Chỉ còn gần 3 tuần nữa là đến Tết Quý Tỵ 2013. Tuy sức mua kém sôi động so với năm trước nhưng một tín hiệu vui của thị trường Tết năm nay là các nhà sản xuất trong nước đã có sự đầu tư mạnh về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, đồng thời, người tiêu dùng cũng có xu hướng rõ rệt ưu tiên dùng hàng Việt.
Chỉ còn gần 3 tuần nữa là đến Tết Quý Tỵ 2013. Tuy sức mua kém sôi động so với năm trước nhưng một tín hiệu vui của thị trường Tết năm nay là các nhà sản xuất trong nước đã có sự đầu tư mạnh về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, đồng thời, người tiêu dùng cũng có xu hướng rõ rệt ưu tiên dùng hàng Việt.
Thương hiệu Việt chiếm lĩnh
Dạo quanh thị trường Tết năm nay, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện dày đặc của các thương hiệu Việt, nhất là ở phân khúc mặt hàng bánh, mứt, kẹo, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm ăn liền, rau củ quả, gạo, dầu ăn, sữa... Ở nhóm hàng bánh kẹo, chiếm ưu thế vẫn là 2 thương hiệu Kinh Đô và Bibica. Nhắm vào nhu cầu thưởng thức, biếu tặng và đãi khách những mặt hàng cao cấp, Kinh Đô đầu tư dòng sản phẩm cookies thượng hạng Korento, Story và bổ sung sản phẩm mới Cosy với nhiều mùi vị: bánh kẹp kem, phủ hạt, sôcôla, mứt trái cây. Trong khi đó, Bibica đầu tư 2 dòng sản phẩm cao cấp là Goody và Palomino cùng các sản phẩm bình dân như Hura Pie, Happy, Growsure... để đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Ông Nguyễn Ngọc Vũ Thiện - Giám đốc Siêu thị Citimart Nha Trang nhận định: “Hàng nội địa được đầu tư hơn về mẫu mã, thiết kế bao bì tinh tế, sang trọng như hộp thiếc tròn, vuông, hộp nhựa, hộp giấy. Hương vị cũng đa dạng hơn, phù hợp với khẩu vị người Việt mà giá chỉ từ 35.000 - 120.000 đồng/hộp, bằng khoảng 1/2 đến 1/3 so với hàng ngoại nhập cùng trọng lượng”.
Người tiêu dùng chọn mua hàng sản xuất trong nước tại Trung tâm Thương mại Maximark Nha Trang. |
Ở nhóm hàng bia, rượu, nước giải khát, chiếm ưu thế trên các kệ hàng là các thương hiệu Việt như Bia Sài Gòn, Bia Đại Việt, Bia 333, Bia Hà Nội, rượu vang Đà Lạt, nước yến Sanest, nước khoáng Đảnh Thạnh… Đối với thực phẩm, nếu như thương hiệu Vissan hút khách bởi các loại thực phẩm đông lạnh tiện dụng như: chả giò rế, tôm chả giò, há cảo, thực phẩm đóng hộp… thì Đại Thuận lại được ưa chuộng ở mặt hàng thủy hải sản ăn liền như cá ghim, cá bò, mực khô tẩm gia vị…
Đặc biệt, tại hệ thống các siêu thị như Siêu thị Co.opmart Cam Ranh, Trung tâm Thương mại Maximark Nha Trang, Trung tâm Metro Cash & Carry, Siêu thị Citimart Nha Trang, hàng sản xuất trong nước chiếm tới 80 - 90%, cao hơn hẳn so với hàng ngoại nhập. Trong đó chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình… Các đơn vị này cũng tăng cường những sản phẩm hàng nhãn riêng giá rẻ thuộc các chủng loại bánh kẹo đóng hộp, giò lụa, lạp xưởng, đồ uống… để phục vụ phân khúc người có thu nhập trung bình và thấp.
Đa dạng đặc sản vùng miền
Nắm bắt nhu cầu thưởng thức và biếu Tết của người dân, các đơn vị cung ứng hàng Tết đều tận dụng thời điểm này để khai thác đặc sản đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Dạo quanh các cửa hàng, siêu thị, có thể thấy đa dạng các đặc sản như: mực, cá, nước mắm Nha Trang, mắm cá cơm, tôm chua Huế, bánh pía Sóc Trăng, bánh răng bừa Thanh Hóa, gạo Nàng hương chợ Đào… Ông Phạm Hoàng Hưng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cam Ranh cho biết, hàng Việt là ưu tiên số 1 tại siêu thị. Đơn vị phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai chương trình “Giỏ quà Tết Việt”. Mỗi giỏ quà Tết Việt với giá bán từ 150.000 đồng có một ấn phẩm Câu chuyện ngày xuân, với những câu chuyện hay, cảm động về các sản phẩm, đặc sản, thương hiệu Việt như: Bidrico (nước ngọt, nước yến), Ngọc Việt (gạo thơm), Tường An (dầu ăn), Liên Thành (nước mắm), Tiến Đạt (bánh dừa), Xuân Hồng (mứt gừng dẻo, mứt dừa sữa, mứt mãng cầu, hạt dưa)… Ngoài ra, giỏ quà Tết Việt tại Co.opmart cũng có những sản vật đặc trưng của từng địa phương: rượu (Phú Lễ - Bến Tre), lạp xưởng (Sóc Trăng), kẹo dừa (Bến Tre)…
Siêu thị Citimart Nha Trang cũng có hẳn một quầy đặc sản Nha Trang cung cấp cá khô, mực khô, rong nho Trí Tín, rau câu Thúy Liên… Ông Nguyễn Ngọc Vũ Thiện cho biết: “Nhu cầu sử dụng và thưởng thức các đặc sản trong nước vào dịp Tết tăng cao nên hiện sức mua tại siêu thị rất tốt. Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi dự kiến tăng thêm 10% số lượng các mặt hàng này”.
Bên cạnh đó, các loại trái cây đặc sản vùng miền cũng đổ về chợ và siêu thị ngày càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Ban Quản lý chợ Đầm cho biết, hiện nay lượng trái cây về chợ khoảng 30 tấn/ngày, trong đó tới 90% là hàng nội địa (đồng bằng sông Cửu Long, Đà Lạt, Đồng Nai…). Tiêu thụ mạnh nhất là các đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, quýt hồng Lai Vung, quýt đường Cần Thơ, nho Phan Rang, cam sành Nam bộ… Bà Lê Thị Vân, kinh doanh trái cây tại chợ Đầm cho biết: “Hiện nay người dân sợ trái cây, rau, củ Trung Quốc chứa chất bảo quản độc hại và ưa chuộng hàng nội nên chúng tôi hầu như chỉ nhập hàng từ các vùng miền trong nước” .
Tin dùng hàng Việt
Trong tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng kén chọn hơn khi mua sắm hàng hóa, cũng như tiết giảm tối đa chi tiêu thì hàng Việt được coi là một lựa chọn sáng suốt. Bà Phạm Thị Thủy (phường Tân Lập, Nha Trang) cho biết: “Trước đây, tôi quan niệm phải mua hàng ngoại thì mới sang trọng nên dù kinh tế eo hẹp, tôi vẫn cố mua cho được bánh kẹo ngoại, rượu ngoại để đi biếu hay tiếp đón bạn bè. Tuy nhiên hiện nay, tôi thấy hàng trong nước rất đa dạng chủng loại, chất lượng tốt, bao bì cũng lịch sự, đẹp mắt mà giá lại rẻ hơn hẳn hàng ngoại nhập nên tôi đã chuyển sang dùng hàng nội. Trong nhà tôi bây giờ toàn hàng Việt: quần áo Việt Tiến, Khatoco, nước mắm 584, sữa Vinamilk, bia Sài Gòn, rượu Đà Lạt…”
Theo báo cáo đánh giá của Sở Công Thương, do đời sống khó khăn, giá cả thị trường tăng nên năm nay, người tiêu dùng sắm Tết dè dặt hơn và chỉ mua vừa đủ nhu cầu cần thiết, không chi mạnh tay. Đặc biệt, xu hướng lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng phổ biến.
V.T