Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Chương trình hành động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Chương trình hành động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Bảy nhóm giải pháp ưu tiên
Xuất phát từ khó khăn của các doanh nghiệp trong năm 2012 là hàng tồn kho (đặc biệt là tồn kho bất động sản) lớn và nợ xấu tăng cao, Nghị quyết số 01/NQ-CP (Nghị quyết 01) đã dành hẳn một nhóm giải pháp riêng tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay vốn, xử lý hiệu quả nợ xấu; tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 02 /NQ-CP (Nghị quyết 02) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Trên tinh thần đó, ngay từ những ngày đầu năm 2013, BIDV đã đi đầu triển khai bảy nhóm giải pháp. Theo đó, BIDV sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12% theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tương ứng với dư nợ tín dụng tăng thêm từ 40.000 đến 45.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thị trường. Thứ hai, tiếp tục xem xét hạ mặt bằng lãi suất phù hợp mức giảm của lạm phát để tạo điều kiện cho các DN vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, tập trung nguồn vốn ưu tiên cho vay đối với DN sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao có hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Ðồng thời, BIDV cũng dành 30.000 tỷ đồng để mở rộng quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ trong giai đoạn 2013-2016. Thứ tư, BIDV dự kiến dành 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2013-2015 để cho vay hỗ trợ các DN kinh doanh bất động sản với mức vay và lãi suất vay ưu đãi. Thứ năm, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích đủ dự phòng rủi ro và bảo đảm an toàn hệ thống. Thứ sáu, tăng cường vai trò của BIDV tham gia thị trường vàng và tiếp tục tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém còn lại theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Thứ bảy, tiếp tục nâng cao vai trò và trách nhiệm của một DN nhà nước đối với sự phát triển chung của cộng đồng thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội trong nước và nước ngoài.
Những đề xuất, kiến nghị
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Phan Hữu Thắng, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm như thời gian vừa qua, việc các ngân hàng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản khởi sắc thì chỉ dựa vào nỗ lực của riêng ngân hàng hay các DN kinh doanh bất động sản là chưa đủ mà rất cần sự chung tay giải quyết của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là của chính quyền địa phương các cấp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Trần Bắc Hà cho biết, trên cơ sở các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết, BIDV đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể, đối với NHNN trên cơ sở diễn biến lạm phát thực tế, có thể xem xét tiếp tục điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm thêm 0,5 đến 1%, xuống dưới 8% (với điều kiện chỉ số giá tiêu dùng quý I-2013 của cả nước tăng tối đa 2%), theo đó giảm lãi suất cho vay nói chung trong thời gian đầu năm 2013 và lãi suất các khoản cho vay trong lĩnh vực ưu tiên ở mức khoảng 10 đến 12%/năm. Ðối với thị trường ngoại hối, BIDV đề nghị NHNN xem xét linh hoạt hơn việc điều hành tỷ giá, tránh tình trạng kỳ vọng tỷ giá chỉ biến động một chiều. Trong năm 2013, NHNN có thể xem xét điều chỉnh tăng tỷ giá một cách phù hợp, có thể trong biên độ 2 đến 3%. Ðiều chỉnh giảm lãi suất huy động USD để giữ chênh lệch lãi suất hấp dẫn giữa VND và USD, giảm tình trạng găm giữ USD, thu hút lượng ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Ðối với thị trường vàng, BIDV đề nghị NHNN tiếp tục kiên định giải pháp tổng thể đối với thị trường vàng và bám sát diễn biến thị trường; có xem xét điều chỉnh kịp thời, bảo đảm lợi ích tổng thể cho nền kinh tế và góp phần ổn định vĩ mô.
Ðặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV đề nghị NHNN có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng bán lẻ cho vay người mua nhà để ở; tiếp tục cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ đối với các chủ đầu tư dự án và được giữ nguyên nhóm nợ như trước khi thực hiện cơ cấu; giao các ngân hàng có dư nợ cho vay nhà ở lớn quản lý các nguồn vốn ODA dành cho mục đích phát triển nhà để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay; NHNN hỗ trợ BIDV nguồn tái cấp vốn lãi suất thấp để thực hiện cho vay ưu đãi với các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang để mua nhà ở xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ. Kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo và cho phép UBND các địa phương mua một phần sản phẩm đầu ra của dự án nhà ở xã hội, cho phép chủ dự án nộp tiền đất bằng các căn hộ đã đầu tư; cho phép chuyển đổi công năng dự án, chia nhỏ diện tích để giảm giá bán, chuyển đổi sang làm bệnh viện, trường học, tái định cư, nhà ở xã hội...
Ngoài ra, BIDV đã chính thức đề xuất Chính phủ thành lập Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở ngay trong quý II-2013 để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Ðể tài trợ cho các khoản vay nhà ở thu nhập thấp, công ty này sẽ thực hiện theo hai hình thức là tái cho vay thế chấp và mua lại các khoản nợ cho vay nhà ở thu nhập thấp từ các ngân hàng thương mại. Công ty cũng sẽ thực hiện cho vay gián tiếp thông qua ngân hàng thương mại tới các đối tượng thụ hưởng.
Theo Nhân Dân