Từ ngày 1-3, nhiều mặt hàng sữa áp dụng giá mới với mức tăng từ 5 đến 10% so với trước. Bên cạnh đó, nhiều hãng sữa “né” quy định đăng ký giá, kê khai giá bằng cách đổi tên gọi các sản phẩm.
Từ ngày 1-3, nhiều mặt hàng sữa áp dụng giá mới với mức tăng từ 5 đến 10% so với trước. Bên cạnh đó, nhiều hãng sữa “né” quy định đăng ký giá, kê khai giá bằng cách đổi tên gọi các sản phẩm.
Đua nhau tăng giá
Nhiều loại sữa như: Friso, Dutch Lady, Abbott... áp dụng mức giá mới tăng từ 7 đến 10% so với trước. Cụ thể, sữa của hãng Abbott tăng từ 2 đến 9%, tương đương 10.000 - 40.000 đồng/hộp. Theo đó, sản phẩm Pediasure 1,7kg giá 981.000 đồng/hộp, Ensure Gold loại 900g có giá mới là 658.000 đồng/hộp... Các nhãn hiệu sữa khác như: Friso và Dutch Lady (của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam) cũng tăng từ 8 đến 9%, tương đương 5.000 - 50.000 đồng/hộp tùy trọng lượng. Theo đó, sữa Friso Gold 3 loại 1,5kg có giá 670.000 đồng/hộp; sữa Friso Gold 1 loại 900g giá gần 500.000 đồng/hộp... Trả lời câu hỏi về nguyên nhân tăng giá sữa, bà Nguyễn Ngọc Loan - chủ cửa hàng cùng tên trên đường Lê Hồng Phong, Nha Trang cho biết: “Cửa hàng chỉ nhận được thông báo ghi danh mục các mặt hàng tăng giá của nhà cung cấp chứ không ghi rõ lý do tăng. Nghe nói, giá tăng là do thay đổi mẫu mã, bao bì”.
Theo Thông tư 122/2010 của Bộ Tài chính, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng phải đăng ký giá trước khi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bán sản phẩm lần đầu ra thị trường. Còn theo quy định của Luật Giá (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013), mặt hàng này thuộc diện phải kê khai giá mỗi lần điều chỉnh. |
Nhiều đơn vị kinh doanh sữa khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đồng loạt dán thông báo tăng giá của các hãng sữa. Bà Trần Thu Hương - nhân viên cửa hàng Lan Hà (đường 2-4, Nha Trang) cho biết: “Do chưa nhập hàng mới về nên một số nơi vẫn áp dụng giá cũ. Cửa hàng chúng tôi đã nhận được thông báo nên khi nhập hàng mới, chúng tôi sẽ tăng giá bán. Trung bình, mỗi hộp sữa bột tăng từ 10.000 đến 60.000 đồng”. Ông Phạm Hoàng Hưng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cam Ranh cho biết, từ tháng 3, giá các loại sữa như: Abbott, Dutch Lady, Nutifood đồng loạt tăng từ 5 đến 10%.
Trước đó, trong tháng 1, sữa Dumex, Enfa, Dielac... đã “mở màn” đợt tăng giá mới với mức từ 7 đến 10%. Trong tháng 2, Vinamilk điều chỉnh giá một số sản phẩm tăng 7% với lý do bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào đã tăng trước đó… Theo ghi nhận của chúng tôi, mức giá sau khi tăng tại các cửa hàng, siêu thị không thống nhất, chênh lệch nhau từ vài ngàn đồng đến khoảng 25.000 đồng/hộp (tùy trọng lượng). Theo Sở Tài chính, giá bán chênh lệch là do một số điểm bán lẻ tự áp dụng, phụ thuộc vào mức tăng - giảm lợi nhuận, mức giảm giá từ hàng khuyến mại và chiết khấu, giá thuê mặt bằng kinh doanh, mức thuế giá trị gia tăng...
Đã thành thông lệ, vào những tháng đầu năm, giá sữa lại tăng. (Ảnh chụp tại Siêu thị Co.opmart Cam Ranh) |
Nhập nhằng nhãn mác
Không chỉ lo giá sữa tăng, người tiêu dùng còn băn khoăn về chất lượng sữa. Trường hợp “sữa dê” Danlait được cấp giấy chứng nhận là thực phẩm bổ sung, trong khi đó trên nhãn phụ lại ghi là sữa (sản phẩm được gọi là sữa khi độ đạm đạt hơn 34%) để bán với giá cao. Điều này đang gây chú ý của dư luận. Trước đó, cơ quan chức năng trên cả nước không ít lần phát hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá nhập và giá niêm yết của một số loại sữa bột, nhiều sản phẩm bán giá cao gấp 2 - 4 lần so với giá vốn...
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều sản phẩm đã thay thế từ “sữa” trên bao bì bằng các tên gọi khác. Với cách làm này, doanh nghiệp “né” được quy định phải đăng ký, kê khai sau mỗi lần điều chỉnh giá. Chẳng hạn, sản phẩm Anfakid A+, Dielac Optimum... đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng; Nuti IQ ghi là thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; Similac, Gain Plus ghi là thức ăn công thức; PediaSure in trên bao bì là sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt; Lactogen Gold ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng...
Chuyển sang dùng sữa nội
Khi các ngành chức năng vẫn còn lúng túng trong việc quản lý thị trường sữa thì phần lớn người tiêu dùng chỉ còn cách mua sữa theo cảm tính, kinh nghiệm và chuyển sang chọn các loại sữa rẻ hơn. Bà Lê Thị Hà (phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) cho biết: “Trước Tết, tôi mua sữa Friso Gold 2 loại 900g với giá khoảng 440.000 đồng/hộp thì nay đã tăng thêm gần 50.000 đồng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi chi hơn 1 triệu đồng tiền sữa. Nghe người quen đánh giá cao chất lượng một số loại sữa nội và giá rẻ chỉ bằng khoảng một nửa sữa ngoại nên tôi đang định mua về cho con dùng thử”.
Ông Nguyễn Văn Long - chủ cửa hàng tạp hóa Trung Kiên (đường 23-10, Nha Trang) cho biết, giá sữa tăng cao khiến việc buôn bán chậm hẳn, đặc biệt là những sản phẩm sữa ngoại có giá hơn 400.000 đồng/hộp. “Trước đây, nhiều khách hàng chuộng sữa ngoại đắt tiền vì cho rằng tốt hơn sữa nội, thậm chí có người còn mua vài hộp một lúc để trữ dùng dần. Tuy nhiên hiện nay, giá sữa liên tục tăng cao, nhiều người đang chuyển sang chọn mua loại sữa có giá vừa phải để tiết kiệm”.
V.A