04:05, 03/05/2012

Lo ngại khi sử dụng gas nhanh hết

Gần đây, khi giá gas liên tục biến động, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến việc tiết kiệm gas và thắc mắc về tình trạng sử dụng gas nhanh hết. Bên cạnh nguyên nhân do người tiêu dùng sử dụng bếp gas chưa đúng cách, còn có nhiều nguyên nhân từ phía cơ sở sản xuất,....

 

Gần đây, khi giá gas liên tục biến động, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến việc tiết kiệm gas và thắc mắc về tình trạng sử dụng gas nhanh hết. Bên cạnh nguyên nhân do người tiêu dùng sử dụng bếp gas chưa đúng cách, còn có nhiều nguyên nhân từ phía cơ sở sản xuất, đại lý và hộ kinh doanh gas, như: nạn sang chiết gas lậu, tiểu xảo cắt giảm trọng lượng bình, kinh doanh gas không đảm bảo chất lượng, phối trộn tỷ lệ thành phần trong khí dầu mỏ hóa lỏng…

Bà Lê Thị Thúy (phường Phước Long, TP. Nha Trang) phản ánh, vài tháng trước, gia đình bà sử dụng một bình gas 12kg trong gần 2 tháng mới hết. Từ khi giá gas tăng cao, bà chuyển sang dùng bình gas của nhãn hiệu gas khác, giá thành lại rẻ hơn khoảng 20.000 đồng/bình. Tuy bình gas này có cùng trọng lượng như bình gas từng sử dụng nhưng gas lại rất nhanh hết, chỉ sử dụng được khoảng 1 tháng. Lo ngại gas không đảm bảo chất lượng, bà Thúy quyết định quay lại sử dụng nhãn hiệu gas trước đây thì thấy bình gas dùng được lâu hơn. “Tôi không biết do hãng gas gian dối về trọng lượng hay do gas kém chất lượng, chỉ biết là gas mau hết” - bà Thúy thắc mắc. Bà Trần Thanh Nga (phường Tân Lập, Nha Trang) cũng cho biết: “Đợt trước, nhà hết gas, tôi gọi điện đến cửa hàng gas gần nhà để lấy bình Petrolimex, nhưng nhân viên lại mang đến bình gas nhãn hiệu khác, vỏ bình màu xám và giải thích do không nghe rõ tôi yêu cầu loại gas gì. Vì đang cần nấu gấp nên tôi cũng cho qua, dùng thử loại gas này. Không ngờ, chỉ được hơn 2 tháng, gas đã hết, trong khi trước đây, nhà tôi đun nấu nhiều hơn nhưng phải gần 3 tháng mới hết một bình gas”.

Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam tại Khánh Hòa cho biết, chất lượng gas phụ thuộc chủ yếu ở tỷ lệ giữa 2 thành phần chính là butane và propane. Do propane có giá nhập khẩu rẻ hơn butane 50 USD (chưa tính thuế) nên nhiều cơ sở sản xuất gas đã gia tăng thành phần propane để giảm giá thành sản phẩm. Nếu thành phần propane và butane được các cơ sở pha với tỷ lệ 70/30 hoặc 80/20 thì trung bình mỗi bình gas 12kg, họ sẽ lãi thêm khoảng 20.000 đồng so với bình gas được pha 2 thành phần trên với tỷ lệ tương đương nhau. Bình gas nào có thành phần propane nhiều hơn thì khi sử dụng sẽ nhanh hết gas hơn, do trong cùng điều kiện, môi trường cháy, nhiệt lượng của butane lớn hơn propane khoảng 30%.

Một nguyên nhân khác khiến các gia đình sử dụng gas nhanh hết còn do việc sang chiết gas lậu, gas kém chất lượng, bình gas không đủ trọng lượng… Theo một số doanh nghiệp kinh doanh gas, hầu hết nhãn hiệu gas có tên tuổi đều bị làm giả và sang chiết lậu. Ông Vân cho biết, khoảng 20% vỏ bình gas đưa ra thị trường đã không quay lại khâu kiểm định bởi được các cơ sở sang chiết lậu gas giữ lại. Công nghệ làm giả cũng rất tinh vi. Trong khi đó, người tiêu dùng thường không để ý, hoặc có để ý cũng khó mà nhận biết vì hàng giả cũng có niêm phong hoặc tem chống giả như… hàng thật!

Đại diện một đơn vị kinh doanh gas tại Khánh Hòa cho biết, các đối tượng chiếm dụng vỏ bình thường chiết thiếu từ 0,5 đến 1kg/bình 12kg, rồi bán cho người tiêu dùng với giá thấp hơn giá chính hãng. Để đảm bảo mua gas không bị thiếu, người tiêu dùng nên cộng trọng lượng gas với trọng lượng vỏ bình (ghi trên bình gas). Chẳng hạn, với bình gas Petrolimex chính hãng trọng lượng 12kg, trọng lượng vỏ bình là 13,6kg thì tổng trọng lượng cả bình gas phải là 25,6kg. Trọng lượng vỏ bình của mỗi nhãn hiệu gas khác nhau. Các cơ sở sử dụng bình gas giả còn dùng tiểu xảo ghi giảm trọng lượng vỏ bình để ăn gian trọng lượng gas. Vì vậy, khi hết gas, người tiêu dùng nên cân lại vỏ bình trước khi đổi bình gas mới. Việc sang chiết gas trái phép không chỉ tạo điều kiện cho các cơ sở gian dối về trọng lượng gas, giảm chất lượng gas mà còn dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao (do không được kiểm định thường xuyên, không đảm bảo an toàn).

Ngoài ra, việc sử dụng gas nhanh hết còn có thể do bếp nấu kém chất lượng hoặc cách đun nấu chưa tiết kiệm gas. Chẳng hạn, bật bếp vài lần không thấy lên lửa, nhiều người nghĩ rằng đã hết gas và gọi thay bình gas, nhưng thực tế là do bếp có vấn đề và bình vẫn còn gas. Để dùng gas tiết kiệm, người sử dụng nên điều chỉnh ngọn lửa ở mức vừa phải, lửa bám quanh đáy nồi; không nên bật, tắt bếp nhiều lần; nên dùng nồi nấu với độ dày phù hợp, thường xuyên chùi rửa bếp gas sạch sẽ, tránh bít các lỗ khí khiến gas bị thất thoát…

K.D

Hiện nay, Việt Nam chưa quy định tỷ lệ propane và butane đối với khí dầu mỏ hóa lỏng. Nhiều cơ sở sản xuất gas áp dụng theo tiêu chuẩn của Mỹ, với tỷ lệ propane và butane là 50/50, 60/40 hoặc ngược lại. Việc định tỷ lệ này thế nào tùy vào đăng ký của từng công ty đối với Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, tuy nhiên, tỷ lệ này đều được các nhà cung cấp ghi rõ trong hợp đồng cung cấp gas cho đại lý. Một số hãng gas lớn có tỷ lệ thành phần propane và butane là 30/70 nên giá gas cao hơn, nhưng thời gian sử dụng gas lại lâu hơn. Nhưng không ít đại lý nhập gas có tỷ lệ propane cao bởi giá thành rẻ, hàng dễ bán hơn (ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam tại Khánh Hòa)