Dinh Thái Khang xưa và tỉnh Khánh Hòa ngày nay là vùng đất hội tụ cư dân nhiều nơi đến sinh sống. Từ đó, hình thành nên một vùng văn hóa đa dạng, độc đáo, hòa quyện tinh hoa của các vùng miền. Đặc biệt, ca dao Khánh Hòa đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của hồn đất, tình người nơi đây.
Dinh Thái Khang xưa và tỉnh Khánh Hòa ngày nay là vùng đất hội tụ cư dân nhiều nơi đến sinh sống. Từ đó, hình thành nên một vùng văn hóa đa dạng, độc đáo, hòa quyện tinh hoa của các vùng miền. Đặc biệt, ca dao Khánh Hòa đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của hồn đất, tình người nơi đây.
Khắc họa vẻ đẹp quê hương
Trong cuốn sách “Văn hóa dân gian Khánh Hòa” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2014), tác giả Chu Xuân Bình cho rằng, ca dao Khánh Hòa bao gồm: ca dao cổ thời phong kiến; ca dao chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; ca dao mới sau ngày đất nước giải phóng. Người dân Khánh Hòa thường sử dụng ca dao trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt gia đình hay trong các hoạt động tập thể. Thông qua những câu ca dao dung dị, mộc mạc, giàu hình ảnh, phần nào đã cho thấy tâm hồn, tình cảm của người dân nơi đây, cũng như hình bóng non sông, cảnh vật xứ Trầm, biển yến. Với đặc điểm địa hình đa dạng, có núi sông, biển cả, đồng bằng, hải đảo… nên đời sống tinh thần, tâm lý, tính cách của người dân Khánh Hòa cũng mang những nét đẹp riêng và được phản chiếu qua từng câu ca dao.
Không gian nghệ thuật trong những câu ca dao về quê hương Khánh Hòa đã cho thấy vẻ đẹp của một vùng đất văn vật. Người dân Khánh Hòa “khoe” điều kiện thiên nhiên thuận lợi bằng những câu ca: “Tỉnh Khánh Hòa đậm đà mưa nắng/Non chồng nghĩa nặng, nước chứa tình thâm/Ngọn gió đưa phảng phất hương trầm/Mây bay tháp bút, trăng dầm bến ngâm”. Thiên nhiên vừa sống động, vừa giàu sức gợi cảm, truyền cảm. Nói đến Nha Trang - Khánh Hòa là nói về biển và dân gian đã dành thật nhiều tính từ để miêu tả vẻ đẹp của biển Nha Trang. “Bãi biển Nha Trang mịn màng, trắng trẻo/Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh/Đêm đêm thơ thẩn một mình/Đố sao cho khỏi vương tình gió mây”. Cũng là nói về biển, nhưng biển ở những địa phương khác lại được gắn với vẻ trù phú của sản vật: “Biển nào bằng biển Ninh Diêm/Có tôm, có cá, có hàng dương xanh”; hay “Ai về Hòn Khói quê tôi/Non xanh nước biếc, muối ngời trắng trong”.
Không chỉ nói về biển xanh, gió lộng, ca dao Khánh Hòa còn khắc họa hình ảnh núi rừng quyến rũ: “Đường lên Khánh Vĩnh muôn trùng gió/Thăm thẳm mắt tình dõi trông theo/Muôn bản sắc triều hương thổ cẩm/Hồn nâu đất nhuộm dấu chân người/Ngút ngàn đường về mây chuyển xứ/Ngàn xanh bãi mía gió níu trời”.
Cùng với cảnh vật tươi đẹp, nên thơ, những sản vật trên đất Khánh Hòa cũng rất phong phú, giàu giá trị sử dụng, giá trị kinh tế: “Khánh Hòa biển rộng non cao/Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang”; “Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều/Đời anh cay đắng đã nhiều/Về đây ngọt sớm, ngon chiều với em”. Ngay cả những sản phẩm bình dân, mộc mạc ở Khánh Hòa cũng kết đọng trong lòng người dân nơi đây: “Ai về thăm quê hương Ninh Thủy/Có dừng chân ghé nghỉ vài hôm/Quê mình sản xuất cá tôm/Có dòng mắm ngọt dùng cơm bình thường”. Mỗi sản vật gắn liền với một vùng đất như càng điểm tô thêm vẻ đẹp mỗi vùng quê, để mỗi tên làng, tên núi, tên sông… khi được cất lên lại khiến mỗi người vừa tự hào, vừa bùi ngùi thương nhớ.
Sâu nghĩa, đậm tình
Tìm hiểu về ca dao ở Khánh Hòa, chúng ta nhận thấy nét vẹn nghĩa, chung tình của người dân nơi đây. Đối với bậc sinh thành, phận làm con dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hiếu thuận, thương yêu: “Cầm cần câu cá liệt xuôi/Lấy tiền mua gạo mà nuôi mẹ già”; hay “Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc/Dốc nào ngược bằng dốc Nha Trang/Mỗi lần em than hai hàng lụy nhỏ/Còn chút mẹ già biết bỏ cho ai”. Nỗi lòng đó cũng là lời chung của những người làm con, nhưng với người Khánh Hòa, cách bày tỏ tình cảm lại chân thật, cụ thể hơn.
Cũng như ca dao truyền thống của dân tộc Việt Nam, khi nói tới nghĩa vợ chồng, ca dao Khánh Hòa đã xây dựng nên hình ảnh những người vợ tần tảo, đảm đang, giàu lòng vị tha và đức hy sinh. Bức tranh hạnh phúc vợ chồng mà người dân mong muốn cũng thật nhẹ nhàng, đầm ấm: “Khoai lang Hòn Chúa/Đậu phụng Hòn Dung/Chồng đào, vợ mót đổ chung một gùi”. Nghĩa vợ tình chồng của người dân Khánh Hòa cũng gắn chặt câu thề đầu bạc răng long, thủy chung son sắt: “Đứng ở Hòn Chồng trông sang Hòn Yến/Lên Tháp Bà về viếng Sinh Trung/Giang sơn cẩm tú trập trùng/Đôi ta gắn bó thủy chung một lòng”; hay “Bao giờ Hòn Chữ bể tư/Biển Nha Trang cạn nước anh mới từ nghĩa em”.
Khá nhiều câu ca dao Khánh Hòa đề cập đến chủ đề tình yêu đôi lứa. Nhân vật trữ tình trong ca dao tỏ tình là những chàng trai, cô gái gặp nhau, yêu nhau trong cuộc sống lao động thường ngày. Họ bày tỏ tình cảm trong lúc làm việc nên cũng rất thẳng thắn, chân thành: “Đường Ninh Diêm cong cong vẹo vẹo/Gái Ninh Diêm chưa ghẹo đã theo/Thò tay hái ngọn dưa leo/Để anh đi cưới đừng theo họ cười”. Cũng có những lời trao duyên được nói vòng vo, thủ thỉ: “Sơn Bình, Kẻ Gốm không xa/Cách một cái quán với ba quãng đồng/Bên dưới có sông, bên trên có chợ/Ta lấy mình làm vợ nên chăng”. Lời yêu được trao cũng mở ra tâm trạng tương tư, mong nhớ. Nỗi nhớ ra ngẩn vào ngơ của những người đang yêu vừa hồn nhiên, vừa đáng yêu: “Sông Dinh có ba ngọn nguồn/Anh nhớ em băng đèo vượt suối/Nhưng chưa biết tìm đường tới thăm em/Ghé vô chợ Ninh Hòa/Mua một xâu nem/Một chai rượu bọt/Anh uống cho say mèm/Để quên nỗi nhớ thương”…
Kho tàng ca dao xứ Trầm còn đề cập đến nhiều nội dung khác, như: Những câu ca than thân trách phận; ca dao về các nghề truyền thống; ca dao kháng chiến… Bên cạnh đó, còn có phần lời của những câu hò đối đáp, câu hát huê tình. Tất cả đã phản ánh khá đầy đủ những nguồn cảm hứng về thiên nhiên, con người, cuộc sống xã hội trên vùng đất Khánh Hòa trong suốt chiều dài 370 năm xây dựng và phát triển.
Giang Đình