07:05, 31/05/2015

Loay hoay với bài toán về cây ăn trái

Sau một thời gian dài thử nghiệm, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã tìm ra được 4 loại cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn, đó là xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ. Hiện diện tích các loại cây này đang tăng nhanh, tuy nhiên việc xây dựng thành một vựa cây ăn trái vẫn còn khó khăn…
 

Sau một thời gian dài thử nghiệm, huyện Khánh Vĩnh đã tìm ra được 4 loại cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn, đó là xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, mít nghệ. Hiện diện tích các loại cây này đang tăng nhanh, tuy nhiên việc xây dựng thành một vựa cây ăn trái vẫn còn khó khăn…
 
Triển vọng từ những giống cây chủ lực
 
Năm 2014, tuy mới hoàn thành giai đoạn kiến thiết nhưng vườn xoài của ông Huỳnh Văn Thúc (xã Khánh Trung) vẫn cho nguồn thu hơn 200 triệu đồng. Năm nay, ông Thúc hy vọng vườn xoài sẽ cho nguồn thu lớn bởi số cây xoài bước vào độ thu hoạch khá nhiều. “Cách đây khoảng 10 năm, khi thấy vườn điều không hiệu quả tôi chuyển sang thử nghiệm trồng xoài. Nhận thấy cây xoài phát triển tốt nên tôi đã chuyển hướng sang trồng xoài và sầu riêng. Hiện tôi có 12.000 cây xoài, 200 cây sầu riêng, tất cả đều đang phát triển tốt”, ông Thúc chia sẻ. 

 

Vườn xoài của ông Huỳnh Văn Thúc bắt đầu cho trái.
Vườn xoài của ông Huỳnh Văn Thúc bắt đầu cho trái.
Không riêng ông Thúc, hiện nhiều gia đình ở các xã Khánh Trung, Khánh Nam, Sông Cầu, Khánh Phú... đã thành công với các vườn cây ăn trái có quy mô lớn. Ông Nguyễn Ngọc Thiện (xã Khánh Phú) có vườn bưởi da xanh và xoài cho thu nhập 2 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Ngọc Hường (xã Khánh Trung) có vườn cây ăn trái rộng khoảng 15ha gồm xoài, sầu riêng, mít nghệ, trong đó riêng xoài đã cho nguồn thu hơn 500 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Hồng Sơn (thôn Tây, xã Sông Cầu) trồng sầu riêng cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm... Hiện nay, xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mít nghệ được xác định là cây ăn trái chủ lực của huyện. Theo đề án của huyện, bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao nhất, tiếp theo là sầu riêng, xoài, mít. “Các loại cây ăn trái lâu năm như xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mít là cây mới trồng, mới bước vào chu kỳ kinh doanh, năng suất còn thấp nhưng đã chứng tỏ được sự vượt trội cả về doanh thu và lợi nhuận so với những cây trồng khác”, ông Cao Duy Si - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Khánh Vĩnh cho biết. 
Từ thực tế trên và sự khuyến khích của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, người dân huyện Khánh Vĩnh đã tập trung cải tạo vườn tạp, trồng mới các loại cây ăn trái thuộc nhóm chủ lực. Theo Phòng NN-PTNT huyện, nếu như năm 2013, toàn huyện có 403ha cây ăn trái thuộc nhóm này thì đến đầu năm 2015 tăng lên 563,8ha, trong đó có 305ha xoài, 123ha mít nghệ, hơn 81ha bưởi da xanh, 54,7ha sầu riêng. Không chỉ tăng nhanh về diện tích, hiện nay, các loại cây ăn trái này đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
 
Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Vĩnh cho biết: Huyện đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 1.200ha cây ăn trái nhóm chủ lực. Trước mắt, những hỗ trợ về giống cây trồng đều hướng đến các loài cây như bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, mít nghệ..., về lâu dài huyện sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh tăng cường các nguồn vốn thông qua các chương trình kinh tế miền núi, khuyến nông để phát triển các loài cây này.
 
Còn nhiều khó khăn
 
Theo những người có kinh nghiệm, để cây ăn trái của Khánh Vĩnh có thương hiệu, cần đẩy mạnh việc thành lập các trang trại, hình thành vùng chuyên canh bởi việc trồng nhỏ lẻ theo hộ gia đình sẽ rất khó đảm bảo chất lượng đồng đều. Muốn vậy, cần ưu tiên các dự án phát triển cây ăn trái, tính đến việc xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn trái đặc sản... Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết, tuy đề án xác định cơ cấu cây trồng chủ lực có đề cập đến việc hình thành vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản nhưng huyện không có tham vọng phát triển thêm nhiều trang trại cây ăn trái lớn bởi Khánh Vĩnh không có nhiều đất có quy mô lớn, người dân không có vốn đầu tư, trình độ sản xuất còn hạn chế. “Mục đích của huyện là tìm ra những giống cây phù hợp để khuyến khích người dân phát triển vườn nhà, có thêm thu nhập. Thực tế cho thấy, việc phát triển thêm các trang trại lớn không khả thi bởi những người có tiềm lực để đầu tư trang trại thì họ đã làm rồi...” - ông Thuận nói. Ông Thúc cũng chia sẻ: “Để có được 1ha cây ăn trái phải mất ít nhất khoảng 100 triệu đồng tiền đầu tư. Tuy nhiên, việc vay vốn để đầu tư cho vườn cây ăn trái gặp nhiều khó khăn bởi chưa có nguồn vốn dành riêng để thực hiện đề án này; thời hạn vay vốn của ngân hàng chỉ 3 năm, trong khi cây ít nhất từ 4 đến 5 năm mới cho thu hoạch”. 
 
Bên cạnh khó khăn về vốn, người dân trồng cây ăn trái với quy mô lớn ở Khánh Vĩnh vẫn lo lắng về đầu ra bởi sự bấp bênh của thị trường nông sản. Hiện người làm vườn ở Khánh Vĩnh vẫn phụ thuộc vào thương lái, mạnh ai nấy bán chứ chưa có một sự liên kết nào. Ông Huỳnh Văn Thúc dự tính vài năm tới, khi vườn trái cây cho năng suất lớn, sản phẩm đã có tiếng vang sẽ kết hợp với một số bạn nghề thành lập hợp tác xã cây ăn trái để ổn định về đầu ra, giá cả. 
 
Có thể nói, Khánh Vĩnh đã giải được bài toán tìm ra những giống cây ăn trái chủ lực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu. Để giúp người dân yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất, trong tương lai huyện cần tính đến việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, xây dựng thương hiệu cho cây ăn trái Khánh Vĩnh... Muốn làm được điều này cần có thời gian, kinh phí và cả sự nỗ lực không nhỏ của ngành Nông nghiệp huyện cũng như sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan.
 
XUÂN THÀNH