10:10, 06/10/2016

Chứng khoán chiều 6/10: Lại dìm cuối phiên

Đến hôm nay đã là phiên thứ 3 thị trường cứ lặp lại kịch bản chỉ số bị ép xuống cuối phiên chiều...

Đến hôm nay đã là phiên thứ 3 thị trường cứ lặp lại kịch bản chỉ số bị ép xuống cuối phiên chiều...

 

VN-Index bị ép khá mạnh chiều nay, giống 2 phiên trước
VN-Index bị ép khá mạnh chiều nay, giống 2 phiên trước



Đến hôm nay đã là phiên thứ 3 thị trường cứ lặp lại kịch bản chỉ số bị ép xuống cuối phiên chiều. VN-Index đóng cửa chiều nay thiếu chút nữa thì rơi qua tham chiếu. VN30-Index thậm chí còn giảm.



VN-Index chốt phiên với mức tăng rất mong manh: 0,04% hay 0,28 điểm. Chỉ cần có cổ phiếu vốn hóa trung bình nào đó giảm thêm hay VNM không được “kéo vớt” lên giá 142.000 đồng thì có lẽ chỉ số đã đỏ.



VN30-Index đóng cửa giảm 0,13% so với tham chiếu. Tính ra chỉ số này đã giảm tới 0,61% so với đỉnh trong ngày. Độ rộng của rổ Vn30 cũng không phải là kém: 15 mã tăng/10 mã giảm. Tuy nhiên số giảm lại có mặt những mã vốn hóa lớn.


Ảnh hưởng nhiều nhất là VIC, cổ phiếu rơi 2,51%. So với phiên sáng, VIC cũng đánh mất tới 7 bước giá, trở thành một trong những blue-chip yếu nhất chiều nay. BVH là cổ phiếu biến động lớn nhất khi giảm tới 15 bước giá so với phiên sáng. BVH từ 73.500 đồng còn 72.000 đồng, đóng cửa giảm 1,23% so với tham chiếu. Tuy nhiên vốn hóa BVH không quá lớn (thứ 8 trên HSX) nên tác động tới VN-Index cũng vừa phải.


Cổ phiếu ảnh hưởng lớn thứ hai sau VIC là GAS. GAS đánh mất 10 bước giá so với phiên sáng và đóng cửa giảm 1,54%. Vốn hóa của GAS gấp 3 lần BVH và phối hợp với VIC, tạo nên sức ép rất lớn cho VN-Index.


Tuy nhiên cũng không thể chỉ đổ lỗi cho VIC, GAS, BVH hay HPG, MSN giảm giá đẩy chỉ số tụt dốc chiều nay. Phần lớn cổ phiếu trong rổ VN30 cũng thật sự đã yếu đi. So với phiên sáng, rổ này có tới 20 cổ phiếu giảm giá và chỉ 7 mã tăng cao hơn.


Trong số tăng cao hơn này có VNM, trụ lớn nhất thị trường. VNM từ 141.700 đồng tăng lên 142.000 đồng, đóng cửa trên tham chiếu 1,14%. Đây là mức tăng trong ngày khá nhất 9 phiên của VNM và đưa giá lên cao nhất trong 15 phiên.


Hỗ trợ cho VNM là VCB tăng 0,39%, STB tăng 2,78%, MBB tăng 1,02%, MWG tăng 0,59%. Trong số này thì VCB không tăng so với phiên sáng, MWG thực chất là giảm 6 bước giá, chỉ có STB và MBB tăng rất nhẹ.


Sàn HNX chiều nay có lợi thế khá lớn là ACB đã tìm lại được mức tham chiếu, bớt đi gánh nặng. SHB vẫn duy trì được mức tăng kịch trần. Độ rộng của sàn này vẫn khá tốt và HNX-Index đóng cửa tăng 0,51%, HNX30 tăng 0,88%.

Thanh khoản hai sàn phiên chiều nay không tốt, giao dịch thấp hơn chiều hôm qua một chút, chỉ đạt 1.183,1 tỷ đồng. Tuy thế nhờ một phiên sáng giao dịch sôi động, tổng giá trị khớp lệnh cả ngày hôm nay vẫn cải thiện gần 17% so với hôm qua, đạt 2.835,8 tỷ đồng. Giá trị thỏa thuận cao cũng giúp tổng thanh khoản toàn thị trường tăng gần 27%.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay có một phiên mua ròng tốt tính theo giá trị dù bán ròng tính theo khối lượng. Do các cổ phiếu thị giá thấp bị bán ra rất lớn về khối lượng, nhưng giá trị lại nhỏ. Ngược lại, các blue-chips lớn nhất được mua ròng tốt nên dòng tiền vào ở mức dương.

Cụ thể, khối ngoại xả ròng tới gần 5 triệu OGC nhưng chỉ tương đương 5,8 tỷ đồng. ITA bị bán ròng chưa tới 3,1 tỷ đồng. Ngược lại, chỉ riêng VNM được mua ròng chưa tới 450.000 cổ phiếu đã tương đương 63,5 tỷ đồng.

Tính theo giá trị ròng, khối ngoại mua lớn nhất VNM, tiếp đến là PVD (20,9 tỷ), HPG (13,2 tỷ), MSN (12,4 tỷ), NT2 (7,6 tỷ). Bán ròng lớn nhất là HSG (-16,3 tỷ), VIC (-16 tỷ), SSI (-14,2 tỷ), CTD (12,9 tỷ), BID (8,3 tỷ).

Tổng giá trị mua vào qua khớp lệnh hai sàn đạt 289,6 tỷ đồng, tăng 28% so với hôm qua, bán ra 219,6 tỷ, xấp xỉ phiên trước. Giao dịch thỏa thuận ròng ở HNX thêm hơn 5 tỷ và HSX thêm 12,3 tỷ đồng.

 

Theo vneconomy