Giá mua và bán USD của các ngân hàng thương mại ngày càng tăng cao, lên hơn 1,1%. Đây là mức chênh lệch khá cao trong hệ thống ngân hàng thương mại từ trước đến nay.
Giá mua và bán USD của các ngân hàng thương mại ngày càng tăng cao, lên hơn 1,1%. Đây là mức chênh lệch khá cao trong hệ thống ngân hàng thương mại từ trước đến nay.
Các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng giá USD lên mức cao. Eximbank mua vào lên 23.530 - 23.550 đồng, bán ra 23.790 đồng. Giá mua USD tại Vietcombank lên 23.485 - 23.515 đồng, bán ra 23.795 đồng… Giá bán USD của các ngân hàng thương mại ngày càng cao hơn Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, lên 90 - 95 đồng/USD. Không những vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán USD của ngân hàng thương mại đẩy lên cao 280 đồng, tương ứng hơn 1,1%. Đây là mức chênh lệch khá lớn của USD và giúp các ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn kiếm lời.
Chỉ số USD-Index giảm nhẹ 0,15 điểm, xuống còn 109,64 điểm. Những thông tin kinh tế Mỹ khả quan nhưng chỉ số lạm phát tại Mỹ cao khiến giá USD duy trì ở mức cao. Điều này càng khẳng định thêm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới sẽ tăng lãi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất, tăng lên mức cao kể từ đầu năm đến nay ở 3,859%.
Càng đến gần ngày cuộc họp của Fed, chứng khoán cũng không thể tăng điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 139,4 điểm, tương đương 0,45%, xuống 30.822,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72% xuống 3.873,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,9% xuống 11.448,4 điểm.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới do làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhưng không đủ khả năng để kiềm chế lạm phát. Nghiên cứu của World Bank ước tính, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ tụt xuống còn 0,5% và tính theo đầu người sẽ giảm khoảng 0,4%. Điều này thỏa mãn định nghĩa kỹ thuật về suy thoái toàn cầu.
Theo thanhnien