11:12, 13/12/2015

Thị trường rau sạch: Tín hiệu vui cho người tiêu dùng

Trước nhu cầu bức thiết của người dân về mặt hàng rau sạch, một số nhà kinh doanh đã liên kết với các địa chỉ sản xuất rau có uy tín, được chứng nhận để đưa rau sạch đến với người tiêu dùng.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân về mặt hàng rau sạch, một số nhà kinh doanh đã liên kết với các địa chỉ sản xuất rau có uy tín, được chứng nhận để đưa rau sạch đến với người tiêu dùng (NTD).

Rau sạch vào siêu thị


Với mong muốn cung cấp cho NTD thực phẩm sạch, trong đó có nhóm hàng rau xanh, Siêu thị thực phẩm sạch 3F (đường Pasteur, TP. Nha Trang) ưu tiên chọn địa chỉ sản xuất uy tín ngay trên địa bàn tỉnh. Phần lớn sản phẩm rau xanh của siêu thị này do Công ty TNHH TM-DV Hiệp Nông Phát (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) cung cấp, được sơ chế và bảo quản kỹ lưỡng từ khâu thu hoạch, vận chuyển đến đóng gói bao bì. Công ty Hiệp Nông Phát cũng đảm bảo những mặt hàng rau củ này được sản xuất theo quy trình VietGAP.

 

Người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm rau, trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP tại siêu thị
Người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm rau, trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP tại siêu thị


Các siêu thị: Big C Nha Trang và Maximark Nha Trang cũng bán các loại rau xanh được lấy từ Tổ liên kết rau VietGAP xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa). Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Khoảng giữa tháng 12, chi cục sẽ tổng kết mô hình sản xuất rau VietGAP ở xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang). Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP xã Vĩnh Phương đã được thành lập và sẽ ký cam kết cung cấp rau sạch cho các siêu thị trên địa bàn TP. Nha Trang. Như vậy, sắp tới, thị trường rau sạch sẽ có thêm nhà cung cấp để lựa chọn”.


 Hiện nay, tại quầy rau củ của Siêu thị Co.opmart Nha Trang, khách hàng dễ dàng nhận thấy các loại rau củ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và ghi rõ “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Ngoài các mặt hàng rau xanh được ghi xuất xứ từ Đà Lạt, ở đây cũng có nhiều loại rau được lấy từ Tổ liên kết rau VietGAP xã Ninh Đông. Ông Lương Quốc Thịnh - Trưởng bộ phận Marketing Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết: “Mỗi ngày, siêu thị lấy khoảng 300kg rau từ Tổ liên kết rau VietGAP xã Ninh Đông. Chúng tôi cam kết bán hàng rau củ, trái cây không thuốc trừ sâu, không bán hàng Trung Quốc, không bán hàng kém chất lượng”. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong tháng 12, Co.opmart Nha Trang sẽ là đơn vị đầu tiên được chi cục chọn triển khai thí điểm việc dán nhãn sản phẩm được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau củ, thịt gia cầm...


Tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng


Thời gian qua, hàng loạt thông tin trái cây tẩm hóa chất, rau bị lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích... khiến NTD lo ngại. Vì vậy, tuy đã có các sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn, được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP nhưng việc tạo dựng niềm tin cho NTD không dễ. Bà Đoàn Thị Mai Phương (đường Phan Chu Trinh, TP. Nha Trang) cho rằng, mua rau ở siêu thị yên tâm hơn phần nào so với mua ở chợ nhưng vẫn chưa thật sự tin tưởng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có sự giám sát chất lượng.

 

VietGAP (cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Đây là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết, chi cục thường xuyên kiểm tra, theo dõi các cơ sở sản xuất việc tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về quá trình trồng, đặc biệt là sổ ghi chép các loại thuốc bảo vệ thực vật, liều lượng, thời gian phun thuốc, ngày thu hoạch, đơn vị thu mua, quy trình vận chuyển... Vì vậy, chi cục đảm bảo về chất lượng các sản phẩm rau được sản xuất từ Tổ liên kết rau VietGAP xã Ninh Đông và Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP xã Vĩnh Phương. Bên cạnh đó, hàng năm, chi cục đều lấy mẫu rau ở các chợ, đơn vị kinh doanh để giám sát chất lượng. Năm 2015, chi cục giám sát 17 mẫu rau. Kết quả, các mẫu rau không tồn dư hóa chất, có 6 mẫu nhiễm E. coli.


Theo bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD, để lấy lại niềm tin của NTD đối với rau sạch, bên cạnh việc tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất và đơn vị kinh doanh cần xây dựng những địa chỉ bán rau sạch có uy tín để NTD biết, tìm đến. Mặt khác, các chợ lớn trong thành phố, cần bố trí có các cửa hàng rau sạch bởi không phải NTD nào cũng vào siêu thị để mua thực phẩm mà phần lớn có thói quen mua hàng ở chợ. Có như vậy, rau sạch mới đến gần hơn với NTD.


Việc sản xuất rau theo đúng quy trình đạt chuẩn đã khó, việc đưa các sản phẩm sạch đến tay NTD, lấy lại niềm tin của NTD càng khó hơn. Các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất và đơn vị kinh doanh cần có sự liên kết trong công tác kiểm tra, theo dõi chất lượng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NTD thật sự tin tưởng vào rau sạch.


MAI HOÀNG