến lược quan trọng của Quân khu cũng như cả nước, nơi có phần diện tích đất liền nhô ra xa nhất về phía biển Đông. Ngoài ra, vị trí của tỉnh còn có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng, vì nằm gần đường hàng hải quốc tế, có huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh và là cửa ngõ thông ra Biển Ðông của các tỉnh miền núi Tây Nguyên. Khánh Hòa cũng là nơi đứng chân nhiều đơn vị của Bộ và Quân khu. Trong những năm qua Khánh Hòa được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm thúc đẩy hỗ trợ các nguồn lực để hoàn thành các dự án hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và tập trung xây dựng, củng cố các tiềm lực trong khu vực phòng thủ.
Trong điều kiện bình thường mới, kinh tế đang dần chuyển mình, dịch vụ du lịch đang khôi phục, khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, trong khi các biện pháp quản lý vẫn còn nhiều bất cập nên tác động không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, địa bàn tỉnh cũng còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường, các phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng hạn chế, khuyết điểm của địa phương để đẩy mạnh hoạt động chống phá; tình trạng khiếu kiện liên quan đến việc đền bù giải tỏa, tranh chấp đất đai,…
Với đặc điểm nêu trên, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong những năm qua đã chú trọng lãnh đạo, coi việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thể hiện sự quan tâm bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình bằng các hành động, hình thức cụ thể, thiết thực.
Trong những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ; chỉ đạo xây dựng các tiềm lực về chính trị, kinh tế - xã hội trong khu vực phòng thủ, chăm lo xây dựng các tổ chức vững mạnh, tạo “thế trận lòng dân” vững chắc và tổ chức tốt các cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ các cấp. Đồng thời, thông qua diễn tập, tập huấn, quán triệt những nội dung chủ yếu về xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ, cơ chế lãnh đạo của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Qua đó, tạo nên sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, xây dựng cấp huyện thành “pháo đài quân sự”, cấp tỉnh thành "đơn vị chiến lược" đến xây dựng huyện, tỉnh thành khu vực phòng thủ với yêu cầu "Xây dựng về chính trị là cốt lõi, kinh tế - văn hóa - xã hội là trọng tâm, quốc phòng - an ninh là trọng yếu". Phối hợp với các đơn vị của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn xử trí các tình huống xấu có thể xảy ra một cách nhịp nhàng, chủ động, linh hoạt, không để bị động, bất ngờ.
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong những năm tiếp đến là tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đặc biệt là tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 55/2022/QH ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là thời cơ mở ra cơ hội và động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Trải qua 370 năm xây dựng, phát triển và từ thực tế của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, để xây dựng Khánh Hòa trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, cần tập trung đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, phát huy sức mạnh doàn kết quân dân trong khu vực phòng thủ là yếu tố quan trọng quyết định đến thắng lợi của mọi cuộc chiến đấu
Lịch sử hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân là nguồn sức mạnh vô địch của quân đội; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”, Quân đội nhân dân được sự ủng hộ, giúp đỡ, sát cánh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của nhân dân, nên càng đánh càng mạnh, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trận đánh Vườn Gòn – Đá Bàn của Tiểu đoàn 59, ta đã nghiên cứu, quán triệt phương án hành quân, tác chiến, làm công tác chính trị, tư tưởng đến cán bộ chiến sĩ. Quân và dân Ninh Hòa đã tích cực hỗ trợ chiến đấu, phục vụ chiến đấu; chuẩn bị chu đáo mọi mặt về hậu cần như súng đạn, thuốc men, lương thực; huy động du kích, dân công hỗ trợ và phục vụ chiến đấu; huy động phương tiện, làm công tác dẫn đường, vận chuyển thương binh. Đồng bào Ninh Hòa sáng ngời tình yêu thương, gắn bó giữa quân với dân, nhường cơm xẻ áo, che chở đùm bọc, theo dõi từng hoạt động của địch để giúp bộ đội và du kích đánh địch, giữ bí mật cho cán bộ, bộ đội ta từng ly từng tí…đã góp phần đắc lực cho các lực lượng của ta chiến đấu và chiến thắng trên địa bàn Ninh Hòa.
Thứ hai, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm, xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần kỹ thuật tại chỗ, các làng xã chiến đấu, công sự trận địa liên hoàn vững chắc.
Căn cứ Đá Bàn, Ninh Hòa có diện tích khoảng 102 km2 trải dài 2 bên bờ sông Đá Bàn, bốn bề có núi bao bọc, tháng 3 năm 1951, các cơ quan tỉnh Khánh Hòa từ Hòn Hèo chuyển lên xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đá Bàn, một thung lũng nằm giữa các xã Phước Trung, Phước Tây, Đồng Xuân và lấy mật danh là Căn cứ 148. Từ Đá Bàn, ta có điều kiện mở đường giao thông nối với vùng tự do Liên khu 5 để tiếp nhận sự chi viện về lương thực, vũ khí của cấp trên thuận tiện và an toàn hơn Hòn Hèo. Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta không ít lần phải đối mặt với các cuộc càn quét, tập kích của địch. Từ tháng 4 đến tháng 11-1952, địch mở liên tục 3 đợt tấn công có quy mô lớn vào căn cứ địa Đá Bàn hòng tiêu diệt, phá hủy căn cứ. Thế nhưng, quân ta đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch, đồng thời góp phần củng cố, xây dựng căn cứ địa ngày càng vững chắc, làm chỗ dựa cho phong trào kháng chiến của tỉnh và huyện Ninh Hòa.
Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đá Bàn tiếp tục là nơi đứng chân của Tỉnh ủy trong những ngày đầu. Tiếp đến, Huyện ủy Ninh Hòa đã về đây để trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân, dân địa phương. Từ căn cứ địa Đá Bàn, bộ đội ta đã tổ chức nhiều trận đánh ở Dục Mỹ, Ninh Thượng… gây thiệt hại lớn cho quân địch. Cùng với đó, quân và dân Đá Bàn cũng đã anh dũng, mưu trí đứng lên tổ chức các trận đánh chống lại những đợt càn quét của địch.
Như vậy căn cứ Đá Bàn có giá trị rất lớn trong hai cuộc kháng chiến của quân và dân ta, việc xây dựng các căn cứ chiến đấu trong khu vực phòng thủ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng ngay từ thời bình. Khu vực phòng thủ then chốt là địa bàn trọng yếu của tỉnh, huyện, nơi địa hình có giá trị về chiến thuật, chiến dịch mà ta phải quyết giữ vững; do đó, khu vực phòng thủ then chốt cần được ưu tiên về quy hoạch, đầu tư nhằm bảo đảm đủ điều kiện cần thiết để xây dựng vững chắc, toàn diện hơn trên các khu vực khác.
Hiện nay, việc xây dựng căn cứ chiến đấu được lựa chọn ở nơi có địa hình thuận lợi, có cơ sở chính trị vững chắc, được chủ động chuẩn bị về vật chất kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng bám trụ chiến đấu dài ngày. Trước mắt, cần nghiên cứu quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên các địa bàn trọng điểm ven biển để có kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng các công trình quân sự có tính lưỡng dụng; thực hiện làm từng bước, vững chắc, kiên cố, liên hoàn, bảo đảm cho các lực lượng có thể trụ vững trước đòn tiến công của địch. Việc xây dựng căn cứ hậu phương phải kết hợp với xây dựng căn cứ chiến đấu, lấy bảo đảm tại chỗ là chủ yếu, kịp thời huy động lực lượng, vật chất tại chỗ để có thể tự lực bảo đảm, đáp ứng yêu cầu tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình huống bị địch bao vây, phong tỏa.
Làng, xã chiến đấu là thành phần trong thế trận quân sự trong thế trận khu vực phòng thủ, là truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta, là cơ sở nền tảng của thế trận khu vực phòng thủ thành một khối thống nhất theo phương án và kế hoạch phòng thủ từng bước phát triển theo tiến trình hình thành phát triển của tỉnh.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các đơn vị bộ đội, giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương, giữa các đơn vị của tỉnh với các đơn vị của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn trong công tác sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc.
Đêm 03/4/1953, theo lệnh của Ban chỉ huy chung, ta mở màn đợt tấn công vào các mục tiêu của địch, Tiểu đoàn 59 tiến công tiêu diệt 2 tháp canh Tân Phong và Nhỉ Sự. Đại đội 700 bao vây đồn Quảng Cư xã Ninh Thượng (nay thuộc xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) để kìm chế lực lượng và khống chế hỏa lực của địch, yểm trợ cho mục tiêu chính của tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự. Tháp canh Tân Phong bị tiêu diệt, ta thu toàn bộ vũ khí, bắt sống toàn bộ bọn tề điệp ở tháp, địch ở tháp canh Nhỉ Sự tháo chạy, ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.
Trong trận đánh Vườn Gòn - Đá bàn, Tiểu đoàn 59 đã phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với đơn vị vũ trang là Đại đội 700 do đồng chí Trần Đồng làm đại đội trưởng. Bộ đội địa phương cùng với bộ đội chủ lực là lực lượng hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức ở cấp tỉnh, huyện và tương đương. Bộ đội địa phương có chức năng đặc thù, vừa là lực lượng chính trị trong hệ thống chính trị địa phương, vừa là lực lượng quân sự. Bên cạnh đó, bộ đội địa phương còn đảm nhiệm huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên; chỉ huy các lực lượng này thực hiện các phương án tác chiến, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn đóng quân. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để thống nhất về các nội dung, phương thức tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống ngay từ cơ sở.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 38 đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đứng chân, trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan, duy trì chặt chẽ các chế độ nền nếp, chấp hành nghiêm Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu về tăng cường công tác trực bảo vệ an toàn các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước tổ chức tại địa phương, thực hiện tốt sự phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị của Bộ, Quân khu theo quy định tại Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ, thường xuyên trao đổi nắm chắc tình hình, tuần tra canh gác bảo vệ an toàn các mục tiêu được giao, cùng các lực lượng của địa phương giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; bảo đảm an toàn cho các đoàn khách Quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa.
Thứ tư, đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nguồn lực vật chất, kỹ thuật xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc trong thời bình.
Trong điều kiện, khả năng kinh tế địa phương còn có hạn, song nhu cầu đầu tư cho xây dựng khu vực phòng thủ đòi hỏi rất lớn, các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành cần quán triệt, đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các cấp, ngành, lĩnh vực, đảm bảo “mỗi bước tăng trưởng về kinh tế - xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh”; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lưỡng dụng; quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với quy hoạch bố trí quốc phòng, quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ tỉnh gắn với xây dựng thế trận phòng thủ quân khu, kiên quyết không phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Nước ta hiện có 12 huyện đảo, trong đó Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa, là đơn vị hành chính thuộc tỉnh. Việc đưa dân ra các đảo sinh sống là một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, đưa dân ra hải đảo sinh sống có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh, quốc phòng và nền kinh tế của địa phương. Chính sách này vừa góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia vừa tạo ra một môi trường sinh sống mới của người dân trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; là cơ sở pháp lý về mặt lãnh thổ để xác định chủ quyền vùng biển và thềm lục địa, làm cơ sở để giải quyết tranh chấp ở các vùng chồng lấn, xứng đáng là lá chắn vững chắc nơi vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, là cơ sở để nhân dân và bộ đội vừa sản xuất, đánh bắt thủy sản, vừa bám trụ đánh địch bảo vệ biển đảo từ sớm, từ xa trong mọi tình huống, khi có xung đột vũ trang, hoặc xảy ra chiến tranh.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta đứng trước những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó lường; chiến tranh cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; xung đột sắc tộc, tôn giáo; hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố, chạy đua vũ trang,... diễn biến phức tạp. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn, nhằm gây mất ổn định trên từng địa bàn, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm nảy sinh những thách thức mới đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, v.v. Đó vừa là khó khăn, thách thức, vừa đặt ra yêu cầu cao đối toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy”, nối tiếp truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta và các thế hệ đi trước, đặc biệt là trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, trận đánh của sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, giữa phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân với xây dựng làng xã chiến đấu, từ đó đòi hỏi tỉnh Khánh Hòa phải tiếp tục xây dựng khu vực phòng vững chắc, đi vào chiều sâu, có tiềm lực và sức mạnh tổng hợp ngày càng cao, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
. Nguyễn Tấn Tuân
- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin