Ngân hàng Nhà nước liên tiếp nâng tỷ giá trung tâm giữa VND với USD từ đầu năm 2019 đến nay...
Ngân hàng Nhà nước liên tiếp nâng tỷ giá trung tâm giữa VND với USD từ đầu năm 2019 đến nay...
Ngày 21/1, tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên mốc 22.870 VND, cao nhất kể từ đầu 2016 - thời điểm tỷ giá này ra đời.
Mốc 22.870 VND là kết quả của chuỗi tăng liên tiếp và khá mạnh từ đầu năm 2019 đến nay. Tính chung, tỷ giá trung tâm đã tăng 45 VND so với chốt năm 2018.
Diễn biến trên được chú ý, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND thực trên các kênh giao dịch liên ngân hàng, giữa ngân hàng với các tổ chức và dân cư, trên thị trường tự do giảm mạnh vào cuối 2018 và ổn định từ đầu 2019.
Diễn biến trên cũng có nét tương đồng với khoảng thời gian đầu năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước đều đặn nâng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn.
Lần này, quãng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới gần 1,5 tỷ USD từ đầu tháng 1/2019.
Tỷ giá trung tâm liên tiếp tăng khá mạnh như trên cũng đặt trong diễn biến biến chỉ số USD-Index và các đồng tiền lớn tương đối ổn định thời điểm này.
Theo đó, câu hỏi đặt ra: vì sao Ngân hàng Nhà nước có những bước chủ động nâng lên như vậy?
Trước hết, giai đoạn trước 2016, tỷ giá USD/VND và thị trường có tham chiếu là tỷ giá bình quân liên ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước công bố từng ngày. Tỷ giá này có tính chủ quan lớn và có rất nhiều thời điểm xơ cứng khi nằm yên với những khoảng thời gian dài trong khi thị trường liên tục vận động và có thay đổi.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây cũng thường đi cùng với các lần điều chỉnh "nhảy cóc", thường tăng 1% sau khoảng 3 - 6 tháng đứng im, cá biệt một số thời điểm khoảng cách các lần điều chỉnh được rút ngắn do thị trường biến động.
Từ đầu 2016, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Cơ chế này cũng có tính chủ quan lớn, vẫn được đặt ở cấu phần khi tính toán là cân đối vĩ mô và nội tại của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh rổ các ngoại tệ tham chiếu.
Điểm được chú ý và kéo dài cho đến nay: dù chuyển sang cơ chế tỷ giá trung tâm nhưng nó vẫn kế thừa điểm xuất phát của tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đó, mà điểm xuất phát này ở mức thấp.
Phần cao hơn của tỷ giá giao dịch trên các thị trường có ở biên độ + / - 3% so với tỷ giá trung tâm, gần như chỉ ở phần dương.
Với đặc điểm trên, trong giai đoạn khởi đầu 2018 cũng như các bước tăng đang thể hiện đầu năm nay, tỷ giá trung tâm vẫn ở mức thấp. Cụ thể, mức 22.870 VND hiện thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trên các thị trường đều trên 23.200 VND - một khoảng cách lớn.
Theo đó, có thể hiểu ý đồ của nhà điều hành muốn từng bước thu hẹp khoảng cách này, đưa tỷ giá trung tâm lên gần với "mặt bằng chung" để phản ánh hợp lý hơn thực tế thị trường.
Và sau các bước đi, tỷ giá trung tâm lên mức cao mới, làn đường theo biên độ cho phép tỷ giá thực tế trong các giao dịch trên thị trường trở nên rộng hơn, phản ánh tốt hơn các diễn biến khi có các tác động.
Dù lên các mức cao, nhưng như trên, tỷ giá trung tâm hiện vẫn rất thấp so với tỷ giá thực trên thị trường. Theo đó, khi Ngân hàng Nhà nước đang chủ động đưa nó lên một điểm cân bằng mới, tác động và ảnh hưởng mang tính thời điểm đối với thị trường gần như không thể hiện.
Nói cách khác, thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND đang ở khoảng thời gian ổn định là điều kiện, cơ hội để Ngân hàng Nhà nước chủ động dẫn dắt tỷ giá trung tâm với những bước đi nói trên.
Trong yếu tố điều kiện và cơ hội đó, "những tín hiệu bồ câu" từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc kiên nhẫn, chậm lại và thậm chí có thể tạm ngừng kế hoạch tăng lãi suất năm nay được xem là một trong những hậu thuẫn lớn từ bên ngoài.
Theo vneconomy