06:03, 31/03/2016

Chứng khoán sáng 31/3: Lại thất bại trước 570 điểm

Kể cả khi hai trụ lớn là VIC và VNM đều tăng giá sáng nay, nhưng VN-Index vẫn không thể chinh phục ngưỡng 570 điểm lần nữa...

Kể cả khi hai trụ lớn là VIC và VNM đều tăng giá sáng nay, nhưng VN-Index vẫn không thể chinh phục ngưỡng 570 điểm lần nữa...

 



VN-Index cuối phiên sáng dù có VNM được kéo lên và VIC cố gắng giữ mức tăng, nhưng vẫn lùi xuống dưới tham chiếu - Ảnh: TVSI.



Kể cả khi hai trụ lớn là VIC và VNM đều tăng giá sáng nay, nhưng VN-Index vẫn không thể chinh phục ngưỡng 570 điểm lần nữa.

Giống như vài phút cuối phiên chiều qua, chỉ số này đánh mất ngưỡng tâm lý nói trên chỉ trong nhịp giảm ngắn trước giờ nghỉ.

Đỉnh cao nhất VN-Index đạt được sáng nay là 570,94 điểm ngay sau 11h. Đó là nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn được kéo lên mạnh, mà tiêu biểu là VIC. Nhịp tăng của VIC gia tốc từ 10h30 và VN-Index cũng phục hồi đúng thời gian nay. Khi VIC đạt đỉnh 47.500 đồng và kéo dài tới 11h4’, VN-Index cũng xác lập đỉnh tại đây.

Khi VIC yếu đi một chút về cuối phiên, thị trường cũng bắt đầu nguội xuống. VNM những phút này bắt đầu xuất hiện các lệnh mua 10 cổ phiếu để tạo giá tăng. Giao dịch này có tác dụng, VN-Index dập dình sát mức 570 điểm nhưng vẫn không thể nào bứt lên dứt khoát được vì rốt cục lực đẩy vẫn thiếu ở nhiều cổ phiếu khác.

Chốt phiên sáng VN-Index dừng lại 569,83 điểm, giảm nhẹ 0,01% so với tham chiếu. Độ rộng của sàn này nghiêng nhẹ về phía giảm, với 111 mã giảm/94 mã tăng. VN30-Index vẫn tăng được 0,18% với 10 mã tăng/9 mã giảm.

VIC là chủ công của VN-Index trong sáng nay, VNM chỉ là yếu tố hỗ trợ mang tính thời điểm. Những cổ phiếu khác như HPG, FPT, PPC, SBT, SSI, BID cũng tăng, nhưng lực đẩy là kém.

Lực kéo xuống cản trở đà tăng của VN-Index có 4 mã vốn hóa lớn là GAS giảm 2,09%, VCB giảm 0,48%, CTG giảm 0,6% và MSN giảm 0,69%. MSN có thể đang chịu tác động không nhỏ từ diễn biến bất lợi của cổ phiếu công ty con là MSR ở UpCom. MSR đang rơi vào trạng thái giảm cực đoan sau những ngày được đẩy giá lên rất cao. Cổ phiếu này bị dư bán sàn 1,31 triệu đơn vị.

GAS nói riêng và các mã dầu khí nói chung vẫn là gánh nặng đáng quan ngại nhất ở hai sàn. Giá dầu sụt giảm sáng nay có phần ảnh hưởng, nhưng yếu tố lớn hơn là nhịp điều chỉnh sau khi đã tăng rất mạnh trước đó. GAS bước sang phiên giảm thứ 3 liên tục. PVD cũng mất 2,04%, PVS giảm 1,86%, PVC giảm 0,73%, PVB giảm 0,43%, PGS giảm 0,51%.

Tuy nhiên, các mã dầu khí đã không khiến HNX sụt giảm. Thậm chí SHB giảm 1,54% cũng được ACB kéo lại bằng mức tăng 3,39%. Những mã tăng tốt khác là VND, PVG, BCC, AAA. HNX-Index vẫn đang tăng 0,38% nhờ 90 mã tăng/85 mã giảm. HNX30-Index tăng 0,16% với 10 mã tăng/13 mã giảm.

Thanh khoản thị trường không khởi sắc thêm trong phiên tăng sáng nay. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ xấp xỉ sáng hôm qua, đạt 1.150,9 tỷ đồng. Mức thanh khoản này phần lớn là nhờ HSX (HNX giao dịch giảm 20%). Sàn này lại tập trung phần lớn vào 6 mã dẫn đầu khớp trên 20 tỷ đồng giá trị, là SBT, HPG, VNM, VIC, CDO và DRC. 6 mã này chiếm khoảng 24% giá trị sàn.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua khá tốt trong ngày cuối cùng của tháng 3. Nếu không tính vài giao dịch thỏa thuận lớn ở MSN là TCL thì mức mua khớp lệnh tại HSX cũng là 91,5 tỷ đồng, cao nhất 10 phiên sáng. HPG, SSI, VIC, CII trở thành những mã được hỗ trợ tốt nhất do giao dịch lớn của khối ngoại xuất hiện trên cung cầu khớp lệnh.

Theo vneconomy