11:02, 22/02/2017

SAB, ROS giúp VN-Index duy trì sắc xanh

Phiên giao dịch ngày 22-2, thị trường chứng khoán có nhiều lúc rung lắc rồi điều chỉnh. Tuy nhiên, một số mã có mức vốn hóa lớn như SAB, ROS tăng giá đã giúp VN-Index tiếp tục đi lên.

Phiên giao dịch ngày 22-2, thị trường chứng khoán có nhiều lúc rung lắc rồi điều chỉnh. Tuy nhiên, một số mã có mức vốn hóa lớn như SAB, ROS tăng giá đã giúp VN-Index tiếp tục đi lên.

Hôm qua (21-2), thị trường ghi nhận mức tăng điểm khá, thanh khoản giảm nhẹ so với phiên liền trước nhưng vẫn ở mức cao so với giá trị trung bình giao dịch toàn thị trường từ đầu năm đến nay. Một số nhận định cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng tới ngưỡng 720 điểm trong hôm nay. Tuy nhiên, khi tới gần sát ngưỡng trên, thị trường đã rung lắc đáng kể, thậm chí điều chỉnh giảm.
 
 

Diễn biến của VN-Index phiên ngày 22-2
Diễn biến của VN-Index phiên ngày 22-2



Trong phiên ngày 22-2, lúc đầu VN-Index tăng 1,22 điểm, tương ứng 0,17%, lên 717,77 điểm, có lúc chỉ số chung tăng lên mức hơn 718 điểm. Sau đó, thị trường bắt đầu rung lắc bởi nhiều nhà đầu tư chốt lời. Hầu hết thời gian giao dịch phiên chiều, VN-Index hiện sắc đỏ. Rất may, về cuối phiên, một số cổ phiếu lớn tăng giá giúp chỉ số chung xanh trở lại. Đóng cửa thị trường, VN-Index nhích 0,69 điểm, lên 717,24 điểm trong khi VN30-Index còn 668,61 điểm sau khi hạ 2,91 điểm (-0,43%).

Sở dĩ VN-Index và VN30-Index diễn biến trái chiều bởi cổ phiếu nằm trong rổ VN30 giảm giá chiếm ưu thế, trong khi đó, mã có mức vốn hóa lớn thứ hai thị trường là SAB (Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn) và thứ 7 thị trường là ROS (Công ty cổ phần Xây dựng FLC FAROS) nằm ngoài nhóm VN30 tăng lần lượt 4.700 đồng/cổ phiếu và 1.100 đồng/cổ phiếu. Chính sự lên giá của hai mã này đã góp phần quan trọng giúp cho VN-Index tăng điểm dù cho cổ phiếu toàn thị trường giảm giá chiếm ưu thế (148 mã đi xuống, 111 mã đi lên).

Phiên này, cổ phiếu ngân hàng bị bán khá mạnh, vì vậy nhiều mã xuống giá: BID, CTG, EIB, VCB giảm 100-500 đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản, ngoại trừ HQC tăng kịch trần 170 đồng với khối lượng giao dịch đạt mức khủng, FLC tăng 160 đồng, những cổ phiếu khác khá yếu: BCI, HDG, VIC hạ 250-750 đồng. Cổ phiếu thép cũng bị bán nhiều: HPG giảm 2.050 đồng, HSG hạ 1.200 đồng, TLH mất 250 đồng. Cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực: GAS tăng 2.300 đồng, PVT, PXS và PVD tăng 100-400 đồng.

Giao dịch trên thị trường đạt mức cao với 231,763 triệu cổ phiếu và xấp xỉ 3.900 tỷ đồng được chuyển nhượng. HQC đạt khối lượng giao dịch lớn nhất với 31,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, chiếm tới gần 15% thị trường, tiếp đến là FLC với hơn 27 triệu cổ phiếu được sang tay, đóng góp gần 13% lượng giao dịch cho thị trường, HAG (11,5 triệu cổ phiếu), HPG (gần 8 triệu cổ phiếu)…

Trên sàn Hà Nội, tổng lượng giao dịch đạt gần 61 triệu cổ phiếu và hơn 512 tỷ đồng. Lực bán khá lớn khiến các chỉ số tại đây đều đi xuống: HNX-Index giảm 0,24 điểm, còn 86,62 điểm; HNX30-Index hạ 0,17 điểm, xuống 158,57 điểm…

Theo hanoimoi