Trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân ta đã lập lên nhiều chiến thắng vang dội, để rồi dẫn đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng hào hùng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn cách ngày nay 70 năm trên mảnh đất quê hương Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là một trong những chiến thắng vang dội như thế. Mưu trí, sáng tạo, dũng cảm là một nét nổi bật, tiêu biểu trong trận đánh oai hùng Vườn Gòn - Đá Bàn năm xưa, gắn liền với tên tuổi Tiểu đoàn 59 anh hùng của Quân khu 5.
Mưu trí, sáng tạo, dũng cảm là yêu cầu khách quan và là sự phản ánh sâu sắc nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc ta. Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là thắng lợi của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, của tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm của quân và dân ta, biểu hiện cụ thể trên những nét đặc trưng chủ yếu sau:
Thứ nhất, “Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” - nét nổi bật, đặc sắc trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn.
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” là nội dung chủ đạo, nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam nhằm phát huy cao độ tinh thần yêu nước, trí tuệ, ý chí quyết thắng, sức mạnh tổng hợp, động viên toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, vận dụng cách đánh phù hợp, linh hoạt, sáng tạo để giành chiến thắng. Nghệ thuật quân sự đặc sắc này được quân dân ta, mà nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 thể hiện sinh động trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn.
Bối cảnh diễn ra trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn là vào mùa xuân năm 1953, khi quân dân ta giành nhiều chiến thắng giòn giã trên khắp các chiến trường cả nước, tác động mạnh mẽ, hỗ trợ cho nhân dân trong các vùng địch tạm thời kiểm soát nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch. Ở huyện Ninh Hòa, sau khi các đồn, bót ở Tân Phong, Nhĩ Sự, Ninh Ích, Cầu Lớn bị quân ta tiêu diệt, quần chúng nhân dân đã nổi dậy đấu tranh, phá thế kìm kẹp, không chịu ngủ ở đồn bót, yêu cầu đòi mang lúa gạo, lương thực và tài sản về nhà. Điều đó đã gây nhiều khó khăn cho địch. Trong hệ thống kìm kẹp của địch, như các tháp canh, các đồn, bót nhỏ lẻ, binh lính địch đã lâm vào tình trạng hoang mang dao động, lo sợ, không dám ngủ đêm trong các đồn, lực lượng của chúng ở tại địa phương cũng không còn đủ sức đàn áp, ngăn chặn quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh như trước nữa.
Hòng cứu vãn tình thế bất lợi đó, bọn chỉ huy quân Pháp, ngụy ở Nam Trung bộ đã phải thực hiện thủ đoạn mới, chúng tập trung lực lượng để đánh phá vào các căn cứ của cách mạng, hòng tiêu diệt, đẩy lùi bộ đội và cán bộ ta lên núi xa. Chúng sử dụng lực lượng với quân số đông, được trang bị phương tiện, vũ khí kĩ thuật hiện đại, mở cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ Đá Bàn, nơi cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa đang đóng. Sáng 19/4/1953, địch sử dụng trận địa pháo từ Xuân Sơn bắn dọn đường cho ba cánh quân tiến vào căn cứ; sử dụng trên 4.000 quân, có lực lượng Âu, Phi thiện chiến từ Bình Trị Thiên đưa vào tham chiến, có phi cơ và pháo binh yểm trợ, do tên thiếu tướng Lơ-pơ-lăng người Pháp chỉ huy[1].
Đối phó với trên 4.000 quân địch được trang bị vũ khí hiện đại, đòi hỏi quân dân ta phải đặc biệt mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, phải phát huy cao độ nghệ thuật, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện hiệu quả cách đánh “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”. Quán triệt Nghị quyết quân sự của Liên khu ủy: “Tiêu diệt địch, bồi dưỡng ta, đẩy mạnh phong trào địa phương và tạo điều kiện cho chủ lực học tập nâng cao đánh vận động”, Bộ Tư lệnh Liên khu đã chủ trương mở chiến dịch Hè năm 1953. Tiểu đoàn 59 tách khỏi đội hình Trung đoàn 803 vào Khánh Hòa làm nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp, kìm kẹp của địch đối với vùng du kích, vùng căn cứ cách mạng, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch, tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng bán vũ trang địa phương và trực tiếp chiến đấu ở Vườn Gòn - Đá Bàn.
Trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn là cuộc đọ sức không cân sức về lực lượng và vũ khí trang bị giữa ta và địch, diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt ngay từ đầu và trong suốt quá trình diễn biến trận chiến. Nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” được quân dân ta phát huy hiệu quả trong thực tiễn chiến đấu. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 đã mưu lược, chủ động bố trí hệ thống chông, mìn, tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp, buộc địch dù có quân số đông, nhưng đã phải gặp rất nhiều khó khăn, khiến cho các cánh quân của chúng bị thương vong, tổn thất ngay từ xa, phải từng bước thăm dò, làm chậm bước tiến của chúng vào khu vực căn cứ.
Thứ hai, đánh giá đúng tình hình, sáng tạo trong quá trình chiến đấu, điều chuyển, phối hợp lực lượng, thực hiện cách đánh phù hợp, hiệu quả tạo bất ngờ cho quân địch.
Đây là một nét nổi bật thể hiện tinh thần mưu trí, sáng tạo của quân dân ta, mà nòng cốt là Tiểu đoàn 59 trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. Quân ta đã phân tích, đánh giá đúng tình hình, thấy rõ điểm mạnh và những hạn chế của địch, cũng như những khó khăn và ưu thế của ta, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, sức mạnh tại chỗ để đánh địch. Do nắm được ý định và cách đánh của địch, quân ta đã chủ động chuẩn bị từ trước. Trong căn cứ Đá bàn, quân ta tổ chức thực hiện đánh địch từ xa, dùng hầm chông, mìn gài sẵn gây cho địch nhiều tổn thất; ta sử dụng một lực lượng để ngăn chặn địch, lực lượng còn lại vòng ra ngoài để phục kích tại khu vực từ “Sở Thằng Lô” (đồn điền cũ của người Pháp) đến Vườn Gòn làm điểm quyết chiến.
Đánh giá chính xác tình hình, kịp thời điều chỉnh lực lượng, chuyển hóa thế trận linh hoạt, tạo sức mạnh tiêu diệt địch là một nét nổi bật trong trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn. Nắm chắc tình hình địch là yếu tố quan trọng hàng đầu, làm cơ sở để xác định chính xác quyết tâm chiến đấu, từ đó tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, thực hành chỉ huy chiến đấu để giành thắng lợi. Cùng với việc bố trí lực lượng một cách khoa học, phù hợp, quân ta đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu. Các cấp chỉ huy đã phát huy vai trò của các thành phần, các lực lượng, tích cực nắm địch từ xa đến gần, cả trước, trong và sau trận đánh; đã dự kiến chính xác các tình huống chiến đấu, nắm chắc thời cơ, tổ chức điều chỉnh lực lượng kịp thời, triển khai chiến đấu nhanh, chuyển hóa thế trận linh hoạt, giành quyền chủ động, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu được giao.
Quân dân ta đã vận dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, đánh giặc của ông cha một cách có hiệu quả, thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”; linh hoạt thay đổi thế trận từ thế bị động sang thế chủ động; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, các lực lượng, sáng tạo các hình thức tác chiến, cách đánh trong quá trình chiến đấu; sử dụng bộ đội địa phương và du kích trong địa bàn đẩy mạnh các hoạt động phối hợp chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Đêm xuống, Tiểu đoàn 59 có thêm 1 trung đội tăng cường đã bí mật hành quân qua hẻm Eo Gió, cách Bến Ghe một cây số, vòng ra ngoài phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn của Sở Thằng Lô, dù địch có bộ phận gác ở Bến Ghe nhưng chúng cũng không hề hay biết[2]. Với thế trận và cách đánh như vậy, chủ trương tiến quân của địch không thể thực hiện được, nên mãi đến chiều chúng mới vào được rìa căn cứ Đá Bàn.
Trên cơ sở thế trận cả nước đánh giặc, quân dân ta đã phối kết hợp chặt chẽ, phát huy cao độ sức mạnh của tất cả các lực lượng; vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp tác chiến, đánh địch nhỏ lẻ, rộng khắp, liên tục, đẩy địch vào thế bị động, tiêu hao, bị suy yếu, sa lầy và thất bại. Để hạn chế những điểm mạnh, khoét sâu các điểm yếu của địch; đồng thời phát huy hiệu quả hỏa lực, khả năng, sở trường và cách đánh của ta, các đơn vị quân ta đã dựa vào thế có lợi của địa hình, địa vật trong địa bàn, tạo thế có lợi cho quân ta chủ động triển khai thực hiện phương án chiến đấu.
Trong chiến đấu, quân dân ta, với Tiểu đoàn 59 làm nòng cốt, đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và thành công phương thức “Tác chiến du kích kết hợp với tác chiến tập trung của chủ lực” vào điều kiện cụ thể của chiến trường, hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao của lực lượng vũ trang Liên khu V[3]; phối hợp hiệp đồng chia cắt lực lượng địch, làm cho chúng không thể chỉ huy và liên kết lực lượng. Vì thế, mặc dù quân địch huy động một lực lượng lớn gấp nhiều lần so với ta, cùng với phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại, được hỏa lực chi viện, liên tục tiến công, nhưng chúng vẫn phải hứng chịu thất bại nặng nề.
Thế trận chiến tranh nhân dân và phương thức tác chiến phù hợp, được thực hiện linh hoạt, có hiệu quả trong trận Vườn Gòn - Đá Bàn, đã tạo nên sức mạnh to lớn, làm cho quân địch phải chịu tổn thất nặng nề và thất bại, trở thành nỗi ám ảnh đối với quân Pháp, ngụy tại Khánh Hòa.
Thứ ba, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân thù
Nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh tùy thuộc chủ yếu vào sức mạnh nội lực; vào sự nỗ lực và tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu của lực lượng tham chiến. Trong trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn, quân dân ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ. Khi lực lượng của ta triển khai đội hình phục kích, chờ cho các cánh quân địch tiến vào trận địa, thì sẽ xuất kích theo phương án tác chiến đã định, nhưng quân địch quá đông, so sánh lực lượng giữa ta và địch không cân sức, các cỡ súng của địch lại nhả đạn tới tấp vào đội hình, quân ta đã gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu. Tuy nhiên, quân dân ta đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng; từ đó, tìm ra và thực hiện phương thức và cách đánh phù hợp, hiệu quả.
Vì thế, quân địch đã gặp nhiều khó khăn, lúng túng và dao động, buộc bọn địch đi đầu bị chặn đánh trước đó đã dừng lại, quay ra phản kích. Quân ta đã nhanh chóng cơ động lực lượng, thực hiện đánh chặn đầu, khóa đuôi tiến hành bao vây, chia cắt, tiến công địch, làm cho chúng bị chia cắt lực lượng. Các bộ phận, các mũi tiến công của quân ta dùng đại liên, trung liên và súng các cỡ tập trung chế áp mạnh vào các hỏa điểm của địch, bắn điểm xạ chính xác và dồn dập vào đội hình quân địch.
Tuy nhiên, địch cũng bắn trả quyết liệt. Khi đại liên địch bắn mạnh vào sườn cánh của quân ta, đồng chí Nguyễn Điểu đã dũng cảm chọn đúng thời cơ xông ra dùng báng súng phang mạnh vào cánh tay tên xạ thủ, nâng bổng nòng súng của địch lên cao, cùng lúc đó hai người còn lại trong tổ là đồng chí Lực và đồng chí Hồng đã nhanh chóng cướp khẩu đại liên, dùng súng địch đánh địch[4]. Lợi dụng thời cơ quân địch hoang mang do bị tập kích bất ngờ, Tiểu đoàn 59 tập trung toàn bộ hoả lực nổ súng mãnh liệt làm cho chúng không kịp trở tay.
Những hành động “xông ra dùng báng súng, lưỡi lê đánh giáp lá cà, xung phong tiêu diệt địch”, “dùng súng địch đánh địch”…, phản ánh rất sinh động và cụ thể tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường và ý chí quyết thắng quân thù của quân dân ta trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. Tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết chiến, quyết thắng là động lực tinh thần to lớn, tạo nên những hành động chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đó của quân dân ta. Trong trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn, quân địch đã bị thất bại thảm hại, bị tiêu diệt gọn một đại đội Âu, Phi - lính nhà nghề thiện chiến trong đội quân viễn chinh của đế quốc Pháp lúc bấy giờ. Từ đó đến khi Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954 không có một cuộc hành quân càn quét nào của chúng dám vượt qua Cầu Gỗ, Suối Sâu, Vườn Gòn, nơi có “trận bão lửa” diễn ra để vào trung tâm căn cứ đánh phá nữa.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã trở thành một “cơn ác mộng” đối với quân Pháp, ngụy và là niềm tự hào của quân dân huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Vườn Gòn - Đá Bàn là trận chiến anh hùng của Tiểu đoàn 59 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa; mãi mãi âm vang như một chiến công oai hùng, hiển hách trên mảnh đất quê hương Ninh Hòa thân yêu trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.
. Đại tá, TS Nguyễn Kiêm Viện
- Trưởng Phòng Khoa học quân sự, Tổng cục Chính trị/QĐNDVN
[1] Mai Xuân Hồng, Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, Cổng Thông tin điện tử, UBND Thị xã Ninh Hòa, cập nhật ngày 28/07/2020.|
[2] Mạnh Cường - Xuân Thao, Vườn Gòn - Đá Bàn: Miền quê thơ mộng mang “chứng nhân lịch sử”, Báo Công lý điện tử, cập nhật ngày 25/01/2023
[3] Mạnh Cường - Xuân Thao, Vườn Gòn - Đá Bàn: Miền quê thơ mộng mang “chứng nhân lịch sử”, Báo Công lý điện tử, cập nhật ngày 25/01/2023
[4] Mạnh Cường - Xuân Thao, Vườn Gòn - Đá Bàn: Miền quê thơ mộng mang “chứng nhân lịch sử”, Báo Công lý điện tử, cập nhật ngày 25/01/2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin