Chợ truyền thống hiện chiếm 80% kênh phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay hàng Việt tại các chợ vẫn lép vế trước hàng nhập lậu…
Chợ truyền thống hiện chiếm 80% kênh phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, hiện nay hàng Việt tại các chợ vẫn lép vế trước hàng nhập lậu…
. Hàng Việt lép vế so với hàng nhập lậu
Không thể phủ nhận, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động đã bước đầu tạo niềm tin của NTD đối với các sản phẩm trong nước. Nhiều chương trình đưa hàng Việt về các chợ nông thôn được doanh nghiệp (DN) trong tỉnh hưởng ứng, góp phần làm cho thị trường tiêu thụ hàng nội từng bước mở rộng. Tuy nhiên, có một thực tế là chợ truyền thống vẫn đang chiếm tới 80% kênh phân phối hàng hóa tại Việt Nam nhưng hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc nhập lậu vẫn chiếm tỷ lệ từ 70-90%. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), tại các chợ, hàng Việt chỉ có thực phẩm chiếm hơn 90% cơ cấu hàng hóa, còn các ngành hàng khác vẫn chiếm tỷ lệ thấp.
Nhiều mặt hàng ở chợ không có nhãn mác, người tiêu dùng khó phân biệt hàng sản xuất trong nước và hàng nhập lậu. |
Dạo qua các sạp chợ, NTD dễ dàng nhận thấy hàng hóa rất đa dạng và có phần bát nháo về xuất xứ, chất lượng. Hỏi mua túi xách sản xuất trong nước tại một sạp bán túi xách (chợ Đầm, Nha Trang), chúng tôi được bà Lê Thị Hường, chủ sạp hàng cho biết: “Có một số túi xách được nhập từ TP. Hồ Chí Minh, giá mềm nhưng mẫu mã, kiểu dáng không bắt mắt bằng hàng Quảng Châu”. Người bán cũng không quên quảng bá có rất nhiều túi xách gắn mác Louis Vuitton, Chanel… “đẹp không kém gì hàng hiệu”. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các sản phẩm không có nhãn mác, hoặc nhãn mác không ghi rõ nơi sản xuất. Theo bà Hường, hàng xuất xứ ở đâu không quan trọng, miễn là cập nhật mốt mới, có nhiều người sử dụng. Các sạp bán đồ lưu niệm, mỹ phẩm, đồ chơi, quần áo... cũng nhan nhản hàng không rõ xuất xứ.
Đối với mặt hàng thực phẩm, thời gian gần đây, sau nhiều vụ phát hiện thực phẩm nhập ngoại không đảm bảo chất lượng, chứa chất gây ung thư, NTD đã cảnh giác hơn và ưu tiên chọn hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, có một thực tế là rất khó để nhận biết được đâu là hàng nhập lậu, đâu là hàng sản xuất trong nước. Bà Trần Thị Tuyết (Vĩnh Hải, Nha Trang) phân trần: “Lâu nay, tôi mua sắm chủ yếu bằng kinh nghiệm và cảm tính. Thấy thực phẩm còn tươi, nhìn đẹp mắt, giá hợp lý thì mua, chứ tôi cũng không phân biệt được hàng Trung Quốc với hàng Việt. Thấy NTD né thực phẩm Trung Quốc, nhiều người bán khẳng định là thịt, trái cây… trong nước, tuy nhiên không ai kiểm chứng điều này. Vì vậy, không riêng gì thực phẩm mà với tất cả các mặt hàng, các đơn vị kinh doanh hàng trong nước cần gắn nhãn mác, ký hiệu nhận biết rõ ràng để NTD yên tâm mua về sử dụng”.
. Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà
Lý giải vì sao hàng Việt lép vế tại các chợ truyền thống, ông Nguyễn Văn Tâm, tiểu thương chợ Xóm Mới (Nha Trang) cho biết: “Hàng hóa nước ngoài mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại phải chăng, hợp với thị hiếu của phần lớn NTD. Chẳng hạn, quần áo, giày dép Trung Quốc giá chỉ từ 80 - 150 nghìn đồng/chiếc (đôi), còn hàng Việt bình dân có giá tương đương nhưng thua kém về chất lượng, mẫu mã. Riêng các nhãn hiệu may mặc trong nước của thương hiệu lớn lại có giá cao gấp 3, 4 lần nên chỉ có mặt ở các shop thời trang, siêu thị chứ tôi không dám nhập về chợ để bán”.
Hàng Việt lép vế ở chợ truyền thống còn do nhiều DN vẫn tập trung xuất khẩu, hoặc đưa hàng vào các trung tâm thương mại, siêu thị; chưa đầu tư cho khâu tiếp thị, phân phối về các chợ. Ông T.T.A, Giám đốc một công ty may tại Khánh Hòa cho biết, hiện Công ty vẫn đang gia công các sản phẩm áo thun, áo sơ mi… cho các công ty lớn. Khi ra thị trường, sản phẩm mang thương hiệu Ninomaxx và một số thương hiệu khác. Hiện Công ty đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng và tập trung vào phân khúc siêu thị, shop thời trang. Còn đối với các chợ truyền thống, Công ty này cũng có hướng nhắm tới nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong việc tổ chức hệ thống phân phối. Ngoài ra, giá sản phẩm khá cao, người đi chợ không mấy mặn mà.
Hệ thống phân phối chưa đủ mạnh và phương thức thanh toán thiếu linh hoạt cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiểu thương không nhiệt tình với việc phối hợp với các đối tác sản xuất và kinh doanh trong nước. Ông Nguyễn Trọng Hòa, tiểu thương kinh doanh tại chợ Đầm cho biết, không ít lần ông cần nhập một số mặt hàng trong nước nhưng DN đang tập trung hàng cho xuất khẩu nên không có hàng, muốn bán thì phải đặt trước. Thậm chí, một số đơn vị khoán doanh thu gây khó khăn cho việc kinh doanh của tiểu thương. Ông Phạm Trọng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, hiện DN Việt chủ yếu áp dụng theo hình thức mua đứt bán đoạn, trả tiền mới lấy được hàng. Trong khi đó, đối tác nước ngoài lại có phương thức thanh toán dễ dàng và linh hoạt, thủ tục đơn giản hơn. Họ cho tiểu thương mua theo dạng gối đầu, nghĩa là tiền hàng đợt trước sẽ được thanh toán khi giao hàng ở đợt sau. Do đó, các tiểu thương không mấy mặn mà khi nhập hàng trong nước.
Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 120 chợ truyền thống. Đây vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ lực tới NTD. Việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống cũng là ưu tiên hàng đầu trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Một số DN đã và đang có những chiến lược thâm nhập chợ truyền thống. Bà Nguyễn Thị Thái Bình - Giám sát thị trường của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết: “Hệ thống phân phối của công ty về các chợ nông thôn vẫn còn yếu kém. Do đó, chúng tôi đang tìm cách giải quyết những khó khăn ở khâu phân phối, nghiên cứu chính sách bán hàng linh hoạt đến vùng sâu, vùng xa, đồng thời nghiên cứu giảm giá sản phẩm”.
Theo ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương, DN cần có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí, tiềm năng của các chợ truyền thống, cần chú trọng hơn đến đối tượng thu nhập thấp thông qua xây dựng kênh phân phối tại các chợ truyền thống. Để chiếm được lòng tin của NTD, các nhà sản xuất cần nghiên cứu cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm cho bắt mắt. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách, phương thức tiếp cận phù hợp để đưa sản phẩm vào chợ một cách hiệu quả, đặc biệt là tiếp cận các chợ đầu mối bán buôn; xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng, tiếp thị năng động…
V.T