04:03, 21/03/2012

Sinh viên chật vật trước “bão giá”

Sức ép tăng giá xăng, giá gas, cơm bụi, giá phòng trọ… từ đầu năm đến nay khiến đời sống sinh viên vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Để đối phó với “bão giá”, nhiều sinh viên phải tìm mọi cách tiết kiệm tối đa.

Sức ép tăng giá xăng, giá gas, cơm bụi, giá phòng trọ… từ đầu năm đến nay khiến đời sống sinh viên (SV) vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Để đối phó với “bão giá”, nhiều SV phải tìm mọi cách tiết kiệm tối đa.

“Ai từng trải qua mới thấm thía hết khó khăn của những SV nghèo trọ học xa nhà như chúng em” - Lê Thị Nghĩa, SV năm thứ 3 Trường Đại học Nha Trang, đang ở trọ trên đường Đoàn Trần Nghiệp cho biết. Nghĩa kể: “Trước Tết, chủ nhà trọ đã thông báo tăng giá phòng thêm 100.000 đồng. Sau Tết, SV nhập học chưa được bao lâu thì bà chủ lại thông báo sang tháng 4 sẽ tăng giá phòng thêm 50.000 đồng nữa với lý do giá gas, xăng dầu… tăng. Mặc cho SV phân trần, than thở, chủ trọ vẫn dứt khoát: “Không ở được thì dọn đi!”. “Thế nhưng, chúng em muốn chuyển đi cũng không biết phải đi đâu vì giá nhà trọ ở đâu cũng cao, nơi tăng ít thì 50.000 đồng/tháng, nhiều thì 200.000 - 300.000 đồng. Giá nhà trọ 2 năm trước chỉ có 500.000 đồng/phòng, nay đã lên 800.000 đồng/phòng, cộng thêm tiền điện, nước… cũng lên đến hơn 1 triệu đồng” - Nghĩa nói. Phạm Thị Hòa, bạn cùng phòng với Nghĩa chia sẻ: “Sắp tới, một bạn trong phòng sẽ chuyển sang nhà người quen ở để tiết kiệm tiền nhà trọ. Chúng em đang sốt vó kiếm thêm người ở cùng. Chi phí cho nhà trọ cao quá nên tạm thời chúng em chưa dám mua máy tính, chưa dám nối mạng mà tranh thủ lên thư viện học. Thực ra, chúng em vẫn may mắn hơn nhiều bạn SV khác phải thuê phòng trọ có giá tới 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền điện, nước…) nhưng diện tích phòng chật hẹp, thậm chí không có nhà vệ sinh riêng”.

 Sinh viên đau đầu mỗi khi ra chợ.
  Sinh viên đau đầu mỗi khi ra chợ.

Theo bạn N.Loan, SV đang học liên thông ngành Kế toán tại Trường Đại học Nha Trang, lo lắng của SV không chỉ xoay quanh vấn đề tiền ở trọ mà còn ở nhiều khoản chi tiêu khác. Loan tâm sự: “Học phí kỳ trước là 2,2 triệu đồng, kỳ này đã lên 3 triệu đồng nhưng em không dám nói với bố mẹ vì gia đình vẫn còn khó khăn, chỉ biết tiết kiệm tiền ăn sáng để bù đóng học phí. Tiền chu cấp của bố mẹ chủ yếu dồn vào trang trải chi phí học hành, ăn ở, chứ em chẳng dám tiêu xài lung tung. Dịp Tết vừa rồi, nhớ nhà nhưng em cũng cân nhắc rồi quyết định không về vì giá vé tàu, xe tăng cao. Bố mẹ vẫn động viên em phải chịu khó ăn uống đầy đủ để có sức mà học, nhưng ra chợ thấy thứ gì cũng đắt đỏ. Thế nên, bữa cơm SV quanh quẩn chỉ có mấy món như đậu phụ, rau luộc, trứng chiên, đậu phụng rang…”.

Đời sống thời “bão giá” khó khăn khiến nhiều bạn SV phải tính toán chi tiêu thật cặn kẽ. Phạm Thị Thủy, SV năm thứ 3 Trường Đại học Nha Trang kể: “Phòng trọ của em dùng bình gas mini từ khi giá loại gas này chỉ 4.000 đồng/bình, nay đã tăng gấp đôi, đun chỉ được 2 ngày là lại phải thay bình mới. Cả phòng định ra Tết sẽ sắm bình gas to dùng cho tiết kiệm. Nhưng đầu tháng 3, giá gas tăng cao quá nên chúng em không dám mua nữa. Suy tính mãi, cuối cùng cả phòng quyết định dùng bếp than tổ ong. Mỗi chiếc bếp than có giá từ 50.000 - 120.000 đồng, giá than khoảng 3.500 đồng/viên. Mỗi ngày chỉ cần 1 đến 2 viên than là có thể thoải mái nấu nướng cho cả 2 - 3 phòng trọ”. Còn với các bạn SV sống trong điều kiện khu trọ không sử dụng được bếp than như Tuấn Anh, Trường Cao đẳng Nghề Khánh Hòa lại có cách khác để tiết kiệm đun nấu. Đó là “trung thành” với mấy món chế biến đơn giản như luộc, xào, vừa nhanh gọn, vừa đỡ tốn gas. Thậm chí, có bạn không cần dùng đến bếp gas mà chỉ cần bỏ ra từ 250.000 - 400.000 đồng để sắm nồi cơm điện vừa dùng để nấu cơm, vừa luộc rau, luộc thịt…

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá gas, giới SV còn không khỏi đau đầu và tìm cách xoay xở khi giá xăng tăng mạnh. N.T.Cường, SV ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Nha Trang kể: “Để có thêm thu nhập trang trải cho việc học, em tranh thủ làm thêm vào các buổi chiều tối và ngày cuối tuần ở một quán cà phê. Thu nhập từ việc làm thêm chưa được 1 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí xăng xe đi lại cũng đã tốn 200.000 - 300.000 đồng. Vừa qua, giá xăng tăng cao, em đang băn khoăn xem có nên mua thêm một chiếc xe đạp hay không”. Đối với Cường, đi xe đạp không chỉ tiết kiệm tiền xăng mà còn tiết kiệm được cả tiền gửi xe. Bởi giá giữ xe ở trường hiện đã tăng lên 3.000 đồng/xe máy. Có một số hộ dân mở dịch vụ trông giữ xe gần trường học, giá chỉ 2.000 đồng/xe. Hôm nào đi học sớm, Cường đều gửi xe ở một nhà dân để đi bộ vào trường. “Thời buổi giá cả tăng cao, những SV nghèo như chúng em cố gắng tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó” - Cường tâm sự.

Bài và ảnh: V.T