Hàng loạt các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Hàng loạt các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Cùng với đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.133 đồng (giảm 5 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.200 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.782 đồng (tăng 8 đồng).
Đầu giờ sáng 13/9, đa số các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay gần như không đổi so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.140 đồng (mua) và 23.260 đồng (bán).
Vietcombank niêm yết ở mức: 23.140 đồng (mua) và 23.260 đồng (bán). Vietinbank: 23.139 đồng (mua) và 23.259 đồng (bán). BIDV: 23.145 đồng (mua) và 23.265 đồng (bán). ACB: 23.135 đồng (mua) và 23.255 đồng (bán).
Trong giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành; cộng với kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Lợi suất trái phiếu ở khu vực đồng tiền chung Euro đã chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 8 giữa những nghi ngờ liệu Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ công bố một đợt mua tài sản mới hay nới lỏng định lượng trong giai đoạn sắp tới.
Lợi suất trái phiếu chuẩn của Mỹ và Đức đã tăng lên khi cuộc chiến tranh thương mại có những biểu hiện "xuống thang" trong thời gian gần đây, nhưng vẫn ở tình trạng dễ bị ảnh hưởng trước những áp lực kinh tế vĩ mô và địa chính trị kéo dài.
Giám đốc chiến lược toàn cầu của Wells Fargo, Michael Schumacher, cảnh báo các nhà đầu tư không nên quá lạc quan về đợt tăng lợi suất gần đây của Bộ Tài chính Mỹ, khi phát biểu trong chương trình "Futures Now" của CNBC rằng mặc dù lợi suất trái phiếu đang phản ứng với một giai đoạn "tin tốt lành" ngắn ngủi, nhưng vẫn còn "rất nhiều yếu tố khó khăn ngoài kia".
Theo vietnamnet