11:10, 13/10/2012

Người tiêu dùng dè chừng rau, quả Trung Quốc

Gần đây, ngành chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo táo, nho, lựu, mận… Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, khiến người dân không khỏi cảnh giác với những mặt hàng này.

Gần đây, ngành chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo táo, nho, lựu, mận… Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, khiến người dân không khỏi cảnh giác với những mặt hàng này. Tuy nhiên, việc lựa chọn rau, quả an toàn không dễ dàng.

Bà Phạm Thị Tú, tiểu thương chợ Đầm, Nha Trang cho biết: “Trái cây Trung Quốc thường là táo, lê, đào, nho, lựu, mận, cam quýt. Còn rau, củ có súp lơ, cải thảo, cà chua, khoai tây, tỏi. Trước đây, các mặt hàng này bán chạy vì hình thức đẹp, giá rẻ hơn hàng trong nước, nhưng giờ ế lắm. Hiện nay, tôi chỉ nhập lượng rau, quả Trung Quốc bằng một nửa so với 2 tháng trước vì hàng nhập về nhiều mà không bán được, để lâu sẽ bị hỏng, lỗ vốn”. Một tiểu thương ở chợ Xóm Mới cũng nói: “Trước đây, mỗi ngày tôi bán vài tạ rau, quả, chủ yếu là táo, lê, mận... nhập từ Trung Quốc. Giờ chỉ bán khoảng 1 tạ; riêng ngày hôm nay bán chưa được một nửa”.

Rau, quả trong nước được ưa chuộng

Ông Huỳnh Văn Đệ - Trưởng Ban Quản lý chợ Đầm (Nha Trang) cho biết, tổng lượng rau, củ, quả về chợ dao động mỗi ngày khoảng 90 tấn (tùy mùa). Trong đó, trái cây nội có khoảng 25 - 30 tấn, trái cây Trung Quốc khoảng 3 tấn, trái cây nhập từ các nước khác (nho Mỹ, măng cụt Thái Lan...) khoảng 2,5 tấn. Mặt hàng rau, củ chủ yếu là hàng từ Đà Lạt, mỗi ngày về chợ khoảng 35 tấn, còn lại là rau, củ từ các tỉnh khác (Ninh Thuận, Buôn Ma Thuột, Bình Thuận...) khoảng 15 tấn, rau, củ Trung Quốc rất ít. Tính chung, hàng trong nước chiếm gần 90%. Hiện nay, do tâm lý người dân sợ rau, củ chứa hóa chất độc hại nên lượng trái cây Trung Quốc nhập về chợ Đầm đã giảm từ 40 - 50% so với trước.

Rất khó nhận biết nguồn gốc trái cây
Rất khó nhận biết nguồn gốc trái cây

Tại các siêu thị, rau quả nội cũng đang chiếm tỷ lệ lớn. Người tiêu dùng cũng thích chọn mua rau, quả trong siêu thị vì yên tâm hơn mua ngoài chợ. Ông Phạm Văn Tài (Phòng Marketing, Siêu thị Co.opmart Cam Ranh) nói: “Hàng nội ngày càng được người tiêu dùng tin dùng. Siêu thị luôn duy trì số lượng, chủng loại trái cây phong phú. Trong đó, tỉ lệ trái cây nội địa bày bán tại đây chiếm tới 90%, còn lại là trái cây nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Chile, Nam Phi với xuất xứ rõ ràng”.

Bà Vũ Thị Ngọc (Vĩnh Nguyên, Nha Trang) chia sẻ, gia đình bà hiện rất hạn chế ăn trái cây Trung Quốc. Bà chỉ chọn các loại trái cây trong nước như ổi, bưởi, chuối, mãng cầu... Đối với rau, củ, bà thường mua rau mồng tơi, rau muống, cải vì đây là rau địa phương và hạn chế ăn bí ngô, súp lơ... vì sợ chọn nhầm hàng Trung Quốc.

Khó phân biệt

Điều mà nhiều người tiêu dùng phân vân là không dễ phân biệt được xuất xứ hàng hóa bởi hầu hết trái cây kinh doanh tại các sạp chợ đều không có nhãn mác hay dấu kiểm định. Một số sạp hàng treo biển mận Đà Lạt, nho Mỹ, táo Nhật... song thật giả thế nào, người dân vẫn khó biết. Khi được hỏi về nguồn gốc một số loại trái cây như táo, cam, hầu hết người bán đều lắc đầu: “Ở đây không bán táo Trung Quốc, chỉ có hàng của miền Bắc, Đà Lạt hoặc Mỹ, Nhật thôi”. Tuy nhiên, đây chỉ là lời nói của người bán, người mua không có cơ sở cụ thể nào để tin tưởng. Người tiêu dùng vẫn đang chọn mua rau, quả chủ yếu dựa vào cảm tính hoặc kinh nghiệm. Bà Lê Thị Thạnh (Vĩnh Thọ, Nha Trang) cho biết, bà thường chọn mua rau, củ theo mùa, ưu tiên những trái cây có màu sắc tự nhiên, tránh mua những trái cây to đều, màu sắc bắt mắt, vỏ bóng...

V.A

Bà Trịnh Thị Thuỳ Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật: Chi cục vừa phối hợp với các địa phương lấy khoảng 50 mẫu rau, quả tại các nhà vườn, chợ, siêu thị... trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả hàng trong nước và hàng nhập ngoại; rồi gửi cho Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc để phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản..., hiện đang chờ kết quả. Từ ngày 16-10, Chi cục sẽ lấy mẫu đợt 2.