Tâm lý thắt chặt chi tiêu, “thắt lưng buộc bụng” thời lạm phát của người tiêu dùng đã khiến cho các cơ sở kinh doanh gặp khó. Để “hút” khách, nhiều đơn vị đã tung ra hàng loạt chương trình giảm giá kích cầu, các phương thức tiếp thị, quảng bá ấn tượng…
Tâm lý thắt chặt chi tiêu, “thắt lưng buộc bụng” thời lạm phát của người tiêu dùng (NTD) đã khiến cho các cơ sở kinh doanh gặp khó. Để “hút” khách, nhiều đơn vị đã tung ra hàng loạt chương trình giảm giá kích cầu, các phương thức tiếp thị, quảng bá ấn tượng… Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng mang lại lợi ích thực sự cho NTD.
Một trong những chiêu thu hút khách phổ biến nhất của các cửa hàng kinh doanh là tung ra nhiều chương trình khuyến mại. Ngoài hình thức giảm giá sản phẩm (một số nơi giảm giá tới 70 - 80%, “vượt trần” quy định mức giảm giá không quá 50%) còn có nhiều hình thức khuyến mại khác như: tặng quà, mua 2 tặng 1, bốc thăm trúng thưởng, quay số may mắn, tích lũy điểm thưởng trong nhiều lần mua sắm, phát hành thẻ giảm giá với khách hàng thành viên và VIP… “Giảm giá trực tiếp trên từng sản phẩm là cách tiết kiệm thiết thực nhất, còn các hình thức khuyến mại khác phần lớn chỉ mang tính chất may rủi, khả năng trúng thưởng không cao” - ông Võ Đình Phú (phường Lộc Thọ, Nha Trang) nhận định. Hiện nay, từ các siêu thị tổng hợp (Siêu thị Maximark Nha Trang, Co.opMart Cam Ranh, Citimart Nha Trang, Trung tâm bán sỉ Metro Cash & Carry Nha Trang…) cho đến các siêu thị điện máy (Chánh Bổn, Đại Thanh, Lê Văn, Tường Nghiêm…), các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, thức ăn nhanh… đều liên tục tung ra đồng thời nhiều hình thức khuyến mại đối với các mặt hàng gia dụng, quần áo, thực phẩm chế biến… Một số cơ sở kinh doanh còn thực hiện khuyến mại quanh năm chứ không cần đợt đến dịp lễ, Tết… Cửa hàng thời trang V.P trên đường 2-4 (Nha Trang) “thanh lý hàng tồn” đến nay đã hơn 4 tháng vẫn chưa hết hàng, hay cửa hàng B. trên đường Quang Trung có một số mặt hàng treo biển “giảm giá” nhưng quanh năm vẫn giữ nguyên một giá bán. Thậm chí, một số đơn vị kinh doanh xe máy, nha khoa… cũng đưa ra các chương trình tặng tiền, tặng mũ bảo hiểm khi mua xe máy, giảm phí chữa trị nha khoa… để cải thiện tình trạng ế ẩm.
Nhiều người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng của các mặt hàng được “giảm giá sốc”. |
Ngoài phương thức khuyến mại, một số đơn vị kinh doanh lại lựa chọn giải pháp giữ nguyên giá nhưng giảm bớt trọng lượng và chất lượng hàng hóa. Bà Vũ Thị Huệ, chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ Vĩnh Hải (Nha Trang) cho biết: “Thực phẩm sau Tết, nhất là thịt bò tăng giá cao, nhưng trong năm trước tôi đã nhiều lần tăng giá bán, nếu tăng tiếp e rằng khách hàng sẽ bỏ quán để… ăn cơm nhà. Vì vậy, cửa hàng vẫn giữ giá 15.000 đồng/tô bún hoặc phở, nhưng phải bớt lượng thực phẩm để giảm chi phí đầu vào”. Các nhà sản xuất mặt hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm… thay vì tăng giá lại sử dụng chiêu giảm trọng lượng nhưng vẫn giữ nguyên mẫu mã bao bì. Ông Trần Bình (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) kể: “Mới đây, tôi mua một chai dầu gội R. với giá chỉ 58.000 đồng, cứ nghĩ hàng đã giảm giá vì trước đó giá bán là 63.000 đồng. Về xem kỹ lại nhãn mác, tôi mới phát hiện loại chai mới có trọng lượng chỉ 675ml, còn chai cũ trọng lượng là 750ml”.
Một hình thức “hút” khách khác tại các cửa hàng thời trang, dịch vụ làm đẹp là bán hàng đồng giá. Với mức giá được niêm yết sẵn chung cho một số dòng sản phẩm, dịch vụ, khách hàng thoải mái chọn lựa sản phẩm mà không quá băn khoăn về giá cả. Những băng rôn có nội dung “Chỉ 150.000 - 200.000 đồng/cho một lần ép hoặc duỗi, nhuộm” hay chỉ từ 90.000 - 285.000 đồng cho bất cứ chiếc áo/quần nào ở các cửa hàng thời trang ít nhiều gây sự chú ý đối với khách hàng.
Bán hàng theo nhóm trên mạng là một xu hướng mới trong thời kỳ “bão giá”. Đây là hình thức nhiều người cùng tham gia mua một sản phẩm trên mạng để được hưởng mức giá ưu đãi giảm từ 30 - 70%, thậm chí giảm đến 90%. Theo bà Đỗ Thị Hoàng Anh, Trưởng đại diện Dự án Mua Chung Nha Trang: “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp thương mại, du lịch tại Nha Trang giảm giá suất ăn, tour tham quan biển đảo… thông qua các trang web muachung.vn, cungmua.com… Giải pháp này vừa giúp doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn, vừa mang lại cho NTD những mặt hàng giá rẻ hơn so với mua lẻ”.
Ngoài việc giảm giá, các hình thức ưu đãi về mặt dịch vụ, phục vụ cũng là một cách để các cửa hàng kinh doanh gia tăng sự gắn bó với khách hàng. Phổ biến là hình thức ưu đãi vận chuyển hàng hóa miễn phí trong thành phố, lắp đặt và sửa chữa tại nhà, giao hàng qua điện thoại, cho dùng thử hàng miễn phí, tư vấn dinh dưỡng, đổi cũ lấy mới…
Đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá cũng là một “kênh” mà các đơn vị kinh doanh tận dụng để lôi kéo NTD. Để tạo ấn tượng với khách hàng, ngoài việc trưng ra giá các sản phẩm ở mức rẻ, nhiều cửa hàng còn treo biển quảng bá như: khẩu hiệu “Một thương hiệu, triệu niềm tin” của Siêu thị điện máy Đại Thanh, khẩu hiệu “Niềm vui của gia đình bạn là hạnh phúc của chúng tôi” của Siêu thị điện máy Chánh Bổn… Hàng loạt tấm biển bắt mắt khác cũng được các đơn vị kinh doanh lớn nhỏ thi nhau trưng ra, từ “Cơ hội duy nhất trong năm”, “Giá rẻ nhất trong năm” cho đến những lời mời chào “Bán lỗ để nghỉ bán”, “Bán dưới giá gốc”, “Bán phá giá”, “Bán hàng không lợi nhuận”… Thậm chí, để thu hút khách, trong thời gian mới khai trương, cửa hàng thời trang H. trên đường 2-4 còn tặng quà cho bất cứ khách hàng nào đến tham quan mà không nhất thiết phải bỏ tiền ra mua sản phẩm. Cách đây vài ngày, cửa hàng kinh doanh hải sản khô Q. trên đường Trần Phú còn treo biển “Cam đoan bán giá rẻ nhất!” (?!).
Tuy nhiên, các chiêu thức “hút” khách ồn ào bao nhiêu thì NTD cũng “thông thái” bấy nhiêu để không bị rơi vào bẫy “hớ” khi mua sắm. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc “săn” hàng khuyến mại, bà Lê Thu Cúc (phường Tân Lập, Nha Trang) cho rằng: “Những lời quảng cáo “mỹ miều” chỉ có thể lôi kéo khách hàng đến tham quan, khảo giá. Còn thực chất, mức giá đó có hợp lý hay không, hàng hóa và dịch vụ có chất lượng không mới là điều quan trọng để khách hàng chịu “mở hầu bao” chi tiêu trong thời lạm phát”.
V.A