10:09, 06/09/2012

Trăm khó đổ đầu… người tiêu dùng

Áp lực từ những lần tăng giá liên tiếp của xăng dầu, gas, thực phẩm trong thời gian ngắn đã đổ thêm gánh nặng lên vai người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp.

Áp lực từ những lần tăng giá liên tiếp của xăng dầu, gas, thực phẩm trong thời gian ngắn đã đổ thêm gánh nặng lên vai người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp.

Xăng, dầu, gas đi trước…

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, xăng dầu đã tăng giá liên tiếp 4 lần. Lần tăng giá gần đây nhất là vào ngày 28-8 với mức tăng 660 đồng/lít, đưa giá xăng A92 lên mức kỷ lục: 24.120 đồng/lít. Nối tiếp giá xăng dầu, ngày 1-9, giá gas Petrolimex và nhiều hãng khác cũng tăng mạnh ở mức 51.000 đồng/bình 12kg, đồng nghĩa với việc trong 1 tháng, gas đã tăng tới 103.000 đồng/bình 12kg, đưa giá bán lẻ lên 415.000 - 427.000 đồng/bình12kg.

Dường như đã thành quy luật, các mặt hàng này đều tăng nhảy vọt nhưng giảm lại… nhỏ giọt. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 6 lần với tổng cộng hơn 6.000 đồng/lít trong khi giảm 5 lần tổng cộng hơn 3.200 đồng/lít. Giá bán lẻ gas cũng đã 6 lần tăng giá, tổng cộng hơn 240.000 đồng/bình 12kg nhưng chỉ giảm 4 lần với tổng cộng 160.000 đồng/bình 12kg. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho người tiêu dùng, bởi đây là 2 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Bà Lê Thị Trúc (Phước Long, Nha Trang) cho biết, gia đình bà có 4 người thì 3 người sử dụng xe máy để đi lại. Trung bình, chi phí tiền xăng xe hàng tháng của cả gia đình ngót nghét 1 triệu đồng. Gần đây, giá xăng tăng liên tục, chi phí đi lại của nhà bà phải tốn thêm khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Chưa kể tiền gas, cứ 2 tháng rưỡi lại dùng hết 1 bình. “Giá tăng thì nhiều, giảm thì ít. Mỗi lần tăng, doanh nghiệp đều viện đủ lý do, rốt cuộc, chỉ người làm công ăn lương là chịu thiệt” - bà Trúc phân trần.

Tuần qua, giá thực phẩm tươi sống lại tiếp tục nhích lên.
Tuần qua, giá thực phẩm tươi sống lại tiếp tục nhích lên.

Chợ lẻ “té nước” theo sau

Việc tăng giá xăng dầu, gas không chỉ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng mặt hàng này, mà còn gây áp lực tăng giá gián tiếp tới nhiều mặt hàng khác. Chỉ vài ngày sau khi giá xăng dầu tăng, giá một số thực phẩm tại các chợ cũng rục rịch tăng theo. Theo ghi nhận của chúng tôi, tuần qua, giá một số loại rau, củ ở chợ đầu mối tiếp tục tăng nhẹ do cước vận chuyển từ Đà Lạt xuống Nha Trang đã tăng 10 - 15% so với tháng trước. Bà Nguyễn Thị Phúc, tiểu thương chợ Xóm Mới (Nha Trang) cho biết: “Giá rau, quả hiện chịu tác động từ giá cước vận chuyển, mùa vụ, thời tiết và cả tâm lý sợ rau, củ Trung Quốc chứa chất độc hại”. Để dễ bán, bà Phúc vẫn giữ giá cũ nhưng phải bó rau nhỏ đi. Nhưng đối với các loại củ, quả bán theo cân thì người bán buộc phải tăng từ 500 - 2.000 đồng/kg so với tuần trước để bù chi phí vận chuyển. Cụ thể, hiện súp lơ có giá 8.000 - 12.000 đồng/cây, bí ngô 12.000 - 18.000 đồng/kg, cải thảo 11.000 đồng/kg, thanh long 20.000 - 25.000 đồng/kg, bơ Đà Lạt 20.000 - 28.000 đồng/kg...

Tuần qua, tại các chợ lẻ, giá thịt gà, thủy hải sản cũng tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Cụ thể, gà mái còn sống tăng từ 85.000 lên 88.000 - 90.000 đồng/kg, gà trống làm sẵn từ 95.000 lên 105.000 - 110.000 đồng/kg, gà mái ta làm sẵn từ 110.000 lên 115.000 - 120.000 đồng/kg, cá thu 160.000 lên 180.000 đồng/kg, cá lóc 60.000 lên 65.000 đồng/kg, tôm loại vừa 150.000 lên 170.000 - 180.000 đồng/kg. Một tiểu thương tại chợ Đầm lý giải: “Dịp nghỉ lễ 2-9 năm nay, người dân địa phương ít đi du lịch mà thường tổ chức ăn uống tại nhà. Bên cạnh đó, khách du lịch tới Nha Trang đông hơn ngày thường nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng theo. Cũng trong thời gian này, giá xăng lại tăng, hàng hóa phải qua nhiều khâu trung gian vận chuyển..., tất cả góp phần đẩy giá thực phẩm tăng nhẹ”.

Sau một thời gian kìm giá vì bán chậm, vừa qua, một số cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ cũng rục rịch tăng giá 1.000 - 2.000 đồng/tô bún, phở... “Hơn 1 tháng nay, gas tăng hơn 100.000 đồng/bình 12kg, nếu tôi không tăng giá thì phải nghỉ bán” - bà P.T.D, kinh doanh hàng ăn uống tại chợ Bình Tân (Nha Trang) cho hay.

Siêu thị ổn định giá nhưng cung không đủ cầu

Duy chỉ có các siêu thị, giá hàng hóa nhìn chung vẫn ổn định. Ông Nguyễn Chí Điền - Trưởng ngành hàng thực phẩm Siêu thị Co.opMart Cam Ranh cho biết, việc cung ứng hàng vào siêu thị phải theo kế hoạch, hợp đồng nên không có chuyện “đội” giá bất thường. Siêu thị cũng thường xuyên đàm phán với các nhà cung cấp để giữ giá ổn định. Ngoài ra, nhiều mặt hàng như thực phẩm, dầu ăn, gạo, nước mắm... đang giảm giá mạnh do Siêu thị triển khai chương trình “Tự hào hàng Việt” nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay, số siêu thị chưa nhiều, lượng hàng hóa tại đây cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng chủ yếu vẫn qua các chợ lẻ. Chính vì vậy, biến động giá cả tại các chợ lẻ đã tác động không nhỏ tới đời sống của những người có thu nhập thấp. Bà Trần Thị Thủy (Vĩnh Hải, Nha Trang) lo lắng: “Nếu giá cả cứ tiếp tục tăng như hiện nay, tiền lương công chức của tôi không đủ chi tiêu sinh hoạt, chưa nói việc để dành lúc ốm đau, bệnh tật, chăm sóc con cái”.

V.A