Thị trường kim loại quý này chủ yếu chịu áp lực giảm bởi đồng USD mạnh hơn và quan điểm “diều hâu” của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ảnh minh hoạ |
Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ độc lập (Juneteenth) vào ngày đầu tuần 19/6 khiến tuần giao dịch này rút ngắn chỉ còn bốn ngày. Ngay trong phiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ, giá vàng thế giới giảm trước số liệu khả quan về hoạt động khởi công xây dựng nhà ở tại Mỹ và xu hướng mạnh lên của đồng USD.
Số nhà đơn lập được khởi công xây dựng ở Mỹ trong tháng Năm đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm qua. Diễn biến này đã ảnh hưởng đến thị trường vàng vốn đang gặp nhiều trở ngại.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, cho rằng vàng đang gặp nhiều yếu tố bất lợi, khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang dịu xuống, chuỗi cung ứng được cải thiện, lãi suất đang có xu hướng được bình thường hóa, trong khi thị trường chứng khoán khởi sắc. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của ngân hàng Commerzbank đã giảm 50 USD trong ước tính giá vàng cho nửa cuối năm nay, xuống 2.000 USD/ounce, khi dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất một lần nữa trong tháng Bảy và sau đó dừng chu kỳ thắt chặt đến quý II năm sau.
Thị trường vàng vẫn diễn biến ảm đạm trong hai phiên giao dịch liền sau đó, bất chấp việc đồng USD suy yếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng sau khi phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến hoạt động mua bán vàng gần mức thấp nhất của ba tháng.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Powell cho biết các đợt tăng lãi suất tiếp theo là “một phỏng đoán khá chính xác” về hướng đi chính sách tiền tệ của Fed nếu tình hình kinh tế Mỹ tiếp tục diễn biến theo hướng hiện tại, vì cuộc chiến chống lạm phát “vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp tại chuyên trang về thị trường vàng Kitco, cho biết không có yếu tố chính nào gây áp lực lên thị trường vàng, ngoài sự kết hợp giữa lợi suất tăng và sức ép bán ra mang tính kỹ thuật.
Đà giảm của giá vàng đã được hạn chế phần nào sau khi số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đứng ở mức cao nhất trong 20 tháng vào tuần trước. Điều này có khả năng báo hiệu thị trường lao động đang suy yếu trước các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/6, giá vàng thế giới đã phục hồi nhẹ.
Tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.919,99 USD/ounce, sau khi tăng tới 1,2% nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn cũng tăng 0,3%, lên 1.929,6 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm gần 2% và hiện đã mất hơn 150 USD mỗi ounce kể từ khi vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce vào đầu tháng Năm.
Phiên này, chỉ số đồng USD tăng 0,5%, lên mức cao nhất trong một tuần so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế, khiến vàng- vốn được định giá theo đồng USD- trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ loại tiền tệ khác.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia hàng đầu về thị trường tại Blue Line Futures, nhận định Chủ tịch Fed Jerome Powell có lập trường khá ‘diều hâu’. Ông Powell ủng hộ phương án tiếp tục nâng lãi suất và điều đó khá tiêu cực đối với vàng.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, Mary Daly, cho biết rằng hai đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay là một dự báo “rất hợp lý”. Vàng rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất của Fed, vì động thái này làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng.
Chuyên gia phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: “Nhà đầu tư đang thiếu niềm tin vào vàng”.
Cũng trong phiên 23/6, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 22,34 USD/ounce, nhưng ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022. Giá bạch kim giảm 0,6% xuống 917,34 USD/ounce, chốt lại tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2022. Giá palladium ổn định ở mức 1.283,18 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 vào ngày 22/6. Palladium có thể kéo dài đà giảm giá gần 30% trong năm nay do nhu cầu của thị trường ngày càng co lại.
Theo vnanet.vn
Ảnh minh hoạ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin