Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn năm 2012” do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức sẽ có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mạnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với chủng loại hàng hóa đa dạng và nhiều ưu đãi dành cho người dân khi mua sắm.
Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn năm 2012” do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM) tổ chức sẽ có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) mạnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với chủng loại hàng hóa đa dạng và nhiều ưu đãi dành cho người dân khi mua sắm.
Đa dạng hàng hóa
Chương trình Hàng Việt về nông thôn năm 2012 sẽ có 2 phiên chợ được tổ chức tại 2 địa điểm: Sân vận động phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa (ngày 25 và 26-7) và Trường Tiểu học Cam An Nam, huyện Cam Lâm (ngày 28 và 29-7). Theo Ban tổ chức, 2 địa điểm trên được chọn để tổ chức phiên chợ hàng Việt là bởi sau vài năm triển khai, hiện nay xu thế của chương trình hướng về các khu vực trung tâm thị xã, thị trấn và những nơi chưa có kênh phân phối của các thương hiệu Việt. Ngoài ra, do khu vực tổ chức phiên chợ ở Ninh Hòa được xác định là nơi có sức mua lớn hơn ở Cam Lâm nên thời gian tổ chức phiên chợ tại Cam Lâm được ưu tiên xếp vào 2 ngày cuối tuần, nhằm tạo điều kiện cho người dân sắp xếp thời gian mua sắm.
Năm nay, mỗi phiên chợ sẽ có 28 gian hàng của 16 đơn vị, DN trong tỉnh sản xuất, kinh doanh nhiều chủng loại hàng hóa phong phú như: đồ gia dụng, thực phẩm công nghệ, thời trang, hóa mỹ phẩm… Ngoài các đơn vị đã gắn bó với nhiều phiên chợ về nông thôn như: Siêu thị Co.opMart Cam Ranh, Siêu thị Citimart Nha Trang, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, DN Tư nhân Chín Tuy, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa…, chương trình lần này còn thu hút nhiều DN mạnh lần đầu tiên tham gia phiên chợ hàng Việt như: Công ty Thương mại Khatoco, Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang, Công ty Yến sào Khánh Hòa… Dịp này, các đơn vị tham gia sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi dành cho khách hàng mua sắm.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại Vạn Ninh năm 2011 |
Nhằm tạo điều kiện cho DN tổ chức hoạt động bán hàng, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ tiền vận chuyển và dựng gian hàng cho DN. Ngoài ra, các đơn vị tham gia phiên chợ được miễn phí các khoản chi phí: Mặt bằng, thiết kế, trang trí cổng chào, tuyên truyền, cổ động chung cho phiên chợ; lắp đặt hệ thống điện và giữ gìn trật tự, an ninh trong phạm vi khu vực phiên chợ… Các DN tham gia phiên chợ cam kết thực hiện đúng các quy định như: Kinh doanh hàng hóa được sản xuất trong nước; không bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng gian (hàng trộm cắp), hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đúng quy định về tem, nhãn mác; hàng quá hạn sử dụng, hàng không bảo đảm chất lượng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Bà Phan Thị Thu Cúc (Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương) cho biết: “Năm nay là năm thứ 2 Trung tâm KC-XTTM tỉnh đứng ra tổ chức chương trình Hàng Việt về nông thôn (năm 2009 và 2010, chương trình do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN - BSA tổ chức). Mục tiêu của chương trình vẫn nhằm quảng bá sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu của DN trong nước, đồng thời giúp người dân vùng nông thôn có điều kiện tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả ưu đãi, từ đó giảm thiểu việc tiêu dùng hàng ngoại nhập, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ”. Với mục tiêu đó, năm nay, khâu tuyên truyền, quảng bá cho chương trình hàng Việt về nông thôn được Ban tổ chức đẩy mạnh hơn trước.
Hiện nay, công tác chuẩn bị cho phiên chợ hàng Việt đang được Ban tổ chức và các DN tập trung thực hiện. Với những kinh nghiệm đã có trong quá trình đứng ra tổ chức phiên chợ hàng Việt năm 2011, Trung tâm KC-XTTM tỉnh gặp nhiều thuận lợi trong quá trình vận động DN tham gia chương trình. Nhiều DN cũng hiểu rõ hơn ý nghĩa lâu dài của chương trình và hưởng ứng tích cực. Ông Nguyễn Hồng Kiên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Violet, một trong những đơn vị tích cực tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn cho rằng, trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, DN phải cắt giảm chi phí marketing, thu hẹp kênh phân phối qua các đại lý… Tuy nhiên, phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một chương trình quan trọng mà Công ty đang tập trung thực hiện. Khi tham gia phiên chợ hàng Việt về các vùng nông thôn, DN không quá chú trọng vào việc lời lãi ở doanh số bán hàng. Hiệu quả từ chương trình cũng không phải tức thời, có thể trông thấy ngay. Hy vọng, thông qua phiên chợ lần này, DN sẽ hiểu hơn về thị trường nông thôn để gắn kết với mạng lưới bán lẻ, thành lập kênh phân phối ở khu vực nhiều tiềm năng này.
V.A
Ông Phạm Trọng Thái, Phó Giám đốc Trung tâm KC-XTTM: “Những năm trước, nhiều người dân không biết đến các phiên chợ hàng Việt, một số người khi tới nơi thì phiên chợ đã gần kết thúc. Năm nay, Ban tổ chức rút kinh nghiệm nên đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền thông qua băng rôn, cờ phướn, xe cổ động, đài truyền thanh huyện và chương trình văn nghệ nhằm thu hút bà con tham quan, mua sắm. Đặc biệt, 3 ngày liên tiếp trước khi các phiên chợ khai mạc, xe cổ động quảng bá chương trình sẽ hoạt động liên tục để thông tin tới bà con”.