Giá dầu thế giới tăng mạnh sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng vào đầu năm sau, lần đầu tiên sau tám năm. Điều này cũng gây áp lực lên giá xăng dầu trong nước.
Giá dầu thế giới tăng mạnh sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng vào đầu năm sau, lần đầu tiên sau tám năm. Điều này cũng gây áp lực lên giá xăng dầu trong nước.
Giá dầu thế giới tăng gây áp lực lên giá xăng dầu bán lẻ trong nước |
Sau nhiều nỗ lực bất thành nhằm cứu vãn giá dầu - nguồn thu nhập chính của nhiều thành viên, OPEC ngày 30-11 đã thống nhất được kế hoạch cắt giảm mạnh tay 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 4,5% sản lượng của khối và 1% sản lượng toàn cầu.
Theo Bloomberg, kế hoạch đã nhận được sự ủng hộ của ba thành viên quan trọng là Saudi Arabia, Iran và Iraq, chưa kể quốc gia ngoài khối là Nga.
Chỉ duy nhất Indonesia phản đối thỏa thuận, nhưng OPEC cho biết quyết định của Jakarta không ảnh hưởng đến kế hoạch.
“Tin tốt lành cho kinh tế toàn cầu”
Theo thỏa thuận, Saudi Arabia sẽ là nước có mức cắt giảm lớn nhất, khoảng 486.000 thùng/ngày, xuống còn 10,1 triệu thùng/ngày.
Iraq giảm 210.000 thùng/ngày (còn 4,4 triệu thùng/ngày), UAE giảm 139.000 thùng/ngày (còn 2,9 triệu thùng/ngày) và Kuwait giảm 131.000 thùng/ngày, trong khi Iran được đồng ý tăng nhẹ sản lượng lên mức 3,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Libya và Nigeria được miễn thực hiện cắt giảm.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Vienna (Áo), Chủ tịch OPEC và cũng là Bộ trưởng năng lượng Qatar Mohammed al-Sada khẳng định đây là một bước tiến lớn và là thời khắc lịch sử để giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa.
Theo ông, thỏa thuận mới sẽ giúp tăng tốc lạm phát toàn cầu lên mức “lành mạnh hơn”, trong đó có Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih mô tả đây là tin tốt lành cho thị trường dầu mỏ và cả nền kinh tế toàn cầu.
Dự kiến các thành viên sẽ họp lại vào cuối tháng 5-2017 để xem xét việc kéo dài thỏa thuận thêm sáu tháng.
Ngoài ra, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất không phải thành viên OPEC là Nga cũng tuyên bố sẵn sàng giảm 300.000 thùng/ngày vào năm sau để ủng hộ thỏa thuận của khối.
Đây là lần đầu tiên từ năm 2001, Matxcơva cùng OPEC cắt giảm sản lượng. OPEC dự kiến tổ chức đối thoại với các nhà sản xuất khác ngoài khối vào đầu tuần sau ở Doha (Qatar).
Không loại trừ “cắt” nhưng “không giảm”
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn tỏ ra thận trọng với kế hoạch cắt giảm của OPEC, nhất là quá trình triển khai thỏa thuận, bởi OPEC không có quyền buộc các nước thành viên phải tuân thủ việc cắt giảm.
Trong quá khứ đã có nhiều trường hợp các thành viên gian lận khi sản xuất nhiều hơn chỉ tiêu. Sức mạnh của thỏa thuận phụ thuộc vào việc liệu tất cả các bên có thực hiện cam kết hay không.
Saudi Arabia cùng các đồng minh vùng Vịnh là UAE và Kuwait thường sẽ tuân thủ, nhưng một số thành viên sẽ không, đặc biệt là khi giá dầu đang rất thấp.
Bất cứ sự bất an nào trong thị trường có thể một lần nữa gây sức ép lên giá dầu. Cơn ác mộng sụt giảm giá dầu đã ám ảnh nhiều thành viên OPEC trong thời gian qua.
Doanh thu của khối từ dầu mỏ trong năm nay vào khoảng 341 tỉ USD, giảm mạnh so với 753 tỉ của năm 2014 và đỉnh điểm 920 tỉ của năm 2012.
Ngoài ra, theo ông Spencer Welch - giám đốc Tổ chức năng lượng IHS, “các thành viên OPEC vẫn còn bất đồng về cách thức đo lường sản xuất, vì vậy sẽ rất khó để giám sát”.
Giới phân tích cũng cảnh báo việc giá dầu có thể tăng sẽ sớm thu hút các nước bên ngoài thỏa thuận như Mỹ gia tăng sản lượng, chưa kể đà tăng giá sẽ không kéo dài lâu bởi nhiều nhà đầu cơ ở châu Á sẽ tranh thủ mua dầu ở tầm giá 40 USD.
Trong khi đó, Ngân hàng Barclays của Anh cho rằng “đây chỉ là một thỏa thuận cắt giảm mức sản xuất, không phải mức xuất khẩu”.
Còn nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS Group AG lo ngại về khoảng thời gian từ nay đến khi OPEC bắt đầu thực hiện thỏa thuận. “Tháng 1-2017 còn rất xa và chúng ta sẽ vẫn thấy mức sản xuất kỷ lục trong tháng 12” - ông cho biết.
Thông tin OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu ngay lập tức đã ảnh hưởng tích cực đến các thị trường hàng hóa, đặc biệt là giá dầu.
Trên sàn giao dịch dầu mỏ London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2-2017 đã tăng hơn 0,36 USD, lên mức 52,2 USD/thùng, cao nhất trong vài tháng qua, trong khi giá dầu thô tại Mỹ cũng gần chạm mức 50 USD/thùng, tăng gần 10% chỉ sau một đêm.
Tại thị trường Mỹ, chỉ số chứng khoán Dow Jones đã có mức tăng kỷ lục trong phiên sáng 30-11, trong khi tỉ giá đồng USD so với đồng yen của Nhật đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua.
Giá cổ phiếu thị trường Hong Kong và Trung Quốc tăng gần 1%, trong khi chỉ số Nikkei tăng thêm 2,26%, lên mức cao nhất trong 11 tháng. Các thị trường khác phản ứng tích cực như Úc tăng 0,6%, Hàn Quốc tăng 0,1% và Philippines tăng 2%.
Theo tuoitre