. (Ghi theo lời kể của ông Lê Vĩnh Đề - nguyên Trợ lý tác chiến, Tiểu đoàn 59 – Trung đoàn 803 Chủ lực cơ động Liên Khu V)
Tôi là Lê Vĩnh Đề, sinh năm 1927, nguyên là Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 – Chủ lực Cơ động Liên Khu V. Quê gốc tôi ở Quảng Nam, nhưng sống và gắn bó với mảnh đất Đà Nẵng.
Tháng 9 năm 1945, tôi tham gia nhập ngũ, ở Đại đội độc lập của Quảng Nam – Đà Nẵng, tham gia nhiều trận đánh. Cho đến năm 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu yêu cầu thành lập một đơn vị chủ lực cơ động, huấn luyện lối đánh đặc biệt để có thể thọc sâu vào sau lưng địch, tiêu diệt những mục tiêu được xây dựng kiên cố, có hỏa lực mạnh, thì tôi được điều về Tiểu đoàn 59, đúng ngày thành lập đơn vị tôi có mặt. Khi đó, tôi là người duy nhất ở đơn vị có bằng Prime, nói được tiếng Pháp, biết xem bản đồ, sử dụng bộ đàm, vì thế, tôi được giao làm Trợ lý tác chiến cho đồng chí Nguyễn Lựu – Tiểu đoàn trưởng.
Buổi mới thành lập, Tiểu đoàn chỉ có đồng chí Nguyễn Lựu là chỉ huy, sang đến cuối năm 1951, có thêm đồng chí Phạm Đạo, sau đó, đầu năm 1952 có thêm Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Anh. Nói như vậy để các đồng chí hiểu rằng, tôi có một thời gian được gắn bó, đi theo Thủ trưởng Nguyễn Lựu, không phải ở đời sống sinh hoạt mà là chiến đấu. Đơn vị của chúng tôi, có lối đánh đặc công, kín đáo, bí mật, vì thế cho nên, ảnh hưởng nhiều đến tính cách của Thủ trưởng và các anh em. Ít nói về mình, đánh xong là thôi, im lặng không khoa trương để đảm bảo bí mật, có lẽ vì vậy, đơn vị của tôi cũng bị thiệt thòi nhiều dù lập chiến công khắp chiến trường Khu V và Tây Nguyên thời chống Pháp.
Tôi còn nhớ, Thủ trưởng của tôi, hành quân đi đánh giặc, có túi sà cột đeo chéo, cơm vắt và đồ tư trang bỏ đó, tới bữa bỏ ra ăn cùng anh em, không hề phân biệt. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là lần đánh diệt viện ở đường số 7, đi Cheo Reo, có cả một đoàn xe thiết giáp hành quân, lính bộ binh đi hai bên, ta phục kích tại đó để chờ giặc đến. Đợi đoàn xe đi vào trận nội, Thủ trưởng Lựu rút súng ngắn đứng thẳng bắn ba phát đạn vào toán lính sau cùng, đó cũng là hiệu lệnh để Đại đội tôi nã hỏa lực vào giữa đoàn xe. Trận đó, nhờ hiệu lệnh kịp thời nên chúng tôi đã tiêu diệt 16 xe cơ giới, một trung đội bộ binh, thu nhiều vũ khí.
Với Khánh Hòa, chúng tôi có nhiều kỉ niệm, dù ở đó không dài.
Trước khi chúng tôi vào Khánh Hòa, Tiểu đoàn 365 cũng của Trung đoàn 803 còn có tên gọi là Tiểu đoàn Lá Mít do Trung đoàn phó Hà Vi Tùng đã hoạt động ở mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa. Sau khi Tiểu đoàn 365 rút đi, quân địa phương lúc đó bị khủng bố và tâm lý “đánh giặc mùa” nên để trống nhiều làng xóm khiến cho kẻ thù bình định được nhiều vùng tự do, lập tề ngụy, hương dõng, bắt bớ đồng bào và cơ sở cách mạng, chiến trường Bắc Khánh Hòa có chiều hướng bất lợi cho ta bởi từ đó, giặc dễ dàng tấn công ra Phú Yên nếu Ninh Hòa bị bỏ ngỏ.
Chúng tôi vào Khánh Hòa, từ Phú Yên, qua Dốc Chanh, đến căn cứ Đá Bàn, Thủ trưởng phân tôi đi cùng anh em xuống Hòn Hèo, Hòn Khói - Bắc Khánh Hòa đánh tháp canh và đồn bốt giặc. Ngày đó, chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, nhưng tuân thủ kỉ luật chiến trường và mệnh lệnh người chỉ huy, tuyệt đối trung thành với tổ chức, ai biết công việc của người đó. Và chúng tôi đã đánh rất nhiều tháp canh, đồn bốt của giặc. Những tháp canh ở Khánh Hòa, khác với ở Quảng Nam – Đà Nẵng ở chỗ, giặc bắt dân ngủ làm lá chắn, cả ở đồn, bốt, lô cốt đều có dân, nên bộ đội gặp nhiều khó khăn khi tấn công mục tiêu. Nhưng cũng chính là dân lại giúp bộ đội chiến thắng. Bởi vì, họ có những cơ sở kiên trung lắm, bắt họ vô đồn ngủ thì họ lại đợi đêm xuống, ám hiệu cho trinh sát của ta vào đánh cửa mở, phá tan đồn, bốt, tháp canh của giặc. Bao giờ cũng vậy, sau khi đánh xong đồn bốt, cán bộ chỉ huy vào tuyên truyền cho đồng bào, cả lính hương dõng về đường lối kháng chiến của Cụ Hồ, dặn dò đồng bào, không nộp lúa, không đi lính cho Pháp. Nhân dân một lòng tin tưởng, khí thế cách mạng lên cao, du kích được tiếp sức, tiếp lực, lớn mạnh dần lại. Nhân dân Khánh Hòa vì lẽ đó, rất quý bộ đội chủ lực, họ đã cho chúng tôi rất nhiều lương thực, cả vũ khí họ lấy được của giặc cũng đem tặng bộ đội.
Khi giặc tấn công Đá Bàn, lúc đó, một đơn vị của chúng tôi được giao ở lại Hòn Hèo, trấn giữ đường xuống cảng Hòn Khói, không cho chúng thoát. Có một nhóm được giao đi đánh tàu ở cảng. Có hy sinh, nhóm này có đồng chí Lữ Xa vẫn còn sống, anh đó rất giỏi về đánh tàu dưới nước, cũng là tay đánh bộc phá kì cựu của Tiểu đoàn.
Trận Đá Bàn là trận đánh rực rỡ nhất của Tiểu đoàn, tiếc là chúng tôi không được tham gia, nhưng sau anh em kể lại, 2 ngày đánh giặc ở Đá Bàn, trên thì bom dội, dưới thì pháo cối nã liên tục, nhưng Tiểu đoàn vẫn bảo toàn lực lượng, bí mật lập trận phục kích đánh úp kẻ thù trên đường rút quân. Trận đó ta toàn thắng, nhưng hy sinh mất 14 anh em, có bị thương mang về căn cứ sau cũng mất. Năm 2002, đơn vị tôi về lại Khánh Hòa, thăm chiến trường xưa, Thủ trưởng tôi không đi được vì bệnh nặng. Chúng tôi đã đến thăm số anh em nằm lại ở đây, họ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Ninh Hòa. Thương nhớ anh em và đồng đội những ngày gian khổ, thiếu đói mà không sờn lòng, đi đánh giặc khắp nơi, không nghĩ đến sự sống chết.
Năm viết sử Tiểu đoàn, tôi được biết Thủ trưởng của tôi đã ốm nặng, không đi lại được, nằm viện triền miên, tôi cũng không đi lại được vì chân yếu, Chính trị viên Phạm Đạo đã giao nhiệm vụ cho tôi, ông ấy là người kể chuyện để tôi viết sử, còn có vài người khác nhưng chủ yếu vẫn là ông ấy. Với Chính trị viên Phạm Đạo, luôn có một thái độ đặc biệt tôn trọng Thủ trưởng Lựu, như là một sự kính nể. Có lẽ bởi vì, Thủ trưởng Lựu chưa một lần nào đòi hỏi cho mình một sự tri ân hay tưởng thưởng, dù ông ấy rất tài trí trong chỉ huy đơn vị đánh giặc, lập nhiều chiến công hiển hách.
Tết năm nay, tôi nhận được quà của con trai út Thủ trưởng tôi – anh Nguyễn Hòa Bình, gửi tặng, cùng một số tiền. Tôi đã cho con trai tôi và nói làm một bữa cơm tụ họp gia đình đầy đủ cho ba. Đó cũng là lần đầu tiên gia đình tôi tổ chức bữa cơm tất niên đầy đủ cả nhà, con cháu về dự sau đám cưới con trai tôi. Tôi đã kể cho chúng nghe về người chỉ huy của mình. Chúng không thể nghĩ rằng, ông ba gầy yếu, còm nhom còm nhách, nói không ra hơi, nằm bẹp xó nhà lại có một thời tuổi trẻ oai dũng, cùng đơn vị theo Thủ trưởng đánh giặc khắp chiến trường.
Bây giờ, được các anh chị đoàn làm phim “Huyền thoại Vườn Gòn” cho tôi biết là Khánh Hòa xây Khu lưu niệm Chiến thắng, tôi cảm động vô cùng. Chắc đồng đội của tôi cũng mãn nguyện lắm. Họ đã có thể ngậm cười nơi chín suối vì không bị quên lãng. Tôi tặng lại cho Khánh Hòa một chiếc ca, làm kỉ niệm của đời binh nghiệp, quai của nó đã hỏng, con tôi thay bằng cái quai i nốc, hàng ngày tôi vẫn dùng nó uống nước. Đó là kỉ vật duy nhất còn lại từ thời chiến tranh của tôi, nó là chiến lợi phẩm tôi được phát trong trận Ai Nu thời kháng Pháp.
Kính chúc các đồng chí ở Tiểu đoàn 59 mạnh khỏe.
Cho tôi gửi lời chào quyết thắng đến các anh chị ở Khánh Hòa. Xin cúi đầu biết ơn các anh chị đã nhớ đến Tiểu đoàn 59.
Đa tạ!
Thanh Hương – Sỹ Bằng - Tuấn Anh thực hiện
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin