Những ngày sau Tết nguyên đán Bính Thân 2016, thị trường vàng trong nước đã có tín hiệu tích cực: Giá diễn biến sát với giá thế giới, chênh lệch giá giữa hai thị trường co mạnh còn khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng, ...
Những ngày sau Tết nguyên đán Bính Thân 2016, thị trường vàng trong nước đã có tín hiệu tích cực: Giá diễn biến sát với giá thế giới, chênh lệch giá giữa hai thị trường co mạnh còn khoảng 400.000 - 500.000 đồng/lượng, thay vì mức phổ trên 3 triệu đồng/lượng như trước, thậm chí có thời điểm lên tới 5 triệu đồng/lượng.
Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới tốt hơn, đồng USD mạnh lên khiến vàng giảm bớt sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, vì thế giá vàng quốc tế giảm khá mạnh kéo theo sự đi xuống của giá kim loại quý trong nước (giá thế giới giảm hơn 10%, giá trong nước hạ 2,3 triệu đồng/lượng). Thế mới thấy, “chơi” vàng thật rủi ro!. Còn nhớ, hồi năm 2010-2011 giá vàng tăng như vũ bão, thời điểm tháng 8/2011 giá leo lên tới 49 triệu đồng/lượng. Những ai “ôm” vàng lúc đó thì nay đã bị lỗ nặng, còn nếu ai mua vàng hồi đầu năm 2015 cũng chịu chung số phận nhưng mức lỗ thấp hơn.
Năm qua, thị trường vàng trong nước nhìn chung ổn định, mặt hàng này không còn chiếm vị trí độc tôn như trước đây, người dân cứ mỗi khi mua gì cũng quy ra vàng. Cùng với đó, không còn xuất hiện tình trạng người dân ùn ùn xếp hàng mua theo tâm lý “bầy đàn” lúc giá có biến động mạnh. Trong năm, chỉ một vài lần giá tăng đột biến biến do nguyên nhân khách quan là chủ yếu, như giá thế giới tăng mạnh hoặc tỷ giá trong nước có sự biến động mạnh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, năm 2015, tại nhiều thời điểm thị trường thế giới biến động đột biến nhưng thị trường trong nước vẫn cơ bản ổn định, cung-cầu tương đối cân bằng. Thị trường vàng tự điều tiết theo quy luật cung-cầu, Ngân hàng Nhà nước không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hóa tiếp tục được ngăn chăn, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới xuống còn khoảng 500.000 đồng/lượng |
Có thể nói, với Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường đã đi vào nền nếp.
Thị trường vàng ổn định là vậy nhưng có một điều không chỉ năm qua mà nhiều năm trước còn tồn tại, đó là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức rộng. Cũng năm 2015, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới phổ biến 3 triệu đồng/lượng, có lúc lên 4 triệu đồng, thậm chí là 5 triệu đồng/lượng. So với những năm nước, mức chênh lệch trên đã có sự cải thiện, đặc biệt so với thời điểm năm 2013 có lúc chênh lệch giá lên đến hơn 6 triệu đồng/lượng, nhưng nhìn chung vẫn còn rộng.
Trước đây, mỗi khi chênh lệch giá vàng nới rộng thì nguyên nhân được cho là do cung-cầu thị trường, đặc biệt là nhu cầu về vàng của người dân cao, nhất là nhu cầu vàng để cân đối trạng thái vàng, tất toán trạng thái vàng của ngân hàng khi các nhà băng phải ngừng huy động, cho vay bằng vàng. Nhưng sau đó nhu cầu về vàng của cả người dân không còn cao, các ngân hàng cũng hoàn thành tất toán trạng thái vàng thì chênh lệch giá giữa hai thị trường thu lại không là bao.
Tuy nhiên, từ sau Tết nguyên đán, hiện tượng hiếm đã xuất hiện trên thị trường là chênh lệch giá vàng nhanh chóng co hẹp. Đáng chú ý, ngày 13/2 (tức mồng 6 tháng Giêng), nhiều doanh nghiệp vàng mở cửa khai xuân, giá được điều chỉnh tăng mạnh theo thế giới nhưng tốc độ tăng vẫn chậm hơn nhiều, nhờ đó chênh lệch giá giữa hai thị trường co còn dưới 1 triệu đồng/lượng. Những ngày tiếp theo, chệch lệch giá về mức phổ biến là 500.000-600.000 đồng/lượng, và đến hôm nay còn khoảng 400.000 đồng/lượng-mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thực ra, những ngày đầu tháng 2/2016, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã có do dấu hiệu co hẹp khi còn 2,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với mức 3,8 triệu đồng/lượng hồi cuối năm năm 2015.
Sở dĩ chênh lệch giá được co hẹp nhanh trước hết là xuất phát từ thị trường quốc tế. Những ngày trước và sau Tết nguyên đán, thị trường vàng thế giới biến động mạnh, tăng theo chiều thẳng đứng đến chóng mặt, đỉnh điểm có phiên chạm mức 1.260,6 USD-mức cao nhất kể từ tháng 2/2015 bởi đồng USD, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, giới đầu tư lo ngại về tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu nên vàng được nhiều người lựa chọn làm nơi trú ẩn an toàn. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, sức cầu thấp nên giá không tăng tương ứng. Ngoài ra, có thể cũng có sự tác động của cơ quan quản lý. Những năm gần đây, việc chống vàng hóa và đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ đã được đẩy mạnh, thị trường vàng ổn định là sự thành công lớn. Và bây giờ đã đến lúc đưa giá vàng trong nước bám sát giá thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức khoảng 500.000 đồng/lượng được cho là hợp lý.
Rõ ràng, giá vàng trong nước về sát giá thế giới sẽ có tác động tích cực, giúp thị trường trở nên quân bình hơn, giảm hiện tượng đầu cơ vàng; đồng thời góp phần giảm tình trạng buôn lậu vàng, bởi mức chênh lệch giá vàng còn lớn thì còn tình trạng buôn lậu mặt hàng này. Cùng với đó, người dân mua vàng đỡ rủi ro hơn.
Chênh lệch giá vàng về mức hẹp như vậy liệu có giữ được lâu hay chỉ là nhất thời? Đây là câu hỏi cần thời gian để trả lời. Tuy nhiên, với hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, người dân tin vào tiền đồng, USD không còn hấp dẫn như trước, đặc biệt là có sự can thiệp của cơ quan quản lý thì mức chênh lệch hẹp này sẽ được duy trì.
Theo hanoimoi