Giá xăng dầu đã tăng chạm mức cao nhất kể từ tháng 1 bởi dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Giá dầu Brent đạt mức 87,55 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Đầu phiên giao dịch ngày 10-8, giá dầu WTI đã giảm nhẹ, đảo ngược đà tăng của phiên giao dịch trước. Giá dầu Brent vẫn neo ở mức đỉnh mới.
Giá xăng dầu đã lấy lại được đà tăng nhờ yếu tố dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm. Ảnh minh họa |
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 9-8, giá dầu đã đạt đỉnh mới với mặt hàng dầu tiêu chuẩn toàn cầu Brent chạm mức cao nhất kể từ tháng 1 sau khi kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh và việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu chậm từ Trung Quốc.
Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 1,38 USD, tương đương 1,6%, lên mức mức 87,55 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 27-1. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,48 USD, tương đương 1,8%, lên mức 84,4 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11-2022.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày 9-8 cho thấy dự trữ xăng của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4-8, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 1,7 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng dự trữ không đổi của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters. Đáng chú ý là dự trữ xăng của Mỹ giảm mạnh so với số liệu chỉ giảm khoảng 400.000 thùng mà Viện Dầu khí Mỹ đưa ra một ngày trước đó.
Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, nhận xét sự giảm trong dự trữ các sản phẩm tinh chế tiếp tục thúc đẩy thị trường dầu mỏ tăng giá.
Các thị trường phần lớn không quan tâm đến mức tăng 5,85 triệu thùng trong dự trữ dầu thô của Mỹ, cao hơn dự kiến sau đợt giảm kỷ lục vào tuần trước.
Dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm giúp bù đắp cho một số lo ngại về nhu cầu sau khi dữ liệu của Trung Quốc đưa ra ngày 8-8 cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 7 của quốc gia Đông Á này giảm 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng giảm phát và giá tại nhà máy tiếp tục giảm trong tháng 7, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn để phục hồi nhu cầu.
Tuy nhiên, hỗ trợ giá leo dốc là kế hoạch kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa (tháng 9) của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Nga cũng cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Dữ liệu CPI của Mỹ đưa ra ngày hôm nay sẽ tác động đến biến động của giá xăng dầu. Ảnh minh họa |
Charalampos Pissouros, nhà phân tích đầu tư cao cấp của nhà môi giới XM cho biết: “Sự phục hồi mới nhất (của giá dầu) chủ yếu được thúc đẩy bởi cam kết của các nhà sản xuất lớn, như Saudi Arabia và Nga, nhằm giữ cho nguồn cung giảm trong 1 tháng nữa”.
Tuần trước, dầu đã ghi nhận tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp, chịu tác động bởi 2 yếu tố chính là nguồn cung giảm của OPEC+ và hy vọng thúc đẩy phục hồi nhu cầu dầu ở Trung Quốc.
Ngày 8-8, nội các của Saudi Arabia cho biết họ tái khẳng định sự ủng hộ đối với các biện pháp phòng ngừa của OPEC+ để ổn định thị trường.
Các thị trường hôm nay sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu CPI của Mỹ trong tháng 7, dự kiến được công bố vào hôm nay.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 10-8 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.791 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 23.963 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.612 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.270 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 16.531 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 11-8. Dự kiến giá xăng có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang, giá dầu vẫn giữ đà tăng.
Theo qđnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin