Sáng 14/3, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giảm. Giá vàng trên thế giới cũng tiếp đà lao dốc.
Sáng 14/3, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giảm. Giá vàng trên thế giới cũng tiếp đà lao dốc.
Mở cửa ngày giao dịch sáng 14/3, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 68,4 - 70,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua.
Cũng tại thị trường Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,4 – 69,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tương đương mức giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua.
Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 69,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và bán.
Trên thị trường thế giới lúc 7h15 sáng nay (14/3), giá vàng giao ngay trên Kitco giảm 21 USD còn 1.970 USD/ounce, tương đương 54,39 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, giá vàng liên tục tăng "nóng" từ phiên giao dịch 7 - 9/3, có thời điểm xô đổ mọi kỷ lục thời đại khi đạt mốc trên 74 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên sau đó, chỉ trong hai ngày 10 -11/3, giá vàng "lao dốc", trở về mốc giao dịch như đầu tuần và tiếp tục xu hướng giảm trong phiên giao dịch cuối tuần.
Theo các chuyên gia, việc giá vàng gần đây bị đẩy lên mức trên 2.000 USD/ounce chỉ là khởi đầu của một động thái mạnh mẽ hơn trong dài hạn. Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá vàng vượt mốc 2.000 USD/ounce là cuộc chiến ở Ukraine không hạ nhiệt. Do đó, giới đầu tư ra sức tích trữ vàng để làm kênh trú ẩn khi các lệnh cấm vận mà Mỹ, Phương Tây áp lên Nga ngày càng nhiều.
Dự báo trong ngắn hạn, tuy các nhà phân tích vẫn nghiêng về chiều tăng của giá vàng, nhưng tâm lý lạc quan đã giảm đáng kể so với tuần trước.
Theo vtv