05:12, 31/12/2012

Chưa Tết, giá đã nhấp nhổm tăng

Mới rằm tháng 11 - Nhâm Thìn, nhưng hiện nay, giá một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, bia, nước giải khát đã nhấp nhổm tăng.

Mới rằm tháng 11 - Nhâm Thìn, nhưng hiện nay, giá một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, bia, nước giải khát đã nhấp nhổm tăng.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Sau một thời gian ổn định, giá một số loại thực phẩm tươi sống tại chợ lẻ có xu hướng tăng trở lại. Vài tuần nay, giá heo hơi tăng mạnh khoảng 5 - 12% so với trước, lên mức 43.000 - 45.000 đồng/kg. Từ đó kéo theo giá thịt heo tại chợ lẻ tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Cụ thể, heo ba chỉ 85.000 đồng/kg, nạc thăn 95.000 - 100.000 đồng/kg, sườn non 110.000 đồng/kg, heo quay 200.000 đồng/kg… Bà Trần Thị Thảo, tiểu thương chợ Đầm (Nha Trang) lý giải: “Do dịch heo tai xanh xảy ra từ tháng trước khiến một lượng lớn heo phải tiêu hủy, đồng thời do chăn nuôi thua lỗ nên người nuôi không mặn mà tái đàn, lại thêm việc thương lái đẩy mạnh thu mua heo chuyển ra miền Bắc nên nguồn thịt heo trên địa bàn tỉnh thiếu hụt, giá tăng”. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng lo ngại giá thịt heo còn bị đẩy lên một cách vô lý qua nhiều tầng nấc trung gian. “Mức tăng giá bán lẻ cao gần gấp đôi giá heo tại lò mổ. Ngoài ra, có thời điểm, giá heo hơi hạ 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng không hiểu sao, giá bán lẻ vẫn không nhúc nhích?”, bà Nguyễn Thị Thúy (Vĩnh Ngọc, Nha Trang) thắc mắc.

 Giá thịt heo, thịt gà đã nhích lên so với 2 tuần trước (ảnh chụp tại chợ Đầm, Nha Trang).
Giá thịt heo, thịt gà đã nhích lên so với 2 tuần trước (ảnh chụp tại chợ Đầm, Nha Trang).

Không chỉ thịt heo, giá thịt bò, thịt gà, thịt vịt… cũng tăng khoảng 5 - 10%. Tại các chợ lẻ, giá thịt bò bắp trung bình 180.000 đồng/kg, bò phi lê 250.000 đồng/kg, gà mái ta còn sống 75.000 - 80.000 đồng/kg, gà làm sẵn 100.000 - 110.000 đồng/kg, vịt làm sẵn 85.000 - 100.000 đồng/kg… “Hiện đang vào mùa cưới, đồng thời nhu cầu dùng thịt phục vụ dịp lễ Giáng Sinh, Tết dương lịch và thay thế thịt heo tăng (do lo ngại dịch bệnh heo tai xanh) nên giá các mặt hàng này bị đội lên” - chủ một quầy thịt tại chợ Xóm Mới (Nha Trang) cho biết.

Giá các loại gạo cũng có chiều hướng tăng nhẹ so với đầu tháng. Theo thông tin từ Cục Thống kê, hiện nay, giá gạo đang chịu ảnh hưởng tích cực từ các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Nigeria và Philippines nên giá gạo trong tỉnh nhích lên. Giá gạo nếp cũng tăng 100-200 đồng/kg do nhu cầu thu mua và tiêu dùng phục vụ ngày lễ, Tết đang “nóng” dần. Cụ thể, giá gạo thường 10.000 đồng/kg, gạo Ninh Hòa 12.000 đồng/kg, nếp loại 1 18.000-20.000 đồng/kg, nếp Hà Nội 25.000 đồng/kg…

Bên cạnh đó, nhu cầu thu mua thực phẩm khô dự trữ cho những ngày Tết tăng lên đã kéo theo giá tôm khô, mộc nhĩ, măng khô, tỏi… tăng từ 5-7%. Hiện giá tỏi khô Phan Rang dao động từ 112.000 – 130.000 đồng/kg, mộc nhĩ 100.000 đồng/kg, tôm khô từ 400.000-700.000 đồng/kg... Việc nhiều đơn vị tăng cường thu mua các loại hạt để sản xuất bánh chưng, bánh ngọt dịp Tết cũng kéo giá mặt hàng này nhích lên: Đậu đen giá 45.000 đồng/kg, đậu phụng 48.000 đồng/kg, mè vàng 50.000 đồng/kg…

Không nằm ngoài guồng tăng giá chung, tuần qua, mặt hàng bia, nước giải khát rục rịch tăng từ 10.000-15.000 đồng/thùng. Bia 333 hiện có giá 210.000 đồng/thùng, bia Heineken 375.000 đồng/thùng, Tiger 275.000 đồng/thùng, nước ngọt Coca cola 175.000 đồng/thùng… Chủ một số đại lý, cửa hàng tạp hóa cho biết, giá bia, nước giải khát sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngăn chặn “té nước theo mưa”

Ông Huỳnh Văn Đệ - Trưởng ban Quản lý chợ Đầm nhận định, do kinh tế khó khăn, thu nhập của đại bộ phận người dân còn thấp nên năm nay, người tiêu dùng có xu hướng sắm Tết muộn hơn những năm trước, sức mua nhiều khả năng giảm so với Tết năm ngoái. Tháng 12 là tháng có lễ Giáng sinh và chuẩn bị đón Tết dương lịch nên đây cũng là thời điểm giá các mặt hàng rục rịch tăng. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2013, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự kiến tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống.

Theo ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương, những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ các mặt hàng như lương thực, thực phẩm… tăng cao so với ngày thường. Đây cũng là thời điểm thời tiết, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, nếu không điều phối tốt cung - cầu, thị trường sẽ có nguy cơ khan hàng, “sốt” giá. Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nguồn cung cơ bản được đảm bảo, giá tăng chủ yếu là do “té nước theo mưa”. Do đó, Sở đã và đang phối hợp với các ngành chức năng tăng cường rà soát, đánh giá cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá kiếm lời cũng như kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa và vệ sinh thực phẩm.

V.A