07:12, 27/12/2012

Chủ động nguồn hàng bình ổn giá

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá dịp Tết đang tích cực dự trữ nguồn hàng nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và hạn chế tình trạng tăng giá đột biến.

Các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá dịp Tết đang tích cực dự trữ nguồn hàng nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và hạn chế tình trạng tăng giá đột biến.

Góp phần bình ổn thị trường

Theo đánh giá của các ngành chức năng, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm giảm sút. Tuy nhiên, tình hình thị trường sẽ không quá căng thẳng, nguồn cung thịt phục vụ Tết vẫn cơ bản được đảm bảo. Hiện nay, ngoài số lượng lớn gia cầm chăn nuôi trong tỉnh khoảng 2.400 con; trâu, bò 88.600 con; 130.700 con heo... còn có nguồn thực phẩm chuyển vào từ các tỉnh khác. Theo quy luật mọi năm, sức tiêu thụ các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẽ tăng vọt vào các ngày cận Tết, giá cả dự kiến cũng tăng lên.

Để hỗ trợ các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh dự trữ đủ nguồn hàng phục vụ thị trường và bán hàng bình ổn giá dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách tổng cộng 33,8 tỷ đồng cho 5 đơn vị vay với lãi suất 0% trong thời gian 3 tháng để sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt, trứng, dầu ăn, đường, bột ngọt... Đây là năm thứ 4 chương trình bình ổn giá được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trước đó, năm 2010, tỉnh tạm ứng số tiền 7,8 tỷ đồng cho 5 đơn vị tham gia bình ổn giá. Năm 2011, số tiền tạm ứng và số đơn vị được ứng vốn đều tăng với 39,8 tỷ đồng và 7 đơn vị tham gia bình ổn giá.

Các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá dịp Tết đang tích cực dự trữ nguồn hàng nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và hạn chế tình trạng tăng giá đột biến.

Người dân mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Maximark Nha Trang.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, qua các năm thực hiện chương trình bình ổn giá, hầu hết các DN tham gia đã chủ động xây dựng kế hoạch vốn, tìm kiếm nguồn hàng, kế hoạch tiêu thụ, dự trữ hàng hóa, đảm bảo hàng hóa phong phú, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Chương trình được xem là một trong những công cụ điều tiết giá cả hữu hiệu, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến, góp phần ổn định thị trường.

Nguồn hàng dồi dào

Hiện nay, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đang tích cực chuẩn bị hàng hóa với số lượng dồi dào, chủng loại phong phú để cung ứng cho thị trường. Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa dự trữ khoảng 2.000 tấn đường, trị giá 34 tỷ đồng để phục vụ tiêu dùng dịp Tết. Trong đó, đơn vị đề nghị ngân sách cho vay 8 tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá, bán đường với giá thấp hơn từ 500 - 1.500 đồng/kg so với giá thị trường.

Với lượng gạo dự trữ 127 tấn (trị giá 1,5 tỷ đồng), trong đó vay vốn 800 triệu đồng để bán hàng bình ổn giá, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung bộ tại Khánh Hòa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng toàn tỉnh trong những ngày Tết. Ngoài ra, nếu thị trường có biến động bất thường, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam sẽ kịp thời cung ứng nguồn hàng cho thị trường Khánh Hòa để cân đối cung - cầu. Hiện nay, đơn vị đang xuất bán gạo ra thị trường với giá bình ổn tại các điểm bán: số 36 đường Lê Thánh Tôn, số 8 đường Võ Thị Sáu, số 44 đường Điện Biên Phủ (TP. Nha Trang). Giá bán được điều chỉnh tùy theo từng thời điểm và giá thực tế mua vào, luôn đảm bảo thấp hơn từ 5 - 10% so với giá gạo trên thị trường.

Ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh khuyến khích các DN tham gia chương trình bình ổn giá tăng cường nguồn vốn tự có để tăng lượng hàng dự trữ, mở rộng điểm bán hàng bình ổn phục vụ người dân, đặc biệt là bà con ở các vùng nông thôn, miền núi...

Tham gia chương trình bình ổn giá năm nay, Siêu thị Maximark Nha Trang vay vốn ngân sách 20 tỷ đồng để chuẩn bị hơn 2.000 mặt hàng với số lượng nhiều gấp 3, 4 lần ngày thường phục vụ khách hàng trong dịp Tết. Trong đó, có khoảng 32 tấn rau, củ, quả, hơn 1 tấn gạo, nếp, đậu xanh, 10 tấn đường, 80.000 chai dầu ăn, 100 tấn thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, 30.000 quả trứng gia cầm... Siêu thị Co.opmart Cam Ranh cũng chuẩn bị lượng hàng dồi dào gồm: 20,2 tấn gạo nếp, 15 tấn đường, hơn 23.300 lít dầu ăn, gần 24 tấn thịt gia súc, gia cầm, 32 tấn rau, củ, quả... trị giá hơn 3 tỷ đồng. Như mọi năm, hai đơn vị này sẽ tổ chức các chuyến đưa hàng bình ổn giá phục vụ bà con tại huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa...

Trong khi đó, được ngân sách tạm ứng hơn 2 tỷ đồng để dự trữ hàng Tết, Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Sơn dự kiến chuẩn bị 73 tấn gạo, 6.000 lít dầu ăn, 5 tấn đường, 2,2 tấn bột ngọt, gần 2.700 hộp sữa, 1.100 thùng mì tôm, 500 thùng nước ngọt, 90 triệu đồng bánh mứt kẹo... Nguồn hàng này sẽ được phân phối tại cửa hàng xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp và các điểm bán lưu động. Ông Nguyễn Bá Giá - Giám đốc Trung tâm cho biết, dự kiến, nhu cầu tiêu dùng của bà con trong những ngày cận Tết sẽ tăng khoảng 30 - 50% so với ngày thường. Do đó, ngoài nguồn vốn vay của tỉnh, Trung tâm còn huy động nguồn vốn tự có và nguồn vốn hỗ trợ của huyện để dự trữ hàng hóa, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết của bà con trên địa bàn.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá có trách nhiệm cam kết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, cam kết thực hiện đúng quy định về giá bán... Sắp tới, Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Tài chính, Sở Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra việc bán hàng bình ổn giá tại các đơn vị.

ANH THÁI