23:04, 18/04/2023

Huyền thoại Vườn Gòn - Chiến công hiển hách của Tiểu đoàn 59

Thanh Hương - Sỹ Bằng

Hành trình viết và sáng tạo nghệ thuật về Tiểu đoàn 59 - Chủ lực Cơ động Liên Khu V là một mốc son trong cuộc đời làm nghề của chúng tôi - những người làm phim điện ảnh tài liệu lịch sử.

Chúng tôi đã có cơ duyên để làm sống lại chân dung một đơn vị chủ lực cơ động của Liên Khu V thời kỳ kháng chiến chống Pháp qua cuốn sách “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân” và bộ phim tài liệu điện ảnh “Tiểu đoàn 59 - Họ đã sống và chiến đấu”. Có thể nói rằng, Tiểu đoàn 59, đặc biệt là chân dung vị Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu có một sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ, mỗi một chiến công của Tiểu đoàn mà dấu vết còn lưu lại trên khắp dải đất Miền Trung và Tây Nguyên luôn chứa đựng những sự thật lịch sử về sức mạnh của lòng yêu Tổ quốc ở những người nông dân áo vải của mấy chục năm về trước - chính họ, với trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí kiên định đã làm nên chân dung của người lính - anh Bộ đội Cụ Hồ của Khu V anh hùng.

Kỉ niệm 70 năm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, chiến công hiển hách của Tiểu đoàn 59 tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một chiến thắng huyền thoại khiến kẻ thù khiếp sợ, chôn vùi danh tiếng của Thiếu tướng Pháp LeBlance - Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Miền Trung Việt Nam và tiêu hao lực lượng quân đội thiện chiến, đặc biệt tinh nhuệ bao gồm: Tiểu đoàn Bắc Phi…, chúng tôi tiếp tục hành trình tìm lại lịch sử và sản xuất bộ phim “Huyền thoại Vườn Gòn”.

Để làm sống lại một chiến thắng huyền thoại cách 70 năm về trước, có sự hỗ trợ của B Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, ông Phạm Thanh Quang … và rất nhiều cựu chiến binh khác, chúng tôi đã khảo sát tại những địa phương thuộc chiến trường Bắc Khánh cũ: Ninh Hòa, Lạc An, Quảng Cư, Vạn Giã…; tại Ninh Hòa chúng tôi đã tìm gặp các nhân chứng đã từng tham gia hoạt động thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cùng bộ đội đi lên Căn cứ Đá Bàn, vào sâu trong khu di tích, lên điểm cao, để hình dung lại con đường năm xưa mà các cụ Tiểu đoàn 59 đã đi.

Trên cơ sở tư liệu đã có, nhân chứng và di tích, hệ thống tháp canh dày đặc tại đây đã cho thấy, Bắc Khánh lúc đó, thực sự là nơi chiến trường vô cùng ác liệt, mà Ninh Hòa là điểm hội quân của kẻ thù để chúng tiến hành dồn dân, lập ấp, tập trung lúa gạo, ly gián nhân dân với cách mạng, kháng chiến, mở rộng phạm vi vùng chiếm đóng.

Chân dung Tiểu đoàn 59 tại Khánh Hòa, chiến trường Bắc Khánh là một mảnh ghép trong gương mặt của con người Khánh Hòa giai đoạn lịch sử đó. Trong số những chiến công của Tiểu đoàn ở Bắc Khánh, trận Vườn Gòn - Đá Bàn là một trận đánh lẫy lừng, đã đi vào sử sách của Khánh Hòa, Ninh Hòa như một huyền thoại.

Đá Bàn thuộc Ninh Sơn, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nơi đây, núi non trùng điệp, hoang sơ, bao quanh một vùng đồng bằng rộng lớn. Giữa trung tâm Đá Bàn là một hồ nước tuyệt đẹp, rộng mênh mông, có những tảng đá đen nổi lên sừng sững rất đặc biệt. Nhìn toàn cảnh, hồ Đá Bàn giống như một chiếc lá xanh khổng lồ, được bao bọc bởi những cánh rừng phòng hộ xanh tốt. Dưới lòng hồ sâu thẳm, 70 năm trước là vùng căn cứ địa cách mạng của Khánh Hòa anh dũng, cũng chính mảnh đất này, đã có những trận chiến oai hùng, chôn vùi uy danh một tướng lĩnh và đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, tạo nên huyền thoại về sức mạnh trí tuệ quân sự của quân và dân ta những ngày kháng Pháp.

          Tháng 3 năm 1951, giữa những tháng ngày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong thời kỳ gay go quyết liệt nhất, Liên Khu V đã quyết định di chuyển Tỉnh ủy Khánh Hòa từ căn cứ Hòn Hèo lên Đá Bàn - Ninh Hòa - nơi có rừng rậm núi cao, suối sâu, thác dữ, nhiều hang động và gộp đá hiểm trở để xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài. Và từ đó, căn cứ Đá Bàn trở thành mục tiêu để kẻ thù tấn công hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Để bảo vệ căn cứ, giữ vững vùng tự do Phú Yên, chống âm mưu ly gián nhân dân với kháng chiến, Bộ Tư lệnh Liên Khu V đã quyết định đưa Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803 - Chủ lực cơ động Liên Khu V - đơn vị có chiến thuật đặc công tinh nhuệ, sở trường đánh tháp canh, đồn bốt, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy, về Khánh Hòa.

Trước khi Tiểu đoàn 59 về chiến trường Bắc Khánh, thực dân Pháp đã xây dựng Nha Trang thành một căn cứ quân sự hùng mạnh. Với hệ thống đồn bốt, tháp canh dày đặc và một sân bay dã chiến sẵn sàng cất cánh yểm trợ cho toàn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tại cảng Nha Trang, có một hải đoàn trang bị hiện đại, cũng ở Nha Trang, thực dân Pháp xây dựng trường đào tạo sĩ quan người Việt ở Đồng Đế để đào tạo phi công chiến đấu và thuyền trưởng hải quân cấp tốc bổ sung cho lực lượng quân đội Pháp trên toàn Đông Dương.

Đồng thời, Pháp đã xây dựng được hệ thống tề ngụy làm việc cho chính quyền của chúng, tiến hành thực hiện “Kế hoạch ngủ đồn” do Tham mưu trưởng lục quân Pháp Revers xây dựng, làm lá chắn tại các tháp canh, chống lại các cuộc tấn công của ta. Bước đầu, với kế hoạch này, chúng đã ly gián nhân dân với cách mạng, kháng chiến. Như vậy, ở thời điểm năm 1953, Nha Trang – Khánh Hòa đã là một vùng bình định của thực dân Pháp, là căn cứ quân sự để chúng chuẩn bị lực lượng tấn công Phú Yên và vùng tự do khu V.

Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu và Chính trị viên Phạm Đạo hành quân đến Khánh Hòa, về căn cứ Đá Bàn, đứng chân tại đây, rồi từ đó, phân chia các đại đội thành những mũi tấn công chính, thực hiện các nhiệm vụ: Triệt phá hệ thống tháp canh, đồn bốt, đặc biệt là các tháp canh có vị trí quan trọng, kiên cố; tuyên truyền, bảo vệ dân chống lại “kế hoạch ngủ đồn” – bình định – dồn dân làm lá chắn của kẻ thù; hỗ trợ phát triển du kích và huấn luyện bộ đội địa phương, bảo vệ Đá Bàn và con đường huyết mạch nối Khánh Hòa với Phú Yên, đảm bảo kết nối căn cứ với vùng tự do, để nhận lương thực và vũ khí, đạn dược tiếp tục kháng chiến.

Với mật danh H64 - Tiểu đoàn 59 hoạt động độc lập dọc tuyến quốc lộ 1, nam đường 21, Hòn Hèo, Hòn Khói và thị trấn Ninh Hòa. Lúc này, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tiểu đoàn 59 đã cùng với địa phương thành lập Ban Chỉ huy chung để chỉ đạo đợt hoạt động, thành phần gồm: Đại diện Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 803, Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59. Ban Chỉ huy chung thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Với cách tổ chức này, Tiểu đoàn 59 đã có thể nắm bắt tình hình nhanh chóng, có hệ thống cơ sở cách mạng, điều tra trinh sát để đưa ra những phương án tác chiến hiệu quả nhất!

Đánh tháp canh là nhiệm vụ đầu tiên của Tiểu đoàn ở chiến trường Bắc Khánh. Tháp canh Nhĩ Sự - Tân Phong là mục tiêu đầu tiên của Tiểu đoàn 59. Đây là hai tháp canh kiên cố nằm trong vùng bình định kiểu mẫu của thực dân Pháp ở Khánh Hòa. Nơi đây có hệ thống tề ngụy mẫn cán, đắc lực, gây rất nhiều tội ác cho đồng bào, lại là nơi dồn dân, ngủ đồn tập trung nhiều nhất, là kho lúa gạo lớn nhất… tập trung phá 2 tháp canh này là đòn phủ đầu, vỗ mặt trực diện của ta với kẻ thù.

Đêm 06/4/1953, lúc 24h, Tiểu đoàn 59 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy đã nổ súng tấn công hai tháp canh, chỉ trong một canh giờ, hai tháp canh đã bị quân ta chiếm giữ, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng cho đồng bào, bắt giữ ngụy binh, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân về đường lối và chính sách cách mạng của Đảng, Bác Hồ.

Chiến thắng Tân Phong - Nhĩ Sự cho thấy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 59 đã mở ra một hình thức tác chiến đặc công mới, dựa vào dân, lấy tin tức, nắm chắc tình hình địch bất ngờ tấn công, chắc thắng.

Nhân dân nức lòng trước tin chiến thắng; câu hò chiến thắng vang vọng khắp chiến trường Bắc Khánh…

“Ai về Hòn Khói Ninh Hòa

Thấy Bót Cầu Lớn quân ta diệt rồi…”

Sau khi đánh chiếm các tháp canh, thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn 59 tiếp tục đánh phá các tháp canh còn lại…Thực dân Pháp khiếp sợ và nhận ra quân chủ lực đã về Khánh Hòa. Chúng bắt đầu xây lô cốt nửa chìm nửa nổi dày đặc tại Ninh Hòa, co cụm chiến đấu. Đồng thời, củng cố lực lượng, lên kế hoạch đánh lên căn cứ, tiêu diệt quân chủ lực của ta, san phẳng Đá Bàn. Chỉ sau hơn 10 ngày đánh tan hệ thống tháp canh ở Ninh Hòa, Tiểu đoàn 59 nhận được tin trinh sát báo về: giặc sẽ dốc toàn lực đánh vào Đá Bàn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ đạo trinh sát Tiểu đoàn đi thực địa, chuẩn bị chống càn. Lúc này, ta vừa thu được rất nhiều vũ khí, đạn dược, đồng thời, bộ đội được dân tin yêu tiếp sức cung cấp lương thực nên khí thế lên cao.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu cùng Ban chỉ huy kháng chiến ở Đá Bàn lên kế hoạch chống càn. Trong gần chục ngày, hàng trăm hầm chông, cạm bẫy, mìn, lựu đạn được bộ đội chủ lực cùng quân và dân địa phương đóng ở Đá Bàn dựng lên, ngăn bước chân kẻ thù.

Ngày 18 tháng 4, trận càn của thực dân Pháp vào Đá Bàn bắt đầu. Đây là cuộc hành quân quy mô rất lớn, khoảng 5000 quân Âu Phi, cùng xe thiết giáp, máy bay chiến đấu hiệp đồng tấn công vào căn cứ. Theo trục đường 21, đội quân nhà nghề từ Bình Trị Thiên trên 20 tàu thủy và ca nô chở binh lính đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói, 180 xe cơ giới từ Nha Trang dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Le Blance – Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Miền Trung Việt Nam, cầm đầu tiến lên căn cứ Đá Bàn.

Sáng 19 tháng 4, tướng Le Blance bày trận địa tấn công. Để chặn đường rút của ta sang Phú Yên, một cánh quân của Pháp hành quân lên Gò Trơ, phía Bắc sông Lốt, vào dốc Chanh, sau lưng căn cứ. Đồng thời, yểm trợ cho Thiếu tướng Le Blance thực hiện kế hoạch là trận địa pháo 155mm, cối 80mm từ Xuân Sơn, Quảng An cấp tập dội xuống căn cứ. Một cánh khác, tấn công phía Nam, cánh chính diện tiến vào Bến Ghe, cứ chiếm được 1 điểm lại cử một đại đội chốt giữ. Trên không máy bay trinh sát L19 dẫn đường, chỉ điểm cho máy bay chiến đấu dội bom liên tục.

Với trận đồ như vậy, Le Blance, viên tướng lão luyện của Pháp, từng chinh chiến ở Ma rốc tin rằng, sẽ san phẳng Đá Bàn trong một ngày. Trong tình thế vô cùng nguy hiểm, không cân sức về mọi mặt; sau khi thống nhất kế hoạch với Ban Chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu quyết định, đơn vị luồn rừng thoát ra khỏi căn cứ, mật phục tại Vườn Gòn - Sở Thằng Lô.

Sáng ngày 20 tháng 4, trong căn cứ, quân ta đã rút khỏi, bỏ lại vườn không nhà trống, địch tiến vào nhưng không thực hiện được mục tiêu, đồng thời bị lực lượng còn lại ẩn nấp tại căn cứ đánh tiêu hao, rồi mắc hầm chông, bẫy mìn… thiệt hại lớn, chúng quay trở ra. Đúng 13 giờ, tại Vườn Gòn, giặc sa vào trận địa mật phục của Tiểu đoàn 59, tiếng kèn xung trận vang lên. Toàn bộ hỏa lực của Tiểu đoàn bắn ập lên đội hình quân địch làm cho chúng không kịp trở tay, những tên còn sống sót nhào xuống Suối Sâu, gầm cầu bị mìn, lựu đạn tiêu diệt, phút chốc cả hàng ngũ tan vỡ, ta tiêu diệt một đại đội, thu nhiều vũ khí. Kết quả trận này ta diệt gọn khoảng hơn 400 tên, thu 1 đại liên, hơn 100 súng các loại cùng các trang bị khác của địch. Bên ta có 14 chiến sĩ hy sinh và bị thương. Vào khoảng 14 giờ máy bay L19, khu trục lên bắn, dội bom chung quanh trận địa, rồi các tốp trực thăng đến chở xác quân địch đưa về trường Tiểu học Ninh Hòa. Đến khoảng 16 giờ ngày 20/4, trận Vườn Gòn kết thúc, tướng Le Blance thất trận, ta làm chủ hoàn toàn trận địa. 

          Chiến thắng Vườn Gòn đã trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp, ngụy tại Ninh Hòa. Từ đó đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7-1954, căn cứ Đá Bàn trở thành bất khả xâm phạm. Không có cuộc hành quân càn quét nào của kẻ thù dám vượt qua Cầu Gỗ, Suối Sâu, Vườn Gòn, nơi có trận bão lửa diễn ra để vào trung tâm căn cứ. Và Vườn Gòn mãi mãi âm vang một chiến công hiển hách trên mảnh đất quê hương Ninh Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.

          Để làm nên chiến thắng huyền thoại này, có thể nói, vai trò người chỉ huy là vô cùng quan trọng. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu - vị chỉ huy gan góc, vô cùng mưu trí đã dụng kế theo binh pháp của cha ông: kim thiền thoát xác, đánh tập hậu sau lưng địch. Lấy yếu tố bất ngờ làm vũ khí để chống lại đội quân nhà nghề hùng mạnh. Nhưng quan trọng nhất, là từ buổi đầu tập rèn, bộ đội Tiểu đoàn 59 quân lệnh như sơn, rèn chiến thuật đặc công đến mức tinh nhuệ, đánh đâu chắc thắng đó, đồng thời, luôn có ý thức lấy vũ khí của kẻ thù chống lại kẻ thù, tăng cường sức mạnh quân sự. Tất cả Tiểu đoàn, trên dưới một lòng, nhất tề theo lệnh chỉ huy, quyết tử chiến, sống mái với quân thù.

          Hơn 70 năm đã qua đi, chiến thắng huyền thoại năm xưa đã thành ký ức, lùi vào những trang sử đỏ của Ninh Hòa, Khánh Hòa, của dải đất Miền Trung nắng gió mặn mòi…Những người lính năm xưa, gặp nhau nắm tay, ôn lại trang sử của Tiểu đoàn, về trận Vườn Gòn - Đá Bàn. Tiểu đoàn 59 - anh hùng của lòng dân, họ đã từng “vào sinh, ra tử” để bảo vệ độc lập tự do. Máu xương của họ đã đổ xuống Khánh Hòa và khắp miền Trung, Tây Nguyên để đất đai Tổ quốc vẹn tròn.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1978, căn cứ Đá Bàn trở thành vùng Kinh tế mới. Hàng ngàn thanh niên từ Miền Bắc đã đến mảnh đất này chung tay xây dựng khu kinh tế mới và công trình thủy lợi hồ Đá Bàn. Những sức trẻ đã lao động cật lực ngày đêm để biến một vùng đất toàn gốc cây rừng thành những cánh đồng màu mỡ. Khi công trình hồ Đá Bàn hoàn thành, cả một vùng rộng lớn đã hiện diện màu xanh ngút ngàn của cây lúa.

          Vườn Gòn - nơi 70 năm trước xảy ra trận đánh huyền thoại đã được xây dựng thành Khu Lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, để tri ân những người đã làm nên chiến thắng lịch sử này. Nơi đây, cùng với các di tích của khu căn cứ Đá Bàn, sẽ trở thành một hệ sinh thái giáo dục truyền thống lịch sử, kết nối các thế hệ từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai.

          Trong quá trình thực hiện bộ phim “Huyền thoại Vườn Gòn - Đá Bàn”,  chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, UBND thị xã Ninh Hòa, UBND Xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, các CCB thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các vị lão thành cách mạng, các CCB Tiểu đoàn 59.

      

                                                                 
                                                                           Thanh Hương - Sỹ Bằng