17:29, 25/06/2023

Giá vàng sẽ diễn biến ra sao?

Thị trường vàng trong nước vừa trải qua nửa đầu năm 2023 ít biến động về giá, giao dịch khá trầm lắng. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, giá kim loại quý này tiếp tục diễn biến tăng - giảm đan xen nhưng xu hướng tăng sẽ chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhìn nhận đúng và lựa chọn mua vàng như một kênh tích lũy lâu dài, không nên coi mua vàng là kênh đầu cơ kiếm lời nhanh.

 

 


Sức tiêu thụ giảm

Nhìn lại thị trường vàng trong nước, có thể thấy giá biến động mạnh trong quý I-2023. Đây cũng là thời điểm giao dịch sôi động nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. Giá vàng trong nước khởi đầu năm ở mức 66 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67 triệu đồng/lượng (bán ra). Những ngày sau, giá bán giao dịch quanh mốc 67 triệu đồng/ lượng. Có ngày, giá vàng giảm tới 450.000 đồng/lượng, xuống mức 66,8 triệu đồng/lượng bởi giới đầu tư mạnh tay bán ra, nhưng sau đó lại nhanh chóng đảo chiều tăng trở lại và liên tiếp đi lên, lần lượt vượt mốc 67 triệu đồng/lượng, 67,5 triệu đồng/lượng rồi 67,9 triệu đồng/lượng.

Đặc biệt, ngày 28-1, giá vọt lên mức 68,7 triệu đồng/lượng dù cho giá thế giới có thời điểm đi xuống. Một hiện tượng lạ, đó là sát ngày vía Thần tài, giá vàng bắt đầu giảm mạnh, riêng ngày 30-1 giá vàng giảm 400.000 đồng/lượng, xuống còn 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,8 triệu đồng (bán ra). Nguyên nhân được cho là không ít nhà đầu tư đã tranh thủ bán vàng chốt lời.

Sau đó, giá có một vài lần tuột khỏi mốc 67 triệu đồng/lượng. Đáng lưu ý, ngày 8-3, giá giảm 350.000 đồng/lượng, xuống mức 65,75 triệu đồng/lượng (mua vào) - 66,45 triệu đồng/lượng (bán ra) do giá thế giới giảm trong bối cảnh Mỹ có thể tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn, đồng USD đảo chiều tăng giá trên diện rộng. Ngày cuối cùng của tháng 3, giá vàng giao dịch tại mức 66,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 66,9 triệu đồng/lượng (bán ra), thay đổi không đáng kể so với đầu năm.

Từ đầu quý II-2023 đến nay, giá diễn biến chủ yếu quanh mốc 67 triệu đồng/lượng, ngoại trừ thời điểm đầu tháng 4 giá tăng mạnh. Ngày 5-4, giá vàng SJC tăng 250.000-500.000 đồng mỗi lượng, có nơi niêm yết ở mức 66,7 triệu đồng (mua vào) - bán ra 67,5 triệu đồng (bán ra) khi giá vàng thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, mức tăng giá trong nước chậm hơn thế giới đã giúp chênh lệch giá giữa hai thị trường giảm xuống dưới 10 triệu đồng/lượng. Giao dịch trên thị trường trầm lắng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, sau 4 quý tăng liên tiếp, tiêu thụ vàng tại Việt Nam trong quý I-2023 giảm 18% so với quý I-2022. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc nhanh, thu nhập của người dân giảm, giá tiêu dùng cao là những yếu tố ảnh hưởng đến sức cầu kim loại quý trong nước. Số liệu về thị trường vàng quý II-2023 cũng như 6 tháng đầu năm 2023 chưa được cập nhật nhưng sức cầu có lẽ cũng không khả quan.

Mặc dù sức cầu vàng thời gian qua giảm song Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhận định, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản trầm lắng, người dân và nhà đầu tư vẫn quan tâm đến vàng, coi vàng là tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao.

Giá vàng có thể lên mức 2.100 USD/ounce

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khoảng 2-4 triệu đồng/lượng mới là hợp lý. Dù chênh lệch đã giảm so với mức kỷ lục 19 triệu đồng/lượng trước đó, nhưng vẫn phổ biến quanh 10-11 triệu đồng/lượng, do nguồn cung hạn chế. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp cho vấn đề này, trong đó có thể cho sản xuất thêm vàng miếng hoặc không để độc quyền vàng miếng nữa.

Về giá vàng thời gian tới, ông Huỳnh Trung Khánh dự báo, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết có thể vẫn cần tăng lãi suất nhưng với tốc độ vừa phải hơn, song tôi cho rằng việc FED có tăng lãi suất hay không cũng còn tùy thuộc vào lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong 6 tháng cuối năm. Vì vậy, giá vàng có thể sẽ đi lên. Ngoài ra, yếu tố địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động đến giá vàng. Thêm nữa, thời điểm quý III là mùa cưới và quý IV là mùa lễ hội ở châu Á nên nhu cầu về vàng sẽ tăng. “Vì vậy, từ nay đến cuối năm, giá vàng ít có khả năng giảm dưới mốc 1.900 USD/ounce. Cao nhất có thể lên tới 2.100 USD/ ounce, vượt mức kỷ lục 2.080 USD/ ounce”, ông Huỳnh Trung Khánh dự báo.

Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, giá vàng diễn biến tùy thuộc vào giá đồng USD, tình hình lạm phát và sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, giá vàng vẫn lúc tăng lúc giảm, trong đó tăng sẽ chiếm ưu thế. Giá vàng thế giới có thể xoay quanh mốc 2.000 USD/ounce. Giá vàng trong nước nhiều khả năng có thời điểm lên trên 68 triệu đồng/lượng, thậm chí chạm mức 69 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo Tín Mạnh Hải cho biết, các chuyên gia trên thế giới thiên về xu hướng giá vàng sẽ tăng, còn việc xác lập đỉnh mới hay không phụ thuộc nhiều vào tình hình địa chính trị thế giới, lạm phát, chính sách của FED trong 6 tháng cuối năm. Trong nước, do giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn giá thế giới nhiều nên khả năng tăng giá của vàng SJC sẽ không cao.

Theo hanoimoi.vn