Tác động từ việc tăng giá xăng dầu liên tiếp với mức tăng cao trong vòng chưa đầy 1 tháng đã đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng nhích lên, khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật.
Tác động từ việc tăng giá xăng dầu liên tiếp với mức tăng cao trong vòng chưa đầy 1 tháng đã đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng nhích lên, khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật.
. Chợ lẻ “ăn theo” giá xăng
Bà Mai Thị Tuyền (Lộc Thọ, Nha Trang) cho biết, chỉ vài ngày sau khi giá xăng tăng 1.130 đồng/lít (ngày 13-8), giá một số mặt hàng thực phẩm đã rục rịch tăng theo. Điển hình như rau, quả nhập từ Đà Lạt tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Một kg bắp cải trước đây có giá 10.000 - 12.000 đồng nay tăng lên 16.000 đồng/kg; cà chua từ 8.000 đồng/kg lên 10.000 - 12.000 đồng/kg, khoai tây lên tới 20.000 đồng/kg… Giá nhiều loại rau xanh gieo trồng trong tỉnh như đậu que, dưa leo, rau cải xanh, bí xanh… cũng tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg… Còn bà T.H.Thúy (Vĩnh Thạnh, Nha Trang) cho biết, mọi khi đi chợ bà thường mua khoán theo một số tiền nhất định. Trước đây, bà mua 5.000 - 8.000 đồng rau đủ ăn cả ngày thì nay cũng chừng ấy tiền nhưng chỉ đủ ăn một bữa. “Chưa kịp mừng vì khoảng 2 tháng nay, giá hàng hóa bình ổn thì nay giá cả lại có chiều hướng đội lên theo giá xăng. Không chỉ tốn thêm chi phí đi lại, người dân lo nhất là tình trạng “té giá” theo xăng vốn đã thành quy luật” - bà Thúy nói. “Thực ra, rau, quả Đà Lạt có xu hướng tăng từ vài tháng nay do tâm lý người tiêu dùng lo sợ rau, quả Trung Quốc chứa hóa chất độc hại. Tuy nhiên, do sự cộng hưởng của giá xăng, giá cước vận chuyển tăng nên giá bán lẻ rau, quả cũng tăng tiếp. Đối với rau, củ gieo trồng trong tỉnh, giá tăng không chỉ do thời tiết nắng nóng, rau xanh chậm phát triển, dễ sinh bệnh mà còn bởi chi phí đầu tư như phân bón, điện nước, xăng dầu… tăng” - một tiểu thương tại chợ Bình Tân, Nha Trang lý giải.
Giá thịt gia cầm tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với tuần trước. |
Thịt gia cầm cũng là mặt hàng có mức tăng giá mạnh. “Giá thịt gà, thịt vịt các loại đã tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, gà mái còn sống tăng từ 80.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg, gà trống làm sẵn từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg, gà mái ta làm sẵn từ 100.000 đồng/kg lên 115.000 đồng/kg, vịt làm sẵn từ 80.000 - 100.000 đồng/kg lên 85.000 - 120.000 đồng/kg… Bà Nguyễn Thị Chi (chợ Xóm Mới, Nha Trang) cho biết: “Thịt gia cầm tăng cao chủ yếu do nhu cầu thu mua phục vụ cho dịp lễ 2-9 sắp tới, trong khi nguồn cung giảm do nạn vận chuyển lậu được ngăn chặn. Bên cạnh đó, giá xăng tăng cũng tác động phần nào tới giá mặt hàng này do phí vận chuyển tăng”.
Do ảnh hưởng của giá xăng, giá dịch vụ ăn uống tuy không tăng đồng loạt như trước nhưng một số cơ sở nhỏ lẻ đã có sự điều chỉnh tăng 5 - 10%. Một số đại lý kinh doanh hàng tiêu dùng như thực phẩm đóng hộp, dầu gội, sữa tắm, nước ngọt, sữa… cũng tăng giá bán từ 3 - 5%. Lý giải về việc tăng giá nhiều mặt hàng, bà Xuân, tiểu thương chợ Bình Tân (Nha Trang) cho biết: “Giá xăng giảm thì ít mà tăng thì nhiều. Từ đầu năm đến nay, xăng tăng giá 5 lần, giảm 5 lần nhưng mức tăng lên tới hơn 5.400 đồng/lít còn giảm chỉ 3.200 đồng/lít. Khi xăng dầu tăng giá ở mức thấp, chúng tôi còn nghe ngóng thị trường, vì hàng đã ế ẩm, tăng nữa thì không bán được. Nhưng khoảng 1 tháng nay, giá xăng tăng liên tục tới 3 lần, phí vận chuyển tăng cao. Trước đó, giá gas, điện, nước… cũng tăng đã ảnh hưởng tới giá đầu ra của sản phẩm, nếu tôi không tăng giá bán thì lỗ vốn”.
Giá rau xanh liên tục tăng cao. |
Theo Ban quản lý các chợ đầu mối như chợ Đầm, chợ Xóm Mới…, giá cả hàng hóa không có sự biến động lớn, đồng thời giá tại các chợ đầu mối ổn định hơn so với các chợ nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số mặt hàng giảm do đã qua mùa du lịch, nhu cầu thu gom từ các nhà hàng để phục vụ khách du lịch giảm: cá thu 160.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg), cá lóc 60.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), tôm bạc 200.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg)…
Tuy nhiên, việc giá xăng tăng liên tiếp khiến sức mua càng èo uột hơn do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt hầu bao. Bà Trần Thị Hòa (Vĩnh Nguyên, Nha Trang) cho biết, trước đây bà hay đi chợ cóc gần nhà cho tiện. Nhưng nay, để tiết kiệm, bà tranh thủ dậy sớm để đi chợ Đầm. “Mỗi lần đi chợ đầu mối, tôi mua rau, củ, quả hết gần 80.000 - 100.000 đồng, sử dụng trong vòng 1 đến 2 tuần, trong khi mua hàng ở chợ cóc cũng phải tốn ít nhất 20.000 đồng tiền rau, quả mỗi ngày. Ngoài ra, chịu khó đi xa một chút nhưng không phải đi lại nhiều lần, cũng tiết kiệm được tiền xăng xe” - bà Hòa nói.
. Tăng cường kiểm soát thị trường
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, sau 2 tháng liên tiếp giảm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 đã tăng mạnh trở lại với mức tăng 2,67% so với tháng trước và tăng 5,64% so với tháng 12 năm trước. Tăng mạnh nhất là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 53,2% do từ ngày 1-8, Khánh Hòa áp dụng khung giá dịch vụ y tế mới. Chỉ số giá của các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn cũng tăng mạnh sau khi một loạt mặt hàng cơ bản được điều chỉnh tăng giá liên tục và ở mức cao. Điển hình là nhóm giá nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,52% do giá gas tăng mạnh 52.000 đồng/bình 12kg, giá nước tăng 0,18%, giá điện sinh hoạt tăng hơn 2% (do tính giá gối đầu tháng trước)… Nhóm giao thông tăng cao thứ 3 với mức tăng 1,06% do 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu chỉ trong 1 tháng. Các nhóm hàng khác như thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, thiết bị đồ dùng gia đình… cũng nhích lên từ 0,02 - 0,5% so với tháng trước. Riêng nhóm lương thực giảm nhẹ, nhóm hàng bưu chính viễn thông ổn định.
Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 có thể tăng từ 0,4 - 0,6% do nhiều trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đang cân nhắc việc tăng học phí trong năm học 2012 - 2013, đồng thời một số dụng cụ học tập cũng có mức tăng mới. Ngoài ra, sắp tới dịp lễ 2-9, nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và khách du lịch dự kiến tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả các mặt hàng. Ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện các giải pháp bình ổn giá thị trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá…), nhất là các mặt hàng thiết yếu như sữa, gas, cước vận tải, lương thực, thực phẩm… nhằm tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý.
V.T