10:03, 10/03/2012

Nỗi lo… hậu giá xăng tăng

“Cú sốc” tăng giá gas, giá sữa chưa kịp lắng xuống thì ngày 7-3, người tiêu dùng lại một phen “choáng váng” vì giá xăng tăng khoảng 10%. Hậu giá xăng tăng , sức ép lạm phát càng trở nên căng thẳng.

“Cú sốc” tăng giá gas, giá sữa chưa kịp lắng xuống thì ngày 7-3, người tiêu dùng lại một phen “choáng váng” vì giá xăng tăng khoảng 10%. Hậu giá xăng tăng , sức ép lạm phát càng trở nên căng thẳng.

Chỉ trong hơn 2 tháng, mặt hàng gas đã có 5 lần điều chỉnh giá, trong đó có 3 lần tăng giá và 2 lần giảm nhẹ, tổng cộng tăng hơn 100.000 đồng/bình 12kg. Gần đây nhất, ngày 1-3, gas tăng kỷ lục 52.000 đồng/bình 12kg (do giá gas thế giới tăng). Ngay sau đó, ngày 2-3, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0%, đưa giá gas “hạ nhiệt” khoảng 16.000 đồng/bình 12kg. Tuy nhiên, so với việc tăng cao và tăng liên tiếp của giá gas chỉ trong thời gian ngắn thì mức giảm trên vẫn chưa đủ sức bình ổn thị trường. Ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam tại Khánh Hòa cho biết: “Bối cảnh thị trường gas trong nước phải nhập khẩu khoảng 50% thì giá gas sẽ còn chịu tác động lớn từ thị trường thế giới”.

Sau các mặt hàng như: gas, sữa, xăng…, nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng rục rịch tăng giá
Sau các mặt hàng như: gas, sữa, xăng…, nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng rục rịch tăng giá

Do giá gas ở mức cao, từ 449.000 đến 459.000 đồng/bình 12kg, nhiều hộ dân đã chuyển sang dùng than tổ ong, bếp từ, bếp điện… Tuy nhiên, thời gian qua, giá than cũng rục rịch tăng từ 2.000 đồng/viên lên 3.000 đồng/viên và hiện tại là 3.500 đồng/viên. Bà Lê Thị Tuyết - chủ một cửa hàng ăn uống bình dân trên đường Lý Nam Đế, Nha Trang cho biết: “Trung bình mỗi ngày, tôi sử dụng hết 3 viên than tổ ong. Với giá than tăng như hiện nay, tính ra mỗi tháng, chi phí cho đun nấu không hề nhỏ”.

Sữa cũng là mặt hàng liên tục biến động chỉ trong thời gian ngắn. Đầu tháng 3, sữa Nestle đã tăng giá 12 - 18% đối với một số dòng sản phẩm. Trước đó, cuối năm 2011, hàng loạt hãng sữa như: Abbott, Mead Johnson, XO của Hàn Quốc… đã tăng đồng loạt từ 9 đến 18%. Đầu năm 2012, Vinamilk điều chỉnh tăng từ 5 đến 7% đối với dòng sữa nước, sữa chua… Đến tháng 2, sữa Cô gái Hà Lan, YoMost… điều chỉnh tăng khoảng 5%; nhãn hàng Nestle tăng thêm 10% đối với 20 dòng sản phẩm; sữa Anlene, Anmun… tăng từ 5 đến 9%. Nguyên nhân sữa tăng giá vẫn theo điệp khúc: giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao, do thay đổi mẫu mã, do bổ sung vi chất mới…

“Cú sốc” giá gas, sữa leo thang chưa kịp lắng xuống thì ngày 7-3, làn sóng tăng giá lại mạnh mẽ hơn khi giá xăng tăng 2.100 đồng/lít. Hiện nay, giá xăng trên thị trường của Công ty Xăng dầu Phú Khánh là 23.350 đồng/lít xăng A92, 23.860 đồng/lít xăng A95. Thông tin tăng giá này không khỏi gây bất ngờ cho phần lớn người tiêu dùng. Ông Trần Văn Lâm - một khách hàng đang đổ xăng trên đường Lê Hồng Phong, Nha Trang cho biết: “Theo tôi, đây là mức tăng khá cao. Còn nhớ, lần tăng giá xăng gần đây, nhất là vào tháng 3-2011, giá xăng tăng 2.000 đồng/lít đã kéo theo hàng loạt mặt hàng, dịch vụ như: phân bón, xi măng, giấy, giá cước vận tải… tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người dân có đồng lương eo hẹp”.

Nhận định về tình hình giá cả thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Giá cả thị trường luôn có những biến động khó lường. Giá xăng tăng, một số đơn vị kinh doanh vận tải sẽ phải cân nhắc đến phương án tăng giá cước. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo ngay các đội Quản lý thị trường phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường”.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các cửa hàng tạp hóa, một số mặt hàng tiêu dùng như: hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng vừa điều chỉnh tăng giá khoảng 5 - 10% từ đầu tháng 3. Nhiều người còn lo ngại, nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với thực phẩm. Đợt tăng lương mới trong năm 2012 cũng có thể gây tâm lý tăng giá “ăn theo”. Thông tin tăng giá điện, than trong thời gian tới; việc giá cả các loại lương thực thực phẩm cùng nhóm hàng dịch vụ ăn uống đang đứng ở mức cao và có nguy cơ “té nước” theo giá xăng càng khiến cho sức ép lạm phát trở nên căng thẳng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Lý - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa: “Thời gian tới, người tiêu dùng, đặc biệt là bộ phận công nhân viên chức, những người có thu nhập thấp sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức ép tăng giá của thị trường. Để đối phó với tình trạng này, người tiêu dùng chỉ còn biết “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu tối đa. Chẳng hạn như mặt hàng gas tăng giá, người dân chuyển sang dùng bếp từ, bếp than…; sữa ngoại tăng giá, người tiêu dùng chuyển sang dùng sữa nội. Để bình ổn thị trường, hạn chế tình trạng tăng giá vô tội vạ, “té nước theo mưa”, các ngành chức năng cần phải quản lý phần “gốc”, tức là từ khâu đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ, kiểm tra các yếu tố đầu vào cấu thành giá, minh bạch giá hàng hóa cũng như thanh tra và xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng “nhạy cảm” như: xăng dầu, gas, sữa...”.

V.A


Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh chỉ tăng 2,53% so với tháng 12-2011, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chiếm tỷ trọng cao trong CPI như: gas, sữa, dịch vụ ăn uống bình dân… tăng khá cao. So với cuối năm 2011, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 5,65%, thực phẩm tăng 6,31%, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,92%. So với tháng 2-2011, CPI tháng 2 của nhóm thực phẩm đã tăng hơn 20%, ăn uống ngoài gia đình tăng hơn 18%, nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng tăng tới 22,7%...