Những tháng cuối năm, thời tiết bất thường, dịch bệnh, chi phí đầu vào cao, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng, biến động từ thị trường thế giới… đã và đang gây áp lực tăng giá lên hàng hóa tiêu dùng, khiến người dân lo lắng.
Những tháng cuối năm, thời tiết bất thường, dịch bệnh, chi phí đầu vào cao, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng, biến động từ thị trường thế giới… đã và đang gây áp lực tăng giá lên hàng hóa tiêu dùng, khiến người dân lo lắng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 1,45% so với tháng trước. Ngoại trừ nhóm giáo dục có mức tăng đột biến (do tác động từ chính sách), các nhóm hàng khác chỉ tăng nhẹ, thậm chí, nhóm hàng chiếm tỷ trọng chính (40%) - hàng ăn và dịch vụ ăn uống còn giảm 0,41% so với tháng trước. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không khỏi lo ngại bởi sau 2 tháng hạ nhiệt (tháng 6 và 7), 3 tháng trở lại đây, CPI chung liên tiếp tăng. Tính từ đầu năm đến nay, CPI nhiều mặt hàng thiết yếu như dịch vụ ăn uống, nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, giao thông... đều tăng từ 7 - 9%, góp phần đưa CPI 10 tháng đầu năm tăng 7,46%.
Tăng giá từ trường ra chợ
Thông tin từ Cục Thống kê cho biết, trong “rổ” CPI tháng 10, nhóm hàng giáo dục có mức tăng mạnh nhất 22,3% so với tháng trước do các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tăng học phí từ năm học 2012 - 2013. Cụ thể, trung học cơ sở khu vực thành thị tăng từ 40.000 đồng/tháng lên 50.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn từ 20.000 đồng/tháng lên 30.000 đồng/tháng, mẫu giáo tăng từ 120.000 đồng/tháng lên 140.000 đồng/tháng. Đối với bậc đại học, học phí nhập học năm 2012 - 2013 của Trường Đại học Nha Trang và Cao đẳng Sư phạm Nha Trang cũng tăng từ 16 - 27%.
Thị trường cuối năm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá. |
Mức chi tiêu của nhiều gia đình còn đội thêm do giá cả hàng hóa tại nhiều chợ lẻ đang leo dốc, đặc biệt là một số hàng thực phẩm tươi sống. Cụ thể, giá thủy hải sản tăng từ 3 - 10% (do thời tiết không thuận lợi cho việc đánh bắt): cá lóc 65.000 - 70.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), tôm bạc loại 1 giá 200.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg), cá thu 180.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg)... Trứng gà công nghiệp tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/chục. Rau xanh cũng tăng giá mạnh do mưa kéo dài làm rau phát triển chậm, lượng cung ứng ra thị trường bị thiếu hụt. Bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Tân Lập, Nha Trang) cho biết, mới đây, đi chợ Xóm Mới, bà thấy giá cải thảo tăng từ 16.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg, rau muống từ 5.000 đồng/bó lên 7.000 đồng/bó, rau cải từ 3.000 - 4.000 đồng/bó lên 7.000 - 8.000 đồng/bó... Một số đồ gia vị như hành khô, tỏi khô Phan Rang... do hết vụ nên cũng tăng giá từ 7 - 10%.
Một số điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước giải khát, bia, đồ dùng gia đình... vừa qua cũng điều chỉnh tăng giá từ 5 - 10% so với đầu tháng 10 với lý do chi phí, nguyên liệu đầu vào tăng. Chẳng hạn, bia Tiger, Heiniken... tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/thùng, sinh tố tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/ly, cơm, phở bình dân tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/tô, đĩa; chảo chống dính, giấy vệ sinh, dụng cụ cầm tay... tăng giá từ 3 - 5%, tùy sản phẩm.
Riêng giá lương thực, thực phẩm hiện chững lại và có xu hướng giảm. Theo bà Dương Thị Hòa, kinh doanh gạo tại chợ Đầm, giá gạo thời gian tới khó tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo chưa cao (giá gạo ở Ấn Độ rẻ và đang chiếm lĩnh thị trường), doanh nghiệp trong nước lại đang chịu áp lực trả lãi ngân hàng vì thời hạn hỗ trợ lãi suất từ ngày 10-7 đến 10-10 đã hết. Hiện giá gạo tẻ thường là 9.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon (Gò Công) 17.000 đồng/kg, nếp thường 15.000 đồng/kg. Các loại thịt tươi sống cũng giảm giá khoảng 5.000 đồng/kg do người dân thắt chặt chi tiêu và lo ngại gia súc, gia cầm sử dụng thuốc kích thích tạo nạc, dịch bệnh heo tai xanh... Tại chợ Vĩnh Hải (Nha Trang), thịt heo ba chỉ dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, gà mái ta còn sống giá 75.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 từ 210.000 - 220.000 đồng/kg...
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết người tiêu dùng đều lo ngại hàng hóa trên thị trường quay trở lại quỹ đạo tăng giá bởi cuối năm là thời điểm nhu cầu sản xuất, dự trữ hàng của doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân tăng lên.
Đẩy mạnh bình ổn giá
Ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, những tháng cuối năm, Chi cục chỉ đạo các đội quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, xăng dầu, bia rượu, nước giải khát, bánh kẹo, đường, sữa, gas... Đặc biệt, đơn vị tập trung kiểm tra việc chấp hành và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về giá (đăng ký, kê khai, niêm yết giá...) nhằm tránh tình trạng lợi dụng tình hình chung để tăng giá bất hợp lý; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh và vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.
Sở Công Thương cũng đang xem xét xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Sở khuyến khích các doanh nghiệp chuẩn bị tốt nguồn hàng, chủ động triển khai các chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn để cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân với giá cả hợp lý. Các chương trình bình ổn giá tập trung mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu dân cư đông, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng của các đối tượng khó khăn, có thu nhập trung bình và thấp.
V.A