Từ Crystal Bay Hospitality, nghĩ về hành trình vươn ra biển lớn của những thương hiệu khách sạn Việt
Du lịch Việt Nam đang tiến những bước dài và vững chắc trên con đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự của quốc gia.
Du lịch Việt Nam đang tiến những bước dài và vững chắc trên con đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự của quốc gia. Sự trỗi dậy của ngành du lịch trong những năm gần đây khiến thị trường quản lý khách sạn trở thành “miếng bánh” hấp dẫn hơn bao giờ hết. Trước thời cơ lớn, doanh nghiệp Việt liệu có chấp nhận đứng ngoài?
Xâm nhập “lãnh địa” của “Tây”
Nhiều năm trước đây, đầu tư và quản lý bất động sản vốn là “lãnh địa” của các tập đoàn nước ngoài.
Về mặt đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài là bên bỏ vốn xây dựng, còn doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ góp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên gần đây, không ít doanh nghiệp Việt tích luỹ đủ tiềm lực tài chính để đầu tư các dự án nghỉ dưỡng có khả năng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở hạ tầng và kiến trúc.
Riêng mảng vận hành quản lý các khu nghỉ dưỡng 5 sao, hầu hết chủ đầu tư đều phó mặc cho các tập đoàn nước ngoài. Thị trường quản lý khách sạn cao cấp vì thế rơi vào tay các tập đoàn quốc tế như Accor, InterContinental, Marriott, Wyndham...
Theo thống kê của Công ty tư vấn Savills, hiện nay, có tới 79 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên cả nước được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế, trong đó hầu hết là dự án 5 sao. Gần đây, các tập đoàn quản lý khách sạn nước ngoài còn tiếp tục phân nhánh theo các dòng sản phẩm khác nhau để “tấn công” vào những phân khúc thấp hơn.
Nguyên nhân thị trường quản lý khách sạn cao cấp bị các tập đoàn nước ngoài chiếm lĩnh không chỉ là do tâm lý “sính ngoại” mà còn vì phần lớn chủ đầu tư trong nước chưa nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hầu hết doanh nghiệp Việt chỉ đầu tư, quản lý khách sạn quy mô nhỏ và tập trung vào dòng khách bình dân. Khi muốn thu hút được lượng khách lớn hơn, tấn công vào phân khúc cao cấp, bán được phòng với giá cao hơn, các khu nghỉ dưỡng 5 sao đều phải hướng đến nguồn khách quốc tế. Đây là thế mạnh của các tập đoàn nước ngoài bởi bên cạnh kinh nghiệm, họ còn sở hữu hệ thống kinh doanh và tiếp thị toàn cầu cùng mạng lưới khách hàng trung thành rộng khắp.
Thế nhưng, gió đang xoay chiều. Năng lực quản lý khách sạn cao cấp của doanh nghiệp nội địa tỏ ra không hề thua kém những tập đoàn nước ngoài. FLC tự quản lý vận hành các khách sạn, resort mà Tập đoàn này đầu tư dưới thương hiệu FLC Hotels & Resorts. Sau một thời gian hợp tác với các Tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế, VinGroup cũng đã công bố tái cấu trúc thương hiệu Vinpearl, tự quản lý vận hành các dự án bất động sản du lịch của mình dưới 3 thương hiệu con là Vinpearl Luxury, Vinpearl Resorts & Hotels và Vinpearl Discovery. Crystal Bay Hospitality thuộc Tập đoàn Crystal Bay cũng là minh chứng điển hình cho thấy doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu quản lý bất động sản du lịch cao cấp theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Tây” hay “Ta”?
Trong thế giới phẳng, khoảng cách về công nghệ quản lý và tiêu chuẩn dịch vụ giữa các tập đoàn quản lý khách sạn nội địa và nước ngoài dần bị xoá nhoà. Ông Mauro Gasparrotti, Giám đốc bộ phận Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Với số lượng các dự án đang tăng trưởng nhanh chóng, các chủ đầu tư Việt Nam đang dần học được kinh nghiệm từ thực tiễn và cung cấp đến thị trường các sản phẩm chất lượng hơn”.
Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp quản lý khách sạn Việt vì thế chủ yếu vẫn nằm ở bài toán thu hút nguồn khách quốc tế. bởi sự hiện diện thương hiệu còn mờ nhạt trên thế giới do chi phí tiếp thị tại nước ngoài khổng lồ.
Nhưng, thách thức đó lại là lợi thế tuyệt đối của Crystal Bay Hospitality khi hiệu quả kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng được quản lý dưới thương hiệu này luôn được tối ưu hóa nhờ sự hậu thuẫn từ hệ sinh thái du lịch, đặc biệt là từ mảng kinh doanh lữ hành của Tập đoàn mẹ Crystal Bay.
Đầu tiên, sự chủ động về nguồn khách là thế mạnh lớn nhất đảm bảo sự thành công cho bất cứ dự án nào được quản lý dưới thương hiệu Crystal Bay Hospitality.
Du khách quốc tế đến Việt Nam trong mấy năm gần đây tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó nổi bật là thị trường khách Nga. Nhân tố đứng sau sự tăng trưởng phi mã của nguồn khách này chính là Crystal Bay. Năm 2018, Tập đoàn này đưa 360.000, người, chiếm 60% lượng khách Nga đến Việt Nam. Nhờ chủ động được nguồn khách từ tập đoàn mẹ mà Crystal Bay Hospitality dễ dàng vận hành dự án đầu tiên của mình là Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa (Cam Ranh Riviera) với hiệu quả kinh doanh dẫn đầu thị trường khách sạn, đạt công suất khai thác 90%. Cuối năm nay, Crytal Bay Hospitality tiếp tục quản lý SunBay Park Cam ranh đi vào hoạt động và trong tương lai gần sẽ là nhiều tổ hợp khách sạn quy mô lớn như: SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang, Sailing Bay Ninh Chữ
Không những thế, Crystal Bay còn là đầu mối quan trọng cung cấp nguồn khách quốc tế tới hầu hết các khách sạn lớn ở khu vực Nam Trung Bộ. Dựa trên lợi thế đó cũng như kinh nghiệm quản lý từ Cam Ranh Riviera, Crystal Bay Hospitality đã mở rộng dịch vụ quản lý khách sạn cho các doanh nghiệp khác. Hiện tại, Crystal Bay Hospitality đang quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng The Sailing Bay Mũi Né với công suất phòng trung bình năm lên tới 80%.
Thứ hai, tính linh hoạt và đa dạng của sản phẩm là thế mạnh tiếp theo giúp Crystal Bay Hospitality tạo nên sự khác biệt so với các tập đoàn nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Crystal Bay Hospitality cho biết, định hướng của công ty là không chỉ quản lý khách sạn 5 sao mà còn mở rộng sang phân khúc khách sạn 3 - 4 sao. Đồng thời, Crystal Bay Hospitality không phân biệt theo tiêu chuẩn như Accor hay InterContinental mà các sản phẩm hướng đến sự đa dạng, linh hoạt nhằm phù hợp với nhu cầu và đặc tính của du khách nội địa và lượng khách quốc tế đa dạng từ các quốc gia, sắc tộc khác nhau.
Trải nghiệm thị trường và sức mạnh cộng hưởng từ hệ sinh thái là yếu tố thứ ba giúp Crystal Bay Hospitality tiến từng bước vững chãi và tự tin trên hành trình từng bước xâm nhập thị trường quản lý khách sạn. Thế mạnh này của Crystal Bay Hospitality càng được phát huy trong bối cảnh phần lớn các dự án bất động sản du lịch tại thị trường Việt Nam được hoạch định độc lập mà không chú trọng đến yếu tố vận hành. Do đó các sản phẩm được đầu tư và vận hành bởi hai đơn vị khác nhau sau khi hoàn thành sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác như một khách sạn hoặc resort do thiếu các tiện ích, khu vực hậu cần hoặc dịch vụ tiền sảnh.
Cá nhân hóa trải nghiệm cũng là chặng đua quan trọng mà các doanh nghiệp Việt muốn chiếm lĩnh miếng bánh thị phần cần phải vượt qua như ông Mauro Gasparrotti từng nhận xét: “Các nhà điều hành hiện quốc tế đang không ngừng giới thiệu các thương hiệu mới, chú trọng vào các đối tượng du khách mới như khách millennial hay khách du lịch chăm sóc sức khỏe”.
Đối với chặng đua này, Crystal Bay Hospitality càng có cơ hội chứng tỏ năng lực của mình. “Chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành nên thấu hiểu được những nhu cầu dù là nhỏ nhất của từng đối tượng khách hàng cụ thể, từ đó tạo nên sự khác biệt thông qua việc cá nhân hoá trải nghiệm”, Giám đốc Crystal Bay Hospitality chia sẻ.
Hầu hết du khách lưu trú ở Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa hay The Sailing Bay Mũi Né, khi trải nghiệm sự chỉn chu trong từng chi tiết vận hành đều lầm tưởng rằng những khu nghỉ dưỡng 5 sao này được đầu tư và quản lý bởi một tập đoàn nước ngoài. Công suất phòng trung bình của những dự án này lên tới 80-90%, con số mà ngay cả tập đoàn quản lý khách sạn nước ngoài cũng mơ ước.
Thành công bước đầu của những thương hiệu quản lý khách sạn nội địa như Crystal Bay Hospitality, Vinpearl hay FLC đã làm sáng lên giấc mơ về thương hiệu du lịch của người Việt có khả năng vươn tầm quốc tế. Và, như chia sẻ của đại diện của Crystal Bay Hospitality: “Nếu các doanh nghiệp đầu tư du lịch Việt liên kết với nhau và đi đúng hướng, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao của Châu Á.”.