05:02, 07/02/2017

Chuyển biến tích cực

Từ vùng núi, nông thôn đến thành thị, người tiêu dùng bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Đó là chuyển biến tích cực, rõ rệt nhất mà Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mang lại.

Từ vùng núi, nông thôn đến thành thị, người tiêu dùng bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Đó là chuyển biến tích cực, rõ rệt nhất mà Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang lại.

Nhiều hoạt động thiết thực


Những năm qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, các thành viên Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn tài liệu tuyên truyền về CVĐ, thường xuyên chỉ đạo ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan báo chí của tỉnh, đội ngũ báo cáo viên đẩy mạnh tuyên truyền nhằm định hướng, nâng cao hiệu quả của CVĐ. Các nội dung tuyên truyền còn được chuyển tải trên các bản tin định kỳ và trang web của các đoàn thể, sở, ngành. Năm 2016, Báo Khánh Hòa đã đăng tải hơn 250 tin, bài; Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đăng tải hơn 190 tin và 100 bài, phóng sự; Cổng thông tin điện tử tỉnh đăng 12 bài viết tuyên truyền về CVĐ…

 

Người dân chọn mua hàng hóa của doanh nghiệp địa phương Khánh Hòa tại siêu thị
Người dân chọn mua hàng hóa của doanh nghiệp địa phương Khánh Hòa tại siêu thị


Công tác xử phạt các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được quan tâm nhằm xây dựng lòng tin về hàng Việt cho người tiêu dùng. Năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện 3.395 lượt kiểm tra, kiểm soát; phát hiện 808 vụ vi phạm, xử lý 805 vụ, thu nộp ngân sách hơn 3,6 tỷ đồng. Lực lượng công an cũng tổ chức kiểm tra và xử lý 85 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 2,6 tỷ đồng. Lực lượng biên phòng, thanh tra ngành Y tế, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh… tiến hành hơn 100 lượt kiểm tra, xử lý vi phạm và thu nộp ngân sách hơn 2,4 tỷ đồng.
 


Hưởng ứng CVĐ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đưa ra những chính sách, chiến lược kinh doanh mới để kích cầu tiêu dùng; điều chỉnh lại sản xuất phù hợp với chất lượng, giá cả và thị hiếu của người tiêu dùng nên hàng nội ngày càng được quan tâm, tin dùng nhiều hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn chủ động tham gia hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn để mở rộng thị trường và nâng cao thương hiệu. Năm qua, Khánh Hòa đã tổ chức 9 hội chợ (770 doanh nghiệp tham gia), 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn (62 doanh nghiệp tham gia)…


Còn nhiều việc cần làm


Bà Trần Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng gắn mác Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân. Vì vậy, nông dân ngày càng có xu hướng hưởng ứng, tin dùng hàng Việt Nam có uy tín. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản đang mở ra hướng đi mới, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, công tác quản lý nhãn hiệu tập thể còn lúng túng, một số nơi bị lạm dụng, giá bán nông sản đã xây dựng nhãn hiệu chưa đạt như mong đợi và chưa xứng đáng với công sức của nông dân bỏ ra. Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt 45,3%; bệnh viện tuyến huyện đạt 72,5%. Để thực hiện hiệu quả Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, ngành Y tế sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các bác sĩ, thầy thuốc trong việc tư vấn, kê đơn thuốc cho người bệnh.


Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đánh giá, năm qua, CVĐ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân trong tỉnh. Ban chỉ đạo đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, sở, ngành triển khai thực hiện tốt các nội dung của CVĐ với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương.


Ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh cho biết: “Bên cạnh những chuyển biến tích cực, kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: sự kết nối giữa ban chỉ đạo với các doanh nghiệp chưa mạnh; hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường làm ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng về hàng Việt Nam; điều kiện kinh phí cho hoạt động của ban chỉ đạo cấp huyện, cơ sở còn nhiều hạn chế… Thời gian tới, các đơn vị, đoàn thể cần chú trọng tuyên truyền thông qua các hội thảo, hội nghị, phương tiện truyền thông để CVĐ lan tỏa hơn. Ban chỉ đạo của tỉnh sẽ kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương quan tâm, hỗ trợ Khánh Hòa tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, kinh phí...”.


MAI HOÀNG