10:12, 20/12/2012

Bộ Xây dựng đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp bất động sản

Đây là một trong nhiều giải pháp mà Bộ Xây dựng mới đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhằm gỡ khó, vực dậy thị trường bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ, ngành vừa có buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh để bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS).

Miễn, giảm thuế đối với một số loại hình bất động sản

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vực BĐS, nhất là sản phẩm dở dang và có khả năng thanh khoản, từng bước hạ lãi suất về mức bình thường (xấp xỉ 10%/năm).

Theo Bộ Xây dựng, cần phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện các ưu đãi ngay trong năm 2013 và cho áp dụng trong thời hạn từ 12 - 24 tháng để gỡ khó cho thị trường BĐS

Đối với các doanh nghiệp vay để đầu tư nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép khoanh nợ đối với các khoản nợ BĐS cũ, tiếp tục cho vay và kiểm soát chặt chẽ khoản vay mới; Hình thành gói tín dụng dành riêng cho người mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ, giá bình dân (phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang mua nhà trả góp từ tiền lương, tiền công), trong đó quy định các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng để cho các đối tượng này vay mua nhà ở.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay phải phù hợp và bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động tiết kiệm (khoảng 5,6%), phần chênh lệch lãi suất đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách cho vay tái cấp vốn bằng khoảng 1/3 dư nợ tín dụng mà ngân hàng thương mại đã cho người dân vay.

Với giải pháp thực hiện chính sách tài khóa và thuế, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình BĐS, cụ thể giảm 50% thuế suất thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở XH (đang là 10%, giảm xuống còn 5%) việc giảm này vừa có lợi cho người mua nhà, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán;

Áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất với thuế suất 10% (hiện nay đang là 25%) đối với thu nhập hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; Giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70 m2 sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/1m2 sàn sử dụng; Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ bán nhà ở trong 12 tháng; Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán sản phẩm bất động sản.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, theo Bộ Xây dựng cần phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện các ưu đãi như đề xuất ở trên ngay trong năm 2013 và cho áp dụng trong thời hạn từ 12 - 24 tháng.

Bên cạnh các giải pháp trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp BĐS cần chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp mình cho phù hợp như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường, chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.

Những thông tin về thị trường BĐS phải khách quan, phản ánh đúng tình hình để tạo sự đồng thuận và ổn định tâm lý của các tổ chức kinh tế, người dân đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bất động sản- Đây cũng là những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển nhà ở xã hội đạt nhiều mục tiêu

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển nhà ở xã hội đạt được nhiều mục tiêu, vừa phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân, đồng thời đây cũng là một gói kích cầu gián tiếp của Chính phủ cho thị trường, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều có lợi, người dân được hỗ trợ có nhà ở, doanh nghiệp có việc làm và vẫn thu được lợi nhuận.

Trước đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xác định danh mục dự án phát triển nhà ở xã hội cụ thể và giao nhiệm vụ cho các đơn vị này triển khai thực hiện

Trong Nghị định Quản lý Đầu tư phát triển đô thị và Nghị định về nhà xã hội vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành, Bộ Xây dựng đã đề nghị thêm một số ưu đãi cho nhà xã hội, cụ thể như nới rộng điều kiện được mua nhà xã hội, hỗ trợ thêm cho các chủ đầu tư...

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm ban hành để tạo hành lang pháp lý đẩy nhanh các dự án nhà xã hội. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở, lập chương trình phát triển nhà ở hàng năm, 5 năm và dài hạn của địa phương trong đó chỉ tiêu, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội là chỉ tiêu chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa vào nghị quyết của cấp ủy và thông qua HĐND để thực hiện.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh giải pháp nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu. Phải rà soát các dự án, phân loại để xử lý, kiên quyết dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương, giảm thời gian điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của dự án cho phù hợp với yêu cầu của thị trường. Phát triển các khu đô thị nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.

Cụ thể, các dự án chưa hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương thì dừng, nếu đã giải phóng mặt bằng rồi cũng tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép khai thác kinh doanh, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép;

Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân hoặc chuyển sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại;

Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì thì cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Theo VOV