Với lý do các mặt hàng gas, xăng dầu… tăng giá, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bình dân đã rục rịch điều chỉnh mặt bằng giá mới.
Với lý do các mặt hàng gas, xăng dầu… tăng giá, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bình dân đã rục rịch điều chỉnh mặt bằng giá mới.
. “Rủ nhau” tăng giá
Thường xuyên phải ăn cơm ở ngoài, anh Lê Tùng Anh - nhân viên thị trường của một đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Nha Trang nhận định, giá dịch vụ ăn uống bình dân đã cao hơn tháng trước từ 10 đến 20%. Tại một quán ăn trên đường Dã Tượng (Nha Trang), suất cơm bình dân, cơm văn phòng vỏn vẹn một ít cơm, thịt kho, trứng chiên, rau xào… đã tăng lên 18.000 - 35.000 đồng/suất, cao hơn trước từ 2.000 đến 5.000 đồng/suất. Giá phở bò, bún bò, mì quảng… bán tại chợ Xóm Mới, đường 2-4… cũng “leo” lên 17.000 - 20.000 đồng/tô. Các cửa hàng bán bánh cuốn, bánh hỏi… “rủ nhau” tăng lên 17.000 - 20.000 đồng/phần (trước đây từ 15.000 đến 17.000 đồng/phần). Một số quán hải sản trên đường Tháp Bà (Nha Trang) tăng giá tới 20 - 30% như: gỏi hải sản giá 60.000 đồng/đĩa, sò nướng 70.000 đồng/dĩa, mì xào 50.000 đồng/dĩa… Trần Ngọc Trang - sinh viên Trường Đại học Nha Trang đang ở trọ trên đường Đoàn Trần Nghiệp kể: “Hôm vừa rồi, đến ăn phở ở quán quen gần trường, em chỉ cầm theo 15.000 đồng. Không ngờ đến lúc tính tiền, chủ quán cười nói, giá một tô phở đã tăng lên 17.000 đồng. Cũng may em là khách quen nên chủ quán cho nợ”.
Cơm, phở… bình dân đã tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/suất. |
Không chỉ có hàng ăn tăng giá, giá các loại đồ uống cũng rục rịch tăng giá 10 - 20%. Ghi nhận tại một số quán giải khát trên đường Phạm Văn Đồng (Nha Trang) cho thấy, giá nước mía từ 6.000 đồng/ly mới đây đã tăng lên 8.000 đồng/ly; sinh tố, chè trái cây từ 8.000 đến 12.000 đồng/ly tăng lên 10.000 - 15.000 đồng/ly…
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ lẻ, giá thực phẩm tươi sống chưa có biến động lớn kể từ hơn 1 tháng qua. Thậm chí, sau khi có thông tin thịt heo ở một số tỉnh, thành sử dụng chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi gia súc, giá mặt hàng này có xu hướng giảm nhẹ (khoảng 5.000 đồng/kg) so với tuần trước như: Thịt heo ba chỉ còn 80.000 đồng/kg, heo nạc thăn 95.000 đồng/kg. Giá thịt bò vẫn ổn định ở mức 180.000 - 220.000 đồng/kg. Các mặt hàng thủy hải sản như: tôm, cua, mực… giá ổn định hoặc tăng nhẹ (từ 3 - 5%). Các loại trái cây không có biến động lớn. Bà Lê Thị Thu - chủ một cửa hàng ăn uống bình dân tại chợ Đầm, Nha Trang phân trần: “Trước đây, tuy giá thực phẩm sau Tết vẫn ở mức cao nhưng chúng tôi cố gắng giữ giá, không dám tăng liên tục. Hiện nay, giá thực phẩm không tăng, song các chi phí đầu vào như: giá gas, xăng… tăng đáng kể. Đầu tháng 3, giá gas tăng cao tới hơn 30%, tôi chuyển sang đun nấu bằng bếp than. Đến lượt giá than cũng tăng gần 20%. Mới đây, giá xăng tăng khoảng 10%, nhân viên giao hàng yêu cầu tăng chi phí vận chuyển. Lại thêm sức ép tăng giá thuê mặt bằng, tiền công nhân viên phục vụ…, nếu duy trì mức giá bán hàng như trước thì coi như tôi kinh doanh không có lãi”.
. Lơ là quy định niêm yết giá
Theo quy định, hàng hóa kinh doanh trên thị trường bắt buộc phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh tình trạng tăng giá tùy tiện. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bình dân đều không niêm yết giá, hoặc chỉ niêm yết đối phó, niêm yết một đằng, bán một nẻo. Đây cũng là kẽ hở để người bán hàng tăng giá vô tội vạ. Ghé vào một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi được nhân viên đưa cho một cuốn menu (thực đơn) có hàng chục món ăn, đồ uống để chọn, nhưng không có món nào đề giá. Nhân viên này lý giải, cửa hàng không đề giá là do giá các món thay đổi liên tục theo giá thị trường. Theo ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết chỉ được các siêu thị, cơ sở nhà hàng, khách sạn, đơn vị kinh doanh lớn thực hiện, còn đối với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ hầu như vẫn lơ là việc chấp hành quy định này. Trong công tác kiểm tra việc niêm yết giá tại các cơ sở dịch vụ ăn uống bình dân, đoàn kiểm tra chủ yếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền vận động người bán chứ xử phạt không xuể. Những trường hợp vi phạm bị xử phạt chủ yếu liên quan đến các cơ sở kinh doanh mặt hàng xăng dầu, gas, sữa, tân dược…
Trước tình hình giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng cao, giải pháp ăn cơm tại nhà hoặc mang cơm hộp tự chế biến đi làm được nhiều người lựa chọn. Bà Ngô Thị Mơ (Vĩnh Thạnh, Nha Trang) nhẩm tính: “Chi phí ăn sáng ở quán dành cho 5 người trong gia đình tôi ngót nghét 100.000 đồng. Vị chi mỗi tháng gần 3 triệu đồng tiền ăn sáng, cao hơn tiền lương hàng tháng của công nhân viên chức. Nếu mua thực phẩm về tự chế biến thì chỉ bằng một nửa so với ăn ở quán. Số tiền tiết kiệm được, chúng tôi còn phải lo trang trải nhiều khoản chi khác”.
V.T