11:10, 30/10/2017

Xuất khẩu 10 tháng năm 2017 gần bằng cả năm 2016

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà quản lý cần sớm "tỉnh giấc" sau khi quá mải miết với những con số xuất khẩu "ấn tượng"...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà quản lý cần sớm “tỉnh giấc” sau khi quá mải miết với những con số xuất khẩu “ấn tượng”...

Trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu tiếp tục có được mức tăng trưởng ấn tượng, đạt tới 173,7 tỷ USD, gần bằng của cả năm 2016 (175,9 tỷ USD). Nếu giữ vững được đà tăng này thì năm 2017, xuất khẩu có khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò động lực chính của nền kinh tế.


10 tháng xuất siêu 1,23 tỷ USD

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2017 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 26,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 125,5 tỷ USD, tăng 22,1%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 34,7 tỷ USD, tăng 10,1%; tiếp đến là EU đạt 31,8 tỷ USD, tăng 15,7%; Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, tăng 48%. Trong khi đó, thị trường ASEAN đạt 18 tỷ USD, tăng 26,8%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, tăng 14,7%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 28,6%.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2017 đạt 18,5 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 16,6%.

Tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,6 tỷ USD, tăng 11,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 107,9 tỷ USD, tăng 29,2%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 47,1 tỷ USD, tăng 16,7%; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 38,8 tỷ USD, tăng 48,4%. ASEAN đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17%; Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8%; EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 9,7%; Hoa Kỳ đạt 7,6 tỷ USD, tăng 10,5%.

Do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nên cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2017 xuất siêu 1,1 tỷ USD, tháng 10/2017 xuất siêu 900 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2017 xuất siêu 1,23 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,40 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,63 tỷ USD.

Số liệu trên cho thấy, chưa bao giờ bức tranh xuất khẩu lại trở nên “sáng sủa” như hiện nay, với kim ngạch tăng rất cao. Bộ Công Thương dự báo nếu tốc độ tăng xuất khẩu tiếp tục được giữ vững thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD (cao hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 188 tỷ USD), tăng khoảng 13% so với mức thực hiện năm 2016.

Đây sẽ là năm đầu tiên Việt Nam đạt mức kỷ lục xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7%.

Hơn nữa, tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới dự kiến sẽ còn rất dồi dào. Bởi hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cùng với việc tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN... thì hàng hóa Việt Nam cũng bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh...

 

Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ

Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ




Tỉnh táo trước những con số ấn tượng

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc, trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế, nhưng hiện cơ cấu xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI.

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI vẫn luôn ở thế “áp đảo” và đang dần lấn lướt khu vực kinh tế trong nước khi có mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều. Điều này được chứng minh rất rõ thông qua báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2017, trong khi xuất khẩu của khu vực FDI đạt tới 125,5 tỷ USD thì xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ “vỏn vẹn” 48,2 tỷ USD.

Đáng lưu ý, mặc dù khu vực FDI vẫn luôn được coi là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam và được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng hầu như nền kinh tế trong nước hiện nay không khai thác được lợi thế của những doanh nghiệp này.

Hơn nữa, hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế chưa tương xứng. Mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hút đầu tư FDI chính là chuyển giao công nghệ, thế nhưng đến nay, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, nhất là đối với hình thức 100% FDI, thậm chí nếu có thì cũng chứa đựng những rủi ro khi tiếp nhận các công nghệ cũ do các nước dịch chuyển lên trình độ công nghệ mới.

Chính từ thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà quản lý cần sớm “tỉnh giấc” sau khi quá mải miết với những con số xuất khẩu “ấn tượng”.

Để tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI, Chính phủ cần thực hiện chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu; thực hiện các chính sách chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến...

Theo vneconomy