Do người dùng thiếu kiến thức nên việc sửa chữa hàng điện máy như thế nào, giá cả ra sao, chất lượng linh kiện thay thế có đảm bảo hay không…
Do người dùng thiếu kiến thức nên việc sửa chữa hàng điện máy như thế nào, giá cả ra sao, chất lượng linh kiện thay thế có đảm bảo hay không… chỉ có các kỹ thuật viên trong lĩnh vực này mới biết. Chính cách làm việc theo kiểu “ăn xổi” đã làm giảm uy tín của nhiều cơ sở sửa chữa điện máy, còn người tiêu dùng (NTD) cũng… một đi không trở lại.
Anh Q.T (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) kể, mới đây, anh mang chiếc máy tính xách tay Lenovo tới sửa tại cửa hàng Q.N (Nha Trang). Vài ngày sau, nhân viên cửa hàng gọi điện thông báo máy bị hỏng chip, cần phải thay chip mới với giá 1,1 triệu đồng. Anh T. đồng ý. Tuy nhiên, khi anh mang máy đã sửa về dùng được 2 ngày thì lại gặp trục trặc, màn hình liên tục bị chập chờn. Anh T. lại đến cửa hàng trên để kiểm tra. Phải đến hơn 3 tuần, sau nhiều lần gọi điện hoặc đến trực tiếp cửa hàng “hỏi thăm” về tình trạng máy tính, anh T. mới được nhân viên thông báo máy không chỉ hỏng chip mà hỏng cả main (bao gồm cả chip) nên phải thay main mới và đề nghị anh bù thêm 1 triệu đồng. Nếu anh không đồng ý, cửa hàng sẽ trả lại máy với nguyên trạng lúc chưa sửa. Tuy nhiên, sau khi đã thay main mới, nhân viên cửa hàng này lại gọi điện thông báo main mới có giá 3,57 triệu đồng, nghĩa là anh phải bù thêm 2,47 triệu đồng (do đã trả 1,1 triệu đồng tiền chip) chứ không phải chỉ bù 1 triệu đồng như báo giá lúc đầu. “Giá dịch vụ thay đổi nhưng nhân viên lại không thông báo cho khách hàng. Nếu giá sửa chữa quá cao, tôi có quyền không sửa nữa. Đằng này, nhân viên thản nhiên giải thích là đã quên gọi điện báo giá trước. Tôi yêu cầu nhân viên trả lại máy với hiện trạng ban đầu và hoàn lại tiền. Tuy nhiên, đích thân chủ cửa hàng giải trình là nhân viên có lỗi, song do phải chịu chi phí chuyên chở (từ TP. Hồ Chí Minh), chi phí nhân viên kiểm tra, thay lắp… nên yêu cầu tôi chia sẻ chi phí, cửa hàng chỉ trả lại 700.000 đồng. Tôi rất bực mình vì đem sửa chiếc máy tính mất gần 2 tháng, cuối cùng không sửa được lại còn mất “oan” 400.000 đồng” - anh T. bức xúc.
Khách hàng cần yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ hóa đơn, phiếu bảo hành. |
Anh Đ.B (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) cũng “rước” không ít bực mình khi mang máy tính đi sửa tại cửa hàng T. (đường Quang Trung, Nha Trang). Anh B. cho biết: “Tuy đây là một cửa hàng kinh doanh điện máy có tiếng ở Nha Trang, nhưng tôi lại rất thất vọng và bất bình về thái độ, cung cách làm việc của nhân viên cửa hàng này. Khi khách mua hàng thì nhân viên niềm nở, nhiệt tình; đến khi hàng bị lỗi, khách mang đến thắc mắc thì nhân viên phớt lờ, thoái thác. Tôi mua chiếc máy tính để bàn tại đây vào đầu tháng 2-2011. Dùng được một thời gian, máy trục trặc nên phải cài lại liên tục. Khi tôi mang đến bảo hành vào cuối tháng 1-2012, nhân viên nói sẽ kiểm tra và gọi điện lại thông báo tình trạng của máy. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng, nhân viên mới gọi điện thông báo là máy đã hết bảo hành (1 năm), nếu sửa thì khách hàng sẽ phải trả phí”. Theo anh B., trong thời gian máy được mang đi bảo hành, cửa hàng phải cung cấp cho khách hàng sản phẩm tương tự để dùng tạm thời. Tuy nhiên, không những cửa hàng không đưa hàng thay thế mà còn “xếp xó” máy tính của anh cho đến lúc hết hạn bảo hành rồi phủ nhận trách nhiệm.
Nhiều người sử dụng các mặt hàng điện máy đều có chung nhận định, hiện nay, khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào dịch vụ sửa chữa, bảo hành tại các cửa hàng. Là người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử lâu năm tại Nha Trang, anh M.Q cho biết: “Việc sửa chữa, bảo hành thiếu trách nhiệm và lừa dối NTD là vấn đề khá phổ biến trên thị trường hàng điện máy. Do người dùng thiếu kiến thức nên việc sửa chữa hàng điện máy như thế nào, giá cả đắt rẻ ra sao, chất lượng linh kiện thay thế có đảm bảo hay không… chỉ có các kỹ thuật viên mới biết. Chính cách làm việc theo kiểu “ăn xổi” đã làm giảm uy tín của nhiều cơ sở sửa chữa, còn NTD cũng một đi không trở lại”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Lý - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Khánh Hòa, hiện nay, tình trạng mua bán, bảo hành hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng điện tử chưa được các cửa hàng quan tâm đúng mức, gây nhiều bức xúc cho NTD. Không ít đơn vị chỉ bảo hành bằng miệng, không ghi giấy bảo hành rõ ràng, hoặc bảo hành dựa vào phiếu mua hàng. Tình trạng vi phạm trong bảo hành hàng hóa không ít, song số người khiếu kiện đến Hội rất khiêm tốn, bởi NTD đã hòa giải trực tiếp với người bán hoặc chấp nhận cho qua chuyện. Tuy nhiên, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD vừa được Chính phủ ban hành (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5) đã quy định rõ ràng về việc xử phạt các đơn vị kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực bảo hành hàng hóa. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện…, tùy vào giá trị hàng hóa, linh kiện, phụ kiện… sẽ chịu mức phạt thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất có thể lên đến 70 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Minh Lý cho rằng, với những quy định rõ ràng trong Nghị định, NTD sẽ được bảo vệ tốt hơn trước tình trạng thiếu lành mạnh của thị trường. Bà cũng khuyến cáo, NTD khi mua hàng cần yêu cầu người bán hàng cung cấp đầy đủ hóa đơn, giấy tờ bảo hành ghi rõ ràng thời gian và điều kiện bảo hành. Nếu NTD có bức xúc đối với các đơn vị kinh doanh không thực hiện đúng quy định về bảo hành thì nên mạnh dạn phản ánh tới Hội Bảo vệ quyền lợi NTD hoặc các cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
D.S