11:10, 15/10/2012

Đi chợ, sợ... “hét” giá

Chuyện nói thách - trả giá vốn là tập quán từ lâu đời của người Việt. Tuy nhiên hiện nay, việc tiểu thương mặc sức “hét” giá hàng hóa không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng xấu đến văn minh thương mại.

Chuyện nói thách - trả giá vốn là tập quán từ lâu đời của người Việt. Tuy nhiên hiện nay, việc tiểu thương mặc sức “hét” giá hàng hóa không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng xấu đến văn minh thương mại.

Nhìn mặt “áp giá”

Mới đây, tôi dẫn một người bạn ngoài tỉnh đi mua sắm tại chợ Đầm (Nha Trang). Vừa dừng chân trước một quầy hàng túi xách, chúng tôi được người bán hàng cười rất tươi và liến thoắng: “Lựa gì đi bé, chị bán mở hàng cho”, “Em thích kiểu này không? Màu xanh này hợp với em lắm đó”... Đảo mắt ngắm hết các loại túi xách lớn nhỏ, đủ màu sắc, cô bạn tôi có vẻ đã ưng một chiếc thì được chị bán hàng “chém”: “590.000 đồng thôi em ạ. Hàng fake (hàng nhái) loại 1 đó”. Thấy bạn tôi kêu đắt, chị này tiếp lời: “Thì bao nhiêu em cứ trả đi, được giá chị bán”(!). Bạn tôi chỉ trả 300.000 đồng, chị bán hàng nhíu mày: “Từ sáng tới giờ chưa bán được cái nào, em trả thêm cho chị một tiếng nữa đi”. Thấy thái độ có vẻ xuôi của người bán, bạn tôi chắc mẩm bị hớ nên bỏ đi. “400.000 đồng nhé, giá hữu nghị lắm đó, em cứ đi cả chợ cũng không ở đâu có hàng đẹp mà rẻ dưới giá đó đâu” - chị bán hàng gọi với lại. Cô bạn tôi lắc đầu, nháy mắt định đi qua hàng khác xem thì chị này gọi lại đồng ý bán. Bạn tôi nhận hàng mà vẫn băn khoăn không biết mình có bị hớ hay không.

Khách mua hàng tại chợ Đầm.
Khách mua hàng tại chợ Đầm.

Mệt mỏi vì mặc cả đã đành, nhiều người mua hàng còn được người bán “khuyến mại” thêm vài câu “chửi khéo”. Như trường hợp của hai cô gái trẻ đi mua hàng ở chợ Xóm Mới. Hai cô thử đến 4, 5 chiếc đầm mới ưng được một chiếc. Người bán hàng nói giá 450.000 đồng, các cô chỉ trả 250.000 đồng. Người bán nài nỉ trả thêm, sau một hồi kỳ kèo, một cô cũng mua được chiếc đầm với giá 350.000 đồng. Nhận tiền xong, chủ hàng ngay lập tức gằn giọng: “Từ sáng tới giờ, mua thì chả mua, toàn thấy thử chán chê rồi đi. Trả giá không bằng vốn, ngày nào cũng gặp khách thế này chắc bỏ nghề sớm!”. Hai cô bạn rảo mấy bước mới quay ra bảo nhau: “Sợ quá, lần sau chẳng bao giờ ghé vào đây nữa”.

Mua hàng ở các sạp có niêm yết giá, người tiêu dùng có tâm lý yên tâm hơn. Song thực tế, không ít nơi giá niêm yết một đằng, bán một nẻo. Tuy nhiều nơi có ghi giá nhưng nếu khách hàng khéo mặc cả vẫn có thể mua được giá rẻ hơn. Tại khu thực phẩm tươi sống ở chợ Đầm, các tiểu thương có trang bị một tấm bảng ghi giá từng mặt hàng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều sản phẩm được bán ra không trùng khớp với giá được ghi trên bảng. Ví dụ như thịt heo ba chỉ ghi giá 80.000 đồng/kg nhưng có khi tiểu thương bán 75.000 đồng, có lúc lại bán 85.000 đồng; thịt bò ghi 240.000 đồng/kg nhưng lúc bán 230.000 đồng, có lúc lại bán 250.000 đồng... Một tiểu thương tại đây lý giải: “Giá cả thực phẩm tươi sống tùy theo thời điểm, mùa vụ, lượng hàng về chợ... Thậm chí, giá lúc sáng và chiều cũng khác nhau. Giá trên bảng chỉ là tham khảo. Còn các mặt hàng nhỏ lẻ như: rau xanh, trái cây, đồ gia dụng… mỗi thứ một giá, không thể niêm yết hết giá lên được”.

Kiểm tra không xuể

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử phạt khoảng 200 trường hợp vi phạm về không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết (tập trung vào các mặt hàng như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, dược phẩm, gas, thực phẩm các loại, đồ chơi trẻ em). Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế vi phạm hiện nay. Ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, việc kiểm tra, giám sát thực hiện về giá trên địa bàn tỉnh là công tác trọng điểm, được tiến hành liên tục, thường xuyên. Tuy nhiên, do lực lượng kiểm tra còn mỏng trong khi địa bàn kinh doanh rộng, phân tán nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe...

Theo ông Võ Quốc Tuyên - Trưởng Ban quản lý chợ Xóm Mới, việc mua bán nói thách - trả giá là tập quán lâu đời của người Việt Nam. Hiện nay, Ban quản lý chợ chủ yếu chỉ xử lý các vi phạm theo hướng nhắc nhở. Ngoài ra, Ban thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về văn minh thương mại để nâng cao ý thức của tiểu thương trong việc giao tiếp và bán hàng.

V.A